Sáng 8-10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 (gọi tắt là Chương trình).
Không hiệu quả, không xây
Theo tờ trình của Chính phủ, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp ít nhất là 77.000 tỉ đồng (chiếm 63%); ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỉ đồng; huy động hợp pháp khác khoảng 15.000 tỉ đồng.
Dự kiến, tổng các nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình là 134.000 tỉ đồng, thực hiện trong 11 năm, từ năm 2025 - 2035.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có quan hệ văn hóa lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt sinh sống, lao động, học tập. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo nhóm mục tiêu đã xác định.
Chương trình tập trung vào các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, cụ thể: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn (âm nhạc, sân khấu, múa...); văn học; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc (văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số…); văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết Ủy ban cơ bản nhất trí với mục tiêu, dự kiến tổng mức đầu tư và các nguồn vốn để thực hiện. Trong khi đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có ý kiến tổng mức đầu tư của Chương trình là rất lớn nên cần nghiên cứu, đánh giá kỹ quy mô, cơ cấu, khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia, sử dụng hiệu quả ngân sách.
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tiếp tục rà soát để bảo đảm mục tiêu tổng quát có trọng tâm, trọng điểm.
Nhấn mạnh văn hóa cơ sở là khu vực "không phải chi ngân sách vẫn có thể hình thành và khai thác hiệu quả", Chủ tịch QH lưu ý cần chú ý triển khai xây dựng văn hóa cơ sở để toàn dân có ý thức xây dựng giá trị đạo đức, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới.
Chủ tịch QH lưu ý khi đầu tư các chương trình, dự án phải bảo đảm tính khả thi. Chính phủ cũng cần báo cáo rõ hơn về khả năng huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện Chương trình phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn lực quốc gia đặt trong tổng thể kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2025 - 2030, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định cho rằng mục tiêu Chương trình vẫn đang dàn trải và nhiều ngành văn hóa không cần đầu tư quá nhiều ngân sách.
"Cần tập trung vào công nghiệp văn hóa để tăng nguồn thu, lấy văn hóa nuôi văn hóa" - ông Nguyễn Khắc Định nói và đề nghị nên giảm bớt vấn đề xây dựng, bởi tiền bỏ ra xây không biết bao nhiêu cho đủ. Xây xong không phát huy hiệu quả thì không nên xây.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý hiện có rất nhiều dự án lớn dự kiến triển khai, nên cần có đánh giá tổng thể chung về tất cả nguồn có được để có thể xem xét, bố trí một cách cân đối, phù hợp cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
"Nhạy cảm" chuyện miễn học phí cho con nhà giáo
Sáng cùng ngày, Ủy ban TVQH cho ý kiến lần 2 đối với Luật Nhà giáo.
Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban TVQH và thẩm tra sơ bộ của các ủy ban của QH, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết một số nội dung chính sách (quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ với nhà giáo) được rà soát kỹ lưỡng để vừa bảo đảm đột phá vừa phù hợp thực hiện cải cách tiền lương.
Đáng chú ý, dự luật đề xuất miễn học phí từ bậc học mầm non đến đại học cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác. Chính phủ cho biết hằng năm ngân sách nhà nước phải chi trả thêm 9.212,1 tỉ đồng.
Thảo luận, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng đề xuất miễn học phí cho con của nhà giáo đang trong quá trình công tác là rất nhân văn nhưng chỉ ở trường công lập chứ trường dân lập không thực hiện được ngay. Tuy nhiên, nếu áp dụng ở trường công lập cũng "nhạy cảm".
"Chỗ này quy định thế nào hoặc để cho Chính phủ quy định theo hướng đối với những nhà giáo có khó khăn thì có chính sách hỗ trợ, không ghi vào luật. Ưu đãi, chế độ đặc thù thì được nhưng đặc quyền, đặc lợi thì không nên" - ông Nguyễn Khắc Định góp ý.
Theo Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn, miễn học phí cho con nhà giáo đang trong thời gian công tác chỉ áp dụng được trong trường công lập, rất khó áp dụng với cơ sở tư thục. Do đó, cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ và cần làm rõ các điều kiện bảo đảm cho các chính sách tiền lương, phụ cấp và chính sách hỗ trợ với nhà giáo.
Ông Trần Thanh Mẫn dẫn chứng, theo báo cáo của Chính phủ, chỉ riêng chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mỗi năm cần hơn 9.200 tỉ đồng. Nguồn này ở đâu, lấy từ chỗ nào để chi hằng năm. Phải đánh giá kỹ hơn để bảo đảm khả thi, bảo đảm tính công bằng trong mối tương quan với các đối tượng ưu tiên khác.
Tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề cập một số hiện tượng "đau xót", ảnh hưởng hình ảnh nhà giáo, được phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng vừa qua. Điển hình là vụ việc cô giáo vận động phụ huynh học sinh góp tiền mua máy tính; hình ảnh cô giáo "thân mật" quá mức với học sinh tại lớp học… "Từng là nhà giáo, tôi thấy rất đau xót…" - bà Hải bày tỏ.
Đối chiếu với các điều quy định về đạo đức nhà giáo, đại biểu tán thành với quy định nhà giáo phải là chuẩn mực về nhận thức, thái độ, hành vi trong mối quan hệ giữa nhà giáo với người học, đồng nghiệp và gia đình người học.
Phát triển công nghiệp công nghệ số
Chiều 8-10, Ủy ban TVQH cho ý kiến lần đầu dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết mục đích ban hành luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cơ quan thẩm tra của QH đánh giá hồ sơ dự án luật đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện để trình QH xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, đề nghị với tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn thì nên nghiên cứu, cân nhắc có chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội hơn nữa so với quy định như dự thảo hiện nay.
Bình luận (0)