Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, từ ngày 1-1-2020 đến 30-6-2024, tại TP HCM có 710.324 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó 690.711 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cũng trong giai đoạn này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP đã ban hành 10.178 quyết định hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu học nghề. Tổng số tiền hỗ trợ người lao động thất nghiệp học nghề là hơn 38,2 tỉ đồng.
Thời gian qua, việc hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp tại TP còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký tham gia đào tạo nghề cho người thất nghiệp ít nên chưa tạo được thuận lợi cho họ khi tham gia học nghề; Việc quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề khó khăn, dẫn đến các trường nghề chưa hưởng ứng với hoạt động đào tạo cho đối tượng này.
Bên cạnh đó, chế độ hỗ trợ học nghề chủ yếu giải quyết nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho lao động tham gia đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Mặt khác, chính sách chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các nội dung hỗ trợ khác trong thời gian học nghề như chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại... nên chưa thu hút sự quan tâm của người thất nghiệp đối với việc học nghề.
Đáng nói hơn là mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn thấp (hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng) nên người lao động chỉ có thể tham gia đào tạo ở một số ngành nghề mang tính phổ biến (nấu ăn, trang điểm, làm đẹp, tin học, lái xe...), không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên hay những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn.
Để công tác đào tạo nghề cho người lao động thất nghiệp phát huy hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cho rằng Chính phủ cần thay đổi chính sách liên quan một cách phù hợp. Theo đó, bên cạnh việc tăng mức hỗ trợ, kéo dài thời gian học nghề thì cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp cần lao động về ngành nghề, lĩnh vực gì thì sẽ trực tiếp mở lớp đào tạo cho người lao động về ngành nghề đó, kinh phí đào tạo sẽ do BHXH trích từ nguồn bảo hiểm thất nghiệp chỉ trả cho doanh nghiệp.
Sau khi học xong, doanh nghiệp nhận lao động vào làm việc đúng với ngành nghề đã đào tạo cho họ. Khi thấy được đầu ra, nhận thức của người lao động về việc học nghề sẽ thay đổi. Họ sẽ chịu học nghề và chuyển đổi nghề một cách thích hợp, từ đó giảm tỉ lệ người thất nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định người lao động tham gia học nghề được hỗ trợ chỉ phí khác (đi lại, sinh hoạt phí...) trong thời gian học nghề; Có chế độ ưu đãi đối với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tham gia gia đào tạo nghề cho người tham gia bảo hiểm thất nghiệp…
Bình luận (0)