Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 940.500 người, tăng 27.300 người so cùng kỳ năm trước. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68% và khu vực nông thôn là 2%. Tuy thất nghiệp nhưng nhiều người lao động (NLĐ) không mặn mà với công việc mới vì nhiều lý do.
Chê thu nhập thấp
Tỉ lệ thất nghiệp của lao động trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) quý II/2024 là 8,01%, tăng 0,02 điểm phần trăm so quý trước và tăng 0,6 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. So với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao và gấp hơn 3 lần. Trong khi đó đây là lực lượng trẻ, có trình độ, được đào tạo và có nhu cầu tìm việc làm luôn cao hơn.
Ra trường gần một năm nay nhưng anh Lê Trần Khánh Nguyên (24 tuổi, quê Bình Định) không tìm việc làm toàn thời gian mà chọn làm tự do để học thêm tiếng Nhật. Là kỹ sư công nghệ thông tin, Nguyên nhận bảo trì website, làm dịch vụ định vị Google Map cho các cửa hàng, quán ăn. Thời gian rảnh, Nguyên đến trung tâm học tiếng Nhật Bản. Nguyên cho biết khi đưa hồ sơ lên các chuyên trang tuyển dụng, có rất nhiều nơi mời đi làm nhưng mức lương thua xa công việc thời vụ hiện tại của anh. "Đa số doanh nghiệp (DN) chào mời mức lương khoảng 10 đến 12 triệu đồng nhưng khối lượng công việc quá lớn. Tôi không muốn gò bó, hơn nữa có dự định ra nước ngoài nên không muốn đi làm toàn thời gian" - anh Nguyên cho biết.
Lý giải việc chọn chạy xe ôm công nghệ thay vì kiếm việc làm ổn định, anh Đậu Hữu Phúc (26 tuổi, ngụ quận 12, TP HCM) cho rằng thu nhập từ công việc thời vụ cao hơn công việc toàn thời gian. Công việc hiện tại giúp anh thoải mái về thời gian làm việc, sắp xếp được cuộc sống cá nhân. Phúc cho biết trước khi chạy xe ôm công nghệ, anh có 3 năm làm nhân viên bán hàng với thu nhập từ 7 đến 9 triệu đồng mỗi tháng. Tuy công việc ổn định nhưng thu nhập thấp nên anh nghỉ tìm công việc khác.
"Công việc bán hàng cũng chạy suốt ngoài đường như bây giờ nhưng thu nhập thấp quá. Bây giờ, tôi vừa chạy giao hàng vừa chở khách, ngày làm khoảng 10 giờ nhưng thu nhập gần gấp đôi" - Phúc bộc bạch. Phúc cũng cho biết anh cũng chăm lên mạng tìm việc nhưng chưa có công việc nào phù hợp mà thu nhập tốt hơn. Công việc phù hợp thì thu nhập quá thấp, khởi điểm chỉ 8 triệu đồng/tháng thì không đủ chi tiêu sinh hoạt ở TP HCM, làm sao có dư để tiết kiệm.
Lương phải sát thực tế
Ở góc độ nhà tuyển dụng, bà Võ Thị Hồng Trang, giám đốc nhân sự một DN sản xuất bánh kẹo tại quận Bình Tân (TP HCM), đánh giá mặt bằng lương hiện nay cho khối công nhân (CN) sản xuất và cả nhân viên văn phòng khá thấp so với mức sống.
Tại công ty nơi bà Trang đang làm việc, thu nhập của CN mới nhận việc khoảng 6,5 đến 7 triệu đồng/tháng, CN có tay nghề cũng chỉ khoảng 9 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương được quy định từ cách đây 10 năm và chỉ mới 2 lần điều chỉnh ở mức vài phần trăm. "Chưa bao giờ CN đến ứng tuyển mà từ chối nhận việc như vài tháng gần đây. Họ hy vọng mức thu nhập cao hơn nên chúng tôi đưa ra một số phụ cấp, thưởng cũng được thêm hơn 1 triệu đồng nhưng NLĐ vẫn quay lưng. Tôi đã đề xuất chính sách trả lương mới nhưng ban giám đốc chưa đồng ý bởi lo ngại điều này ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh" - bà Trang chia sẻ.
Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, nhận định nỗ lực tăng lương cơ sở và lương tối thiểu vùng của Chính phủ có tác động đến thị trường tuyển dụng trong nửa cuối năm nay và đầu năm 2025. Trong bối cảnh này, DN cần xây dựng lại thang bảng lương theo vị trí việc làm sao cho sát thực tế đời sống của NLĐ từng vùng. Đây cũng là cơ hội để DN có nhiều lựa chọn hơn cho một vị trí tuyển dụng khi chế độ lương thưởng mới hấp dẫn nhân tài hơn.
Đối với khối lao động phổ thông, DN cũng cần xem xét, thấu hiểu mức phí sinh hoạt hiện nay của NLĐ xung quanh nơi công ty đóng chân để điều chỉnh sao cho phù hợp tình hình của DN. Cần lưu ý rằng, thu nhập càng hấp dẫn, DN càng chọn được nhân sự tốt hơn. Bên cạnh đó, thu nhập tốt, đời sống cải thiện thì mức độ gắn bó, đóng góp của NLĐ cho DN cũng lâu dài và nhiều hơn.
"Về phía NLĐ, cần xem xét nhiều yếu tố trước khi quyết định nhận việc. Đó phải là công việc phù hợp với năng lực, mức thu nhập tương xứng, chính sách chăm lo cho NLĐ ở DN đó rõ ràng và cơ hội thăng tiến trong công việc rộng mở" - bà Kim nhấn mạnh.
Dữ liệu của ManpowerGroup cho thấy 6 tháng đầu năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của các đối tác tăng từ 20% đến 400% so với 6 tháng cuối năm 2023. Các vị trí cần tuyển nhiều nhất là công nhân, nhân viên kinh doanh, tài xế giao hàng… Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp đều không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra dù sử dụng nhiều kênh khác nhau.
Bình luận (0)