Đây là kiến nghị được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra tại tọa đàm "Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng" do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, ngày 23-4.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết thành phố là một siêu đô thị với trên 10 triệu dân, nhu cầu về hạ tầng từ hạ tầng giao thông, đến trường học, bệnh viện, nhà ở, công viên… là rất lớn và không ngừng tăng lên. Làm thế nào để đáp ứng tốt nhu cầu, nâng cao chất lượng môi trường đời sống người dân là trách nhiệm mà TP HCM phải giải quyết, đòi hỏi phải huy động được nguồn lực tổng hợp đủ lớn.
"Có một nguồn lực rất lớn những năm qua luôn đổ về thành phố một cách bền bỉ đó là kiều hối. Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài như năm 2023 là 9,46 tỉ USD, gấp gần 3 lần vốn FDI" - Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường nói.
Đầu năm 2023, UBND TP đã giao Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP xây dựng Đề án "Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố". Qua nhiều lần dự thảo, đến nay đề án đang được tiếp tục hoàn thiện để sớm được thông qua và thực hiện.
Dù chỉ chiếm khoảng 5% dân số người Việt và người gốc Việt trên toàn thế giới nhưng kiều bào đang là lực lượng tài chính có đóng góp rất đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam. Năm 2023, người Việt sinh sống và làm việc tại nước ngoài gửi về nước khoảng 16 tỉ USD, trong đó TP HCM tiếp nhận 9,5 tỉ USD, chiếm gần 60% lượng kiều hối của cả nước.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, thông tin thêm về một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm. Khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế - xã hội tại thành phố có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng để huy động nguồn lực từ kiều hối có 2 kênh là phát hành trái phiếu công trình và trái phiếu dự án. Như đường sắt đô thị (metro), có thể chọn 1 dự án để phát hành trái phiếu nhằm thu hút kiều hối kiều bào.
"Kênh thứ hai là phát hành trái phiếu đô thị. Loại trái phiếu này được bảo đảm bằng ngân sách TP, cũng rất an toàn, giống như trái phiếu Chính phủ. Nếu Ngân hàng Nhà nước cho phép loại trái phiếu này được lưu chuyển, giao dịch trên thị trường như trái phiếu Chính phủ thì người dân sẽ lựa chọn. Đây là một kênh cho kiều hối chảy vào" - ông Lịch nói.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang trong tình trạng khủng hoảng về niềm tin sau hàng loạt những sự cố liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát,… thì để phát hành trái phiếu thành công, TP phải bảo đảm và chứng minh tình hình tài chính của thành phố đủ khả năng để trả lãi suất và vốn gốc đúng hạn.
"Phải minh bạch trái phiếu sẽ tài trợ cho dự án đặc biệt nào, như xây dựng cầu đường thì thu phí ra sao, xây dựng các cơ sở giáo dục thì phải nói rõ nguồn trả nợ ở đâu? Tại Mỹ, khi người dân mua trái phiếu, các ngân hàng nói rõ nguồn trả nợ từ đâu rất cụ thể, như ưu tiên nguồn trả nợ thứ nhất từ kinh doanh, sau đó là từ các tài sản bảo đảm, tiếp đến sẽ là một khoản bảo lãnh nào đó" - TS Hiếu nói.
Bình luận (0)