Sinh ra với cơ thể khỏe mạnh bình thường, nhưng một biến cố năm lên 4 tuổi đã khiến Hà Thị Như Quỳnh (sinh năm 1986) phải bỏ hoàn toàn một bên mắt. Sau những chuỗi ngày đau vì tiêm, mổ mắt, cô bé Quỳnh khi ấy còn phải đối mặt với nỗi đau từ sự kỳ thị của bạn bè, thay vì yêu thương.

Hà Thị Như Quỳnh (trái) muốn xây dựng hệ sinh thái giáo dục dành riêng cho trẻ em khuyết tật tại Việt Nam
Mỗi ngày đến trường, bị bạn chế giễu, xa lánh, có lần mắt giả rơi ra còn bị bạn ném xuống ao cạnh trường, Quỳnh càng thêm tự ti, mặc cảm. Nhưng Quỳnh luôn cố gắng học thật giỏi để chứng minh khiếm khuyết ấy không thể khiến cô lùi bước.
Lớn lên, có bạn trai, mặc cảm về ngoại hình một lần nữa khiến Quỳnh rơi vào tuyệt vọng khi gia đình bạn trai phản đối. Đau buồn vì cuộc đời không mỉm cười với mình, cô đã từng nghĩ tới cái chết.
Trong một lần tham gia thiện nguyện, khi gặp những đứa trẻ vùng cao có cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn mà vẫn vui cười, hồn nhiên, Quỳnh quyết tâm phải "làm một điều gì đó" để các em bé kém may mắn được tự tin hòa nhập.

Như Quỳnh cùng đội ngũ giáo viên xây dựng những lớp học nhỏ, nơi mỗi đứa trẻ được học theo cách riêng của mình
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành Giáo dục đặc biệt, Quỳnh trở thành người mẹ của những vầng trăng khuyết. Tháng 3-2014, Quỳnh thành lập Nhà cứu trợ trẻ em khuyết tật Đức Minh. Sau 4 năm hoạt động, tháng 3-2018 chị đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục - CHIC. Nơi ấy trở thành chốn bình yên dành cho những trẻ em đặc biệt - những trẻ rối loạn phát triển, như trẻ rối loạn phổ tự kỷ, trẻ tăng giảm chú ý, trẻ có khó khăn về học tập, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ down….
Tại đây, Như Quỳnh cùng đội ngũ giáo viên xây dựng những lớp học nhỏ, nơi mỗi đứa trẻ được học theo cách riêng của mình, với nhịp điệu riêng. Cô còn dành 5 năm để biên soạn bộ tài liệu "Thực hành phát triển giao tiếp" với hy vọng có thể giúp những bà mẹ vùng sâu, vùng xa – những người không biết bắt đầu từ đâu – cũng có thể dạy con từng bước nhỏ.
Đó không chỉ là bộ sách, mà còn là tâm huyết và tình yêu thương vô bờ bến cô dành cho những em nhỏ đặc biệt, với mong muốn những cống hiến của mình phần nào giúp các em hòa nhập, tự tin hơn trong cuộc sống. Quỳnh muốn xây dựng hệ sinh thái giáo dục dành riêng cho trẻ em khuyết tật tại Việt Nam
"Trạm yêu thương" chủ đề "Kỹ sư tâm hồn" – phát sóng lúc 10 giờ, thứ bảy ngày 19-7 trên kênh VTV1
Bình luận (0)