Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, nam bệnh nhân 58 tuổi, có dấu hiệu viêm màng não. Bác sĩ chỉ định chọc dịch não tủy cho người bệnh làm xét nghiệm cấy máu và cấy dịch não tủy.
Kết quả, nam bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn (Steptococcus Suis).
Người bệnh được xác định bị viêm màng não do liên cầu lợn và điều trị theo kháng sinh đồ. Sau 21 ngày điều trị, người bệnh đã khỏi, sức khỏe ổn định.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Nam Định) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn.
3 ngày trước nhập viện, bệnh nhân mổ lợn và làm tiết canh liên hoan cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn và tử vong ngay sau đó.
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…
Người dân ăn các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn chưa nấu chín, như: Tiết canh, nem chua, nem chạo... cũng dễ mắc liên cầu khuẩn lợn. Ngoài ra, tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết cũng có nguy cơ khiến người giết mổ lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các vết trầy xước trên da.
Liên cầu khuẩn lợn có 2 thể bệnh chính, thể hay gặp nhất là viêm màng não mủ, bệnh nhân có thể sốt cao, sau đó co giật, lơ mơ, hôn mê, nặng hơn là bị phù não dẫn đến tử vong.
Khi nhiễm liên khuẩn cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo tỉ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%. Hiện chưa có vắc-xin phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn cho người. Tuy nhiên, vi khuẩn gây bệnh liên cầu khuẩn lợn hoàn toàn bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín kỹ.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên ăn các sản phẩm được nấu chín, không sử dụng các món ăn tươi sống như tiết canh, tái, nem chạo… để phòng tránh nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
Bình luận (0)