xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bãi bồi mùa đăng cá giống

Theo Phong Phú (Cà Mau Online)

Anh Lâm Văn Gấm, ấp Trại Xẻo, xã Viên An, huyện Năm Căn -Cà Mau, thở dài khi nghe nhắc đến chuyện khai thác giống thuỷ sản trên sông Cửa Lớn mùa này. Là một trong những cư dân định cư lâu đời trên mảnh đất được ví “như ngón chân cái chưa khô bùn”, giàu sản vật, nhưng mấy năm gần đây, những miệng đáy truyền thống không còn nuôi nổi miệng ăn.

Hàng trăm hộ dân từ các ấp: Trại Xẻo, Sắc Cò, Xóm Biển, Cồn Cát của xã Viên An và các ấp lân cận của xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, giờ đây có thêm những “nghề phụ”: te, lú quái, lưới ba màng. Nổi trội hơn hẳn là thay lưới miệng đáy bằng mành (lưới cước) đón luồng giống dạt vào từ biển.
 
"Những lúc cao điểm, mỗi đêm có trên 150 phương tiện của cư dân xã Viên An và vùng lân cận khai thác trái phép ở khu vực bãi bồi, nơi đang được bảo tồn nghiêm ngặt”, ông Đoàn Văn Hiệp, Bí thư Đảng uỷ xã Viên An, cho biết.
 
Vì kế mưu sinh
img
Dỡ đáy mành trên sông Cửa Lớn.

Viên An có khoảng 3.100 hộ dân sinh sống, nhưng có đến 977 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Trong số đó, xã điều tra được hơn 770 hộ không nghề, không đất sản xuất. Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên, xã đã từng giúp vốn sản xuất nhưng không phát huy hiệu quả. Trong 18 ấp có 3 ấp đặc biệt khó khăn: Xóm Biển, Trại Xẻo và Cồn Cát.
 
“Chỉ còn cách căn cơ là giúp dân có đất sản xuất, trong khi đó, quỹ đất của xã không còn. Nếu để ngư dân nghèo tiếp tục bám biển, khai thác bằng cách huỷ diệt như thực trạng hiện nay thì khó có thể bảo vệ được nguồn lợi biển và lâm sản.
 
Việc đẩy mạnh đầu tư khai thác xa bờ cần rất nhiều vốn; hoặc thành lập các tổ kinh tế tập thể: hợp tác xã chăn nuôi, hợp tác xã cung ứng giống… khả năng của xã không thể làm nổi”, ông Đoàn Văn Hiệp cho biết.
 
Cả ấp Trại Xẻo chưa tròn 100 nóc nhà nhưng đã có tới hơn một nửa không đất sản xuất, đời sống bấp bênh. Ông Diệp Ngọc Ẩn, Bí thư Chi bộ ấp Trại Xẻo, bức xúc: “Diện tích tự nhiên của ấp hơn 400 ha, từ khu vực đông đúc 117 hộ, giờ Trại Xẻo chỉ còn 88 hộ dân nhưng có 54 hộ phải bám biển, đời sống bấp bênh. Hơn 30 hộ khác đã bỏ quê đi làm thuê tận các tỉnh miền Đông. Hạ tầng và các nhu cầu thiết chế văn hoá khác gần như là con số không: không đường giao thông nông thôn, không điện sử dụng (cách trung tâm xã chưa đầy 3 km)”.
 
Phía bên kia sông Cửa Lớn, đoạn Trại Xẻo là ấp Cồn Cát của xã Lâm Hải cũng vào tình cảnh tương tự. Sáu con kinh, rạch xứ Cồn Cát, Lâm Hải bị phù sa bồi lắng đến cạn. Mỗi con nước thuỷ triều xuống, phương tiện thuỷ khó lưu thông.
 
Ông Nguyễn Thanh Giang, Chủ tịch UBND xã Lâm Hải, bộc bạch: Hiện cả xã chỉ có hơn 30% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, hạ tầng lộ giao thông cũng thiếu và yếu. Đời sống một bộ phận nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sức ép mưu sinh nhiều năm gần đây hiện diện rõ, nhất là việc khai thác, xâm hại nguồn lợi thuỷ sản trên sông Cửa Lớn, khu vực bãi bồi.
 
Thực trạng hạ tầng yếu, đời sống người dân khó khăn, điều kiện học hành của lớp trẻ cũng bị ảnh hưởng lớn. Ông Ẩn nhẩm tính, ở Trại Xẻo, mỗi học sinh tiểu học đến trường phải tiêu tốn khoảng 700.000 đồng chi phí đò đưa rước và ăn uống.
 
Nhưng mùa mưa thì phụ huynh khó yên tâm cho con em đến lớp vì sóng gió trên sông Cửa Lớn rất hung hăng. Một số học sinh bỏ học phần vì điều kiện đi lại, phần vì kinh tế khó khăn. Thực trạng này không khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng dai dẳng đến thế hệ tiếp nối.
 
Vẩn đục bãi bồi
 
Thiên nhiên ban tặng cho xứ biển Ông Trang nhiều cồn được cây mắm bao phủ xanh rờn. Đó là vùng đất bùn bồi lắng hằng năm lấn ra biển khoảng 80 m mà cư dân xưa nay gọi là bãi bồi.
 
Đây là nơi hội tụ và trú ngụ của nhiều loài hải sản vùng biển Cà Mau. Cả khu vực bãi bồi ước tính khoảng 240 km được bảo vệ bằng nhiều biện pháp “mạnh” bởi sức ép dân cư vào những năm đầu 1990.
 
Song, để sinh tồn trên xứ sở “rừng vàng, biển bạc”, cư dân phải tìm đủ mọi cách. Một trong những “cách mới” là các tuyệt chiêu đánh bắt nguồn lợi hòng qua mắt các ngành chức năng. Đó là chưa kể đến các tuyệt chiêu “đèn xanh”, cứ đêm đêm hàng trăm hộ dân tìm tòi trên khu vực nghiêm cấm của vùng bãi bồi lấn biển!
 
Để có thu nhập, ngư dân phải “chế” thêm miệng đáy bằng lưới mành (loại dùng phơi ruốc, phơi lúa), gắn vào hàng đáy. Với miệng đáy mới này, tới mùa giống (từ tháng 4 âm lịch), ngày nào trúng luồng giống: cá kèo, cua con… người dân bỏ túi rủng rỉnh vài triệu đồng, còn kém hơn thì cũng ngót nghét 1 triệu.
 
Đó là chuyện của khoảng 5 năm về trước. Còn bây giờ, cảnh miệng đáy mành phơi trơ trên hàng đáy đã là câu trả lời. Bà Nguyễn Thị Thiệt, ấp Trại Xẻo, thở dài: “Bây giờ, việc đăng bắt cá kèo hay cua giống không còn đợi nổi tới mùa. Đêm nào cũng vậy, hễ đón luồng cá thấy có con giống là căng đáy, mỗi đêm kiếm trăm ngàn đã là mừng lắm”.
 
Ngay cả những con lạch nhỏ, xưa nay đâu ai tác động hay đánh bắt, bây giờ hễ nước lớn tràn vô, phát hiện có cá là người dân dùng vợt vớt bán.
 
img
Đánh lưới ba màng, hình thức bị nghiêm cấm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trên vùng bãi bồi. (Ảnh chụp ngày 15/5/2013).

Ông Ẩn bức xúc: “Miệng đáy đón luồng cá phía trong, còn các hoạt động đánh bắt khác thì chà nát phía bãi bồi, làm sao con giống trôi dạt về tới đây được. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì không lâu nữa, cư dân bám đáy sẽ trơ như những miệng đáy mành ngoài sông Cửa Lớn!”.
 
Chúng tôi được ông Ẩn đưa ra phía Cồn Cát, qua vùng bãi bồi. Cảnh tượng đầu tiên khiến những ai lần đầu đến không khỏi bàng hoàng là các phương tiện đánh bắt: lưới ba màng, lú bát quái ngang nhiên hoạt động đánh bắt ở khu vực bảo tồn nghiêm ngặt giữa ban trưa.
 
Từ chiếc vỏ composite, 2 thanh niên kéo lưới ba màng trên bãi bồi cách Trạm Bảo tồn Vườn quốc gia chưa tròn 1 km; còn những chiếc thuyền mui hành nghề đặt rập cua, giăng lưới gác mái neo nghỉ ngay cửa trạm (phía đi thẳng về Bảy Háp).
 
Thấy lạ, tôi vọt miệng hỏi anh thanh niên kéo lưới, có bị ngành chức năng phạt lần nào chưa. Anh thản nhiên đáp: “Lâu lâu bị một lần!”.
 
Gió thốc mạnh từ phía biển Tây, nước bắt đầu ròng, nước sông Cửa Lớn vẩn đục hơn bởi các hoạt động khai thác. Ngược dòng Cửa Lớn từ phía Ông Trang, nhiều xuồng máy chở nặng những lú bát quái, lưới ba màng… hướng thẳng Cồn Cát, bãi bồi. Thêm một ngày, vùng bãi bồi bị xâm hại.
 
Ông Đoàn Văn Hiệp, Bí thư Đảng uỷ xã Viên An, bộc bạch: “Xã cũng biết vấn đề này, xong công tác phối hợp với Ban quản lý, khu vực bảo tồn chưa được mặn mà. Dù trong số này có cư dân của Viên An, nhưng mỗi khi chúng tôi phối hợp kiểm tra thì hầu như không một bóng phương tiện nào đánh bắt.
 
Có lúc không thể tin nổi, tôi theo dõi và phát hiện về đêm không dưới 150 phương tiện hì hục thả lưới, đẩy te… trên vùng cấm khai thác này. Sự việc kéo dài, đã báo cáo về huyện nhưng chưa thấy giải quyết. Đối với đăng mành bắt giống, xã nhiều lần xử phạt hành chính nhưng xong rồi thì đâu cũng vào đấy!
 
Riêng việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân vươn khơi, xã có 22 hộ được đăng ký và có 3 trường hợp hoàn tất thủ tục, còn lại đang lập hồ sơ và tiếp tục rà soát.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo