Nhiều người rất bực bội mỗi lần thấy người đàn ông còn trẻ này ngửa tay xin tiền.
Người dân sống dọc các con đường 30-4, Nguyễn Thái Học, Lê Lai, Đồ Chiểu (TP.Vũng Tàu) đều quen mặt một đệ tử “cái bang” chưa đến 50 tuổi, khỏe mạnh và có dáng vẻ trí thức. Cứ khoảng 19 giờ hàng ngày, người đàn ông này bắt đầu hành nghề trên những tuyến phố sầm uất từ phường 11 đến phường 1, TP.Vũng Tàu. Lân la từ quán này đến quán khác, mỉm cười, bông đùa với mọi người và ngả nón xin tiền.
Nhìn người đàn ông khỏe mạnh, còn dư sức lao động, không ít người tỏ ra khó chịu khi thấy anh ta ngửa tay xin tiền. Chị Nguyễn Thị Trâm, ở phường 2, TP.Vũng Tàu nói: “Tôi rất bực bội mỗi lần nhìn thấy người đàn ông này xin tiền. Trông ông ta rất khỏe mạnh và còn trẻ”.
Trên đường Bacu, Trần Hưng Đạo, mỗi tối, nhiều người còn bắt gặp hình ảnh một người đàn ông ăn mặc rách rưới, tay, chân lành lặn, khỏe mạnh bế đứa bé chừng 1 tuổi trên tay. Gặp người nào người đàn ông này cũng kể lể: “Vợ chồng con cái dắt díu nhau tới Vũng Tàu làm ăn, nhưng chẳng may vợ tôi ham vui, lấy sạch tiền bạc, bỏ chồng, bỏ con nhỏ đi theo nhân tình. Con còn nhỏ dại nên phải về quê gửi ông bà nhưng nhà không còn một hạt gạo nên xin bà con, cô bác chút ít để mua vé tàu về quê”. Nghe nói thế, rủ lòng thương nhưng ít ai ngờ rằng những hình ảnh họ trông thấy chỉ là một màn kịch được dàn dựng. Hôm sau người đàn ông đó bế con đi kiếm tiền ở những khu vực khác và tái diễn “màn kịch” cũ.
Tìm hiểu ra mới biết, người đàn ông này vẫn sống cùng vợ trong một căn phòng trọ ở phường 9, TP.Vũng Tàu và công cụ kiếm tiền của họ chính là đứa con nhỏ. Buổi trưa, buổi chiều chị vợ ẵm con nhỏ trên tay đi tới các quán nhậu để xin tiền.
Những kẻ đội lốt “cái bang” này thường tập trung ở những khu vực có đông khách như quán cà phê, quán nhậu, quán vỉa hè… đeo bám mọi người để đánh vào tâm lý thương hại và tránh bị phiền phức của người dân, khách du lịch để kiếm sống. Những chiêu trò họ sử dụng là giả tàn tật, gặp tai nạn dọc đường, cơ nhỡ…
Anh Phan Phương, ở phường 1, TP.Vũng Tàu kể: “Những kẻ bán rẻ tự trọng để hành nghề ăn mày đôi khi còn là những tên trộm giấu mặt. Có lần tôi ngồi với mấy người bạn thì có “ăn mày” đứng cạnh bên xin tiền. Khi người ăn mày đi khuất, bạn tôi mới phát hiện mình bị mất chiếc điện thoại để trên bàn còn tôi thì mất ví tiền. Tôi nghĩ, người dân khi đã biết rõ chân tướng của những kẻ ăn xin này thì tuyệt đối không nên cho tiền”.
Bà Nguyễn Thị Hòa, ở phường 1, TP.Vũng Tàu bức xúc: “Chính những kẻ ăn mày giả dạng đã khiến cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người tàn tật đã khổ lại khổ hơn vì trắng đen lẫn lộn nên ít nhận được sự thông cảm của xã hội”.
Bình luận (0)