xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bí mật "cái bang"

Theo Thế Sơn (Nghệ An Online)

Nói đến “cái bang” hay “hành khất”, người ta nghĩ đến những người tàn tật, không có sức khỏe buộc lòng phải đi xin người khác để sống. Nhưng “Cái bang” thời nay đã khác. Chúng tôi đã theo chân họ trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) và biết được nhiều bí mật về “Cái bang” ngày nay…

Nông nhàn tranh thủ “cái bang”
 
Sáng sớm, dọc theo đường Minh Khai (Thành phố Vinh), khi câu chuyện của mọi người đang vui vẻ bên ly cafe tý tách nhỏ giọt, thì có hai bà cụ quần áo quê mùa, tuổi ngũ tuần kẹp vai chiếc túi được vá thêm mấy miếng vải nâu đi vào. Họ chia nhau đến từng bàn, chìa tay ra và… xin. Không muốn câu chuyện vui vẻ bị ngắt quãng, nhiều khách uống cà phê rút ví và đặt vào tay họ những tờ tiền giấy. Nhưng cũng có người khó chịu xua tay từ chối. Khi các bàn trong quán đã hết lượt, hai bà lại đi sang quán khác.
 
Bước chân hành khất của họ tiếp tục “lượn” khắp các con đường khác, không bỏ sót một quán cà phê nào. Khi đến chợ Cửa Đông thì trời đã sang trưa, có thêm ba người đàn bà cùng trạc tuổi, giống nhau cách ăn mặc từ các hướng khác nhập lại, vào ăn cơm ở một quán cơm bình dân ở góc chợ. Sau khi ăn cơm, họ vào công viên Hồ Goong chọn bóng cây mát mẻ, rút trong túi một tấm nilong trải ra, úp nón lên mặt và ngủ.
 
Khi chiều xuống, nhóm “cái bang” này tiếp tục bước chân thiểu não vào những quán nhậu quanh Hồ Goong, kiên nhẫn đến từng thực khách chìa tay ra.
 
21 giờ, nhóm 5 bà già có mặt ở chợ ẩm thực đêm trên đường Đào Tấn, cũng thiểu não và chìa tay ra như những gì mà tôi đã chứng kiến suốt cả ngày. Tôi tiến lại trước một người đàn bà thấp đậm, đôi mắt đang còn tinh anh khỏe mạnh bước đến chìa tay ra trước mặt, rút ra tờ 10 ngàn đưa cho bà và nói: “Bà về nhà cháu ở với mẹ cháu, chỉ nấu ăn và chuyện trò để mẹ cháu khỏi buồn thôi. Lương sẽ là 2 triệu đồng một tháng”. Bà ta nhìn tôi một lúc rồi nói: “Chú nghĩ răng mà trả tui 2 triệu”.
 
img
Bà cụ hành khất.
 
Chị chủ quán chứng kiến câu chuyện, liền nói: “Mỗi đêm người ta xin được một, hai trăm ngàn đấy”. Tôi chỉ biết tròn xoe mắt ra nhìn bà ta bước sang bàn khác, tiếp tục… chìa tay ra.
 
Đến hơn 23 giờ, 5 bà cùng nhau rời khỏi đó. Họ đi về hướng sông Cửa Tiền và rẽ vào căn nhà sàn kiểu Thái Lan nằm sát bờ sông, có lẽ đây là điểm cuối cùng trong một ngày “cái bang”. Cả 5 bà nhẹ nhàng đi vào nhà, xung quanh vẫn yên ắng như chưa hề có người xuất hiện.
 
Sáng hôm sau, tôi đến gặp chị Nguyễn Thị Tâm  ở khối 1, phường Hồng Sơn, chủ nhân của căn nhà sàn nơi có 5 bà “cái bang” tá túc. Chị Tâm xác nhận: “Tại đây có 5 bà quê ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã ở từ  mấy năm nay rồi”. 
 
Khi hỏi về lý do những người ăn xin tá túc tại đây, chị Tâm kể: “Cách đây gần 20 năm, có một người ăn xin rất già ngủ trước hiên chợ suốt mấy năm, thấy tội nghiệp, nên tôi đưa bà ấy về ngủ ở đây miễn phí làm phúc. Từ đó, nhiều thế hệ ăn xin nối tiếp dắt nhau về đây ở” - chị Tâm nói.
 
Chị chủ nhà dẫn tôi đi xem nơi ở của các “cái bang”. Một cái giường rộng có đủ chăn màn, gối đệm được kê phía dưới căn nhà sàn rất lý tưởng cho việc ra đi từ sáng sớm, trở về lúc đêm khuya. Chị Tâm khẳng định: “Hoàn cảnh của mấy bà này không phải khó khăn, mà họ lợi dụng lúc nông nhàn đi xin để kiếm thêm thu nhập. Trong nhóm này có 3 bà sử dụng điện thoại di động đấy”.
 
Ngày hôm sau, chúng tôi theo chân một nhóm “cái bang” khác, ngồi dọc lối đi vào đền Hồng Sơn và chùa Cần Linh. Có tất cả 8 người cả đàn ông và đàn bà trạc 60 tuổi. Họ ngồi đó với những chiếc nón không lành lặn, để ngửa trước mặt đón chờ sự bố thí của các phật tử. Đang là mùa Phật Đản nên dĩ nhiên, họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn ngày thường. Đến khuya, khi không còn người đến chùa thắp hương nữa thì họ thu dọn “đồ nghề”, kiểm lại số tiền kiếm được trong ngày rồi ra về.
 
Nơi về của họ là dãy nhà trọ ở phía sau chợ Vinh. Những người xung quanh cho biết, họ ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) và chỉ xuất hiện nơi đây mùa lễ tết.
 
Chị Tâm, sau nhiều năm chứng kiến các thế hệ “cái bang” ở nhà mình đã thừa nhận: “Ăn xin thời này khác xưa nhiều lắm”. Hóa ra “cái bang” bây giờ cũng đã thành một nghề.
 
Trong số các “cái bang” cũng có những người có hoàn cảnh éo le, không lối thoát buộc phải đi xin ăn, nhưng con số này rất ít. Đó là một người đàn bà hành khất với đôi nạng gỗ, chân cà nhắc từng bước khó nhọc vào các quán dọc theo đường Nguyễn Sinh Sắc, chợ Hưng Dũng... xin tiền chữa bệnh. Khi bước ra khỏi quán một quãng không xa, có một thanh niên đi xe đạp đứng đợi và chở bà đi.
 
Nghi ngờ có dấu hiệu “chăn dắt” nên tôi liền bí mật bám theo.  Đến tối, bà già và người thanh niên đi về căn phòng trọ ở xóm Ngũ Lộc, xã Hưng Lộc (TP.Vinh). Qua xác minh, được biết bà tên là M, từ Quỳ Hợp xuống đây gần 20 năm và bị bệnh viêm tắc động mạch. Người thanh niên chở bà bằng xe đạp là con trai bà, làm nghề đánh giày dạo.
 
Hát rong hành khất và “chăn dắt” trẻ em
 
Tại một quán ăn trên đường Quang Trung, một thanh niên chừng 25 tuổi cầm micro đứng bên chiếc loa thùng lớn có bánh xe đẩy hát, một người khác có mái tóc hoe vàng cầm xấp tiền trên tay với tờ mệnh giá 20 ngàn đồng để trên cùng, đi đến từng bàn để xin tiền. Ông bạn đi cùng tôi nhăn mặt: “Sáng đi cà phê cũng “Gọi đò ơi…”, bây giờ lại cũng “Ơi hỡi đò ơi..”.
 
Khi nhóm thanh niên này đến, tôi rút ra tờ giấy bạc đưa cho anh ta và tranh thủ hỏi chuyện. Anh ta nói như kể lể: “Hồi này ế lắm, không được bao nhiêu, cả ngày giỏi lắm chỉ xin được ba đến bốn trăm ngàn”.
 
Phía bàn bên tôi có bốn người đang uống bia, một người rút ví ra nhưng người bạn đi cùng cản lại nói: “Cho làm gì, thanh niên khỏe mạnh chứ đâu phải ốm yếu hay dị tật đâu”. “Đó cũng là một nghề chứ” - người kia đáp lại.
 
Lúc này câu chuyện không chỉ ở hai người nữa, mà tất cả bốn người đều tham gia bàn luận. Cuối cùng một người lớn tuổi nhất nói: “Đây không phải nghề, mà là biến tướng của ăn xin. Nếu là nghề thì hát đúng chỗ quy định, ai có nhu cầu thì mua vé để thưởng thức, còn ở đây có ai muốn nghe giọng hát này không, hay ngược lại còn thấy bị phiền phức?”. Có lẽ người kia nói đúng nên tất cả đều im lặng.
 
Sau một giờ đồng hồ và hát khoảng 4 đến 5 bài hát, xem chừng không có ai cho thêm tiền nữa, hai người này kéo hộp loa lên một chiếc xe máy đợi sẵn và di chuyển đi nơi khác.
 
Loại hình hát rong này có từ rất lâu ở các tỉnh phía Nam, nhưng chỉ có những người tàn tật mới đi hát để bán vé số, hay các đồ tiêu dùng. Chính vì vậy, họ nhận được sự cảm thông của nhiều người trong xã hội. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện nay có khoảng 5, 6 nhóm hát rong đang hoạt động tại TP. Vinh, và những người đi hát này đều là những thanh niên khỏe mạnh. Tất cả họ đều quê ở Thanh Hóa. Sáng, chiều, tối họ đều có mặt ở các quán cà phê, quán ăn có đông người để hát xin tiền.
 
Đồ nghề của họ là một điện thoại Nokia có thẻ nhớ đựng các bài hát, một thùng có bánh xe trong đó đựng amply, loa và một micro không dây, kèm theo một giọng hát cỡ “karaoke làng” là có thể hành nghề hát rong. Mỗi nhóm hát có ba người, hai người xin tiền và một người hát. Khi trời đã sang khuya, không còn ai có thể thức để “nghe hát” nữa, họ chở nhau bằng xe máy về.
 
img
Cô bé bán kẹo cao su.

Tôi lặng lẽ bám theo về phòng trọ của họ ở khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, TP Vinh. Ở phía ngoài hành lang có đến ba chiếc loa đẩy được xếp dọc theo lối đi. Tôi ghé mắt nhìn vào một căn phòng cửa khép hờ, phía trong đèn điện đang sáng. Có một nhóm trẻ em 5 - 6 đứa cả trai lẫn gái, tuổi từ 11 đến 13 đang nằm trên tấm đệm đặt giữa nhà. Mỗi đứa đều đeo một chiếc túi dết vải trước bụng. Khi nhóm hát bước vào phòng, những đứa trẻ ngồi dậy, móc trong túi dết ra xấp kẹo Chewing Gum Cool Air  (kẹo cao su) và tiền, nộp cho một người đàn ông khoảng 40 tuổi. Thì ra những đứa trẻ này là đội quân bị chăn dắt, phải đi bán kẹo cao su dạo.

Sáng hôm sau, tôi đến gần nhà trọ đứng đợi. Khoảng 7 giờ thì đám trẻ lục đục đi ra khỏi phòng trọ, tỏa đi các hướng với chiếc túi dết vải đeo trước bụng. Một người đàn ông dùng xe máy chở hai đứa bé trai đến cây xăng Lê Hồng Phong bỏ xuống ở đó. Hai đứa bé trai bắt đầu chia nhau ra, vào các quán cà phê xung quanh để bán kẹo.
 
Tôi vẫy thằng bé có khuôn mặt khắc khổ, hàm răng cửa bị sún hết, mua một vỉ kẹo cao su Cool Air với 10 ngàn đồng. Dù tôi đã tìm đủ cách, nhưng nó một mực lắc đầu không nói gì.
 
Tối đến, với sự giúp đỡ của chị chủ quán ăn tên Nguyệt ở chợ ẩm thực đêm, tôi đã tiếp cận được với một bé trai tên Dũng, chừng 11 tuổi. Sau khi liếc mắt dè chừng xung quanh, nó bắt đầu nói nhiều hơn: “Cháu là “quân” của ông Sơn, người cùng xã ở Thanh Hóa vào. Bọn cháu có bốn đứa trực tiếp nhận kẹo từ ông nớ (ông Sơn). Một ngày phải bán cho được 80 vỉ kẹo, tý nữa khoảng 11 giờ, ông ấy đến đây đón bọn cháu về.” Tôi hỏi cháu: “Vậy nếu không bán đủ 80 vỉ thì có bị gì không?” Dũng không trả lời, cúi mặt nhìn xuống đất.
 
Chị Nguyệt chỉ vào thằng bé xác nhận: “Có hôm, một người khách Hà Nội thấy nó quá nhỏ, nên cho 50 ngàn đồng nhưng không lấy kẹo. Một lúc sau, nó đưa tôi 5 vỉ kẹo và van nài nhờ tôi ăn giúp”. Thấy tôi chưa hiểu, chị giải thích thêm: “Nó cho bớt kẹo đi để số tiền mang về nộp tương ứng với số kẹo còn thừa. Nó sợ bị đánh”.
 
Tôi nhẩm tính, một vỉ kẹo Chewing Gum Cool Air  giá gốc 4.200 đồng, nhưng được bán 10 ngàn đồng. Mỗi ngày bán 80 vỉ thì xem như mỗi đứa trẻ này làm ra gần 500 ngàn đồng mỗi ngày, nếu nuôi bốn đứa thì thu nhập của những kẻ chăn dắt này không hề nhỏ.
 
Trước khi đi bán tiếp, Dũng nói thầm vào tai tôi: “Ở nhà trọ bà Thu còn có cô Cúc đang nuôi 4 quân nữa, trong đó có hai đứa con gái bị đánh đòn suốt”. Nói xong cháu chỉ cho tôi thấy một bé gái mặc chiếc áo đỏ, đang bán kẹo ở phía bên kia.
 
Tôi bước đến gần bé gái này để bắt chuyện, nhưng nó chỉ nói “Cháu quê ở Thanh Hóa” và nhất định không nói gì thêm.
 
Trực tiếp gặp bà Thu, chủ nhà trọ ở khối Tân Tiến, phường Hưng Bình, (Thành phố Vinh), bà Thu xác nhận: “Ở phòng trọ này ngoài đám hát rong thuê nhà, còn có vợ chồng ông Sơn, bà Thu và chị Cúc quê ở Thanh Hóa đang thuê phòng trọ ở đây. Hai nhà này có nuôi mấy đứa trẻ để đi bán kẹo cao su, nhưng tôi không biết đó là con cháu, hay bị ép buộc.”
 
Sáng 1/6/2013, một cháu bé cầm trên tay xấp kẹo cao su, bước vào quán cà phê trên đường Đinh Công Tráng, cháu cho biết tên là Sơn, 7 tuổi, ở xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Vào ở trọ tại nhà bà Thu, khối Tân Tiến, Hưng Bình, TP Vinh để bán kẹo cao su cho anh Thành. Ở cánh tay trái và lưng có chi chít vết sẹo, cháu Sơn nói: “Do không bán đủ 80 vỉ kẹo, nên cháu đã nhiều lần bị anh Thành dùng roi mây đánh”.
 
Qua những gì tôi đã tìm hiểu về các nhóm “cái bang”, hát rong xin tiền và đặc biệt là những đứa trẻ bán kẹo cao su dạo đang hoạt động, tôi tự hỏi: “Đã mấy lần lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng và đặt sai chỗ?”. Có lẽ khi động lòng trắc ẩn, nhón tay làm phúc thì vô hình trung chúng tôi đang dung dưỡng cho “nghề cái bang”, và có thể tiếp tay cho nạn lạm dụng lao động trẻ em! Trong khi các cơ quan chức năng chưa để mắt tới các trường hợp này thì kể ra, cũng khó để phân biệt lắm.
 
Thời gian qua, cứ khoảng 15 giờ hàng ngày, một cháu trai khoảng 10 tuổi, bế đứa trẻ sơ sinh độ chừng 1 tháng, vào chợ Hưng Dũng (Tp. Vinh) đi xin. Hai cháu bé này do một người phụ nữ còn khá trẻ đưa đến và chị ta đứng ở cổng chợ để chờ. Nghi ngờ cháu bé này bị cho người khác thuê để hành nghề ăn xin, chúng tôi đã theo dõi và phát hiện ra người phụ nữ đứng chờ kia tên X, là mẹ của hai đứa bé. Sau khi nghe chúng tôi phân tích và cảnh báo, chị ta đã không còn xuất hiện ở chợ Hưng Dũng nữa.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo