Rừng ở Cốc Ly (Bắc Hà)
Nằm ở phía Tây Nam hạ huyện Bắc Hà, rừng Cốc Ly hiện có tổng diện tích 1.098 ha, trong đó hơn 400 ha rừng già tập trung các loài gỗ trai, gỗ nghiến. Theo lời những bậc cao niên, ở sâu trong rừng, nơi “trái tim” đại ngàn vẫn còn những thân gỗ nghiến cổ thụ nhiều người ôm không xuể. Dù 10 năm về trước, nạn phá rừng lấy thớt nghiến như cơn gió độc làm suy giảm diện tích rừng già, nhưng bằng tình yêu son sắt, người Cốc Ly vẫn lặng thầm bảo vệ “nguồn sống” của mình.
Nếu đặt câu hỏi về vai trò của rừng đối với sự sống, ngay cả những đứa trẻ ở Cốc Ly cũng có thể trả lời chính xác. Đối với người Cốc Ly, cuộc sống của họ chỉ sung túc khi có rừng và được rừng bảo vệ. Hơn ai hết, người dân Cốc Ly hiểu những biến đối khí hậu như mưa đá, gió lốc, thiên tai bất thường có nguyên nhân từ sự mất rừng.
Bằng những việc làm cụ thể, mỗi người dân Cốc Ly đang âm thầm chung sức bảo vệ rừng. Hai thôn Làng Đá, Làng Bom là nơi vẫn còn nhiều loài gỗ quý. Riêng thôn Làng Bom có 34 hộ dân, thì 7 hộ thuộc tổ bảo vệ rừng, nhận trách nhiệm gìn giữ 115 ha rừng gỗ quý.
Tổ bảo vệ rừng ở mỗi thôn được thành lập vào ngày lễ cúng rừng hằng năm (30/1 âm lịch). Hộ dân hoặc những người được bầu vào tổ bảo vệ rừng phải thực sự có trách nhiệm và uy tín trước cộng đồng. Việc làm của họ luôn được nhân dân giám sát, thành viên nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị mất tín nhiệm chỉ sau một năm.
Anh Bồng Văn Đính, thôn Làng Bom là người có uy tín và được các hộ dân khác tín nhiệm, bởi anh có trách nhiệm và tình yêu với rừng. Nhiều năm nay, gia đình anh Đính nhận bảo vệ 5 ha rừng gỗ quý. Công việc của người bảo vệ khá vất vả và hiểm nguy. Dù sáng sớm hay đêm khuya, bất cứ lúc nào thấy động là anh vào rừng. Thời gian gắn bó với rừng khiến anh Đính hiểu từng hơi thở của rừng, cả khi rừng vui và khi rừng đang gặp nguy hiểm.
“Đó là sự giao cảm đặc biệt, rất khó nói, chỉ biết rằng lúc rừng không yên là khi lòng mình như có lửa đốt, thấy thấp thỏm lo âu, dù đã rất khuya cũng phải xách đèn pin vào rừng thăm một lượt”- anh Đính chia sẻ.
Mối giao cảm với rừng dường như bất kỳ người Cốc Ly nào cũng có. Anh Bàn Văn Lập, thôn Cốc Sâm kể lại một câu chuyện cách đây đúng 10 năm. Khi đó, trong một giấc mơ, anh Lập thấy 3 ha rừng gỗ nghiến đổ ngả nghiêng và bị tàn phá đến cạn kiệt. Sáng hôm sau, trong lòng anh bứt rứt như có điều không lành sắp xảy ra, anh nghĩ ngay đến rừng gỗ nghiến của thôn, rồi bàn với mấy thanh niên trai tráng vào rừng.
Kịch bản trong giấc mơ lặp lại, hơn chục thân gỗ nghiến, trai mấy chục năm tuổi bị đốn ngã, thủ phạm đang tìm cách vận chuyển ra đường lớn. Từ đó, anh Lập tin vận mệnh của mình đã gắn với rừng, rừng đã chọn anh để gửi gắm niềm tin. Sau này, anh Lập được bầu vào Tổ bảo vệ rừng của thôn Cốc Sâm, cuộc đời anh gắn với rừng từ đó.
Cây gỗ quý ở Cốc Ly.
Bên cạnh ý thức bảo vệ rừng của người dân địa phương, chính sách giao khoán rừng được chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả. Anh Lèng Văn Chú, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Tại Cốc Ly hiện có 9 tổ bảo vệ rừng từ dân, trong đó 7 tổ bảo vệ diện tích rừng gỗ nghiến, gỗ trai.
Từ năm 2009, quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa 3 huyện Bắc Hà, Mường Khương và Bảo Thắng được thực hiện, qua đó góp phần bảo toàn diện tích rừng, đặc biệt là rừng gỗ quý. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ gạo cho các hộ nghèo nhận bảo vệ rừng gỗ nghiến, gỗ trai, quyết định này đã kịp thời động viên, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng từ chính cộng đồng.
Người Cốc Ly tự hào về diện tích rừng gỗ quý đang sở hữu, nhưng chưa bao giờ họ tiết lộ chính xác gỗ nghiến, trai tập trung nhiều nhất ở khu vực nào, có chăng chỉ là những địa danh vô thực. Chỉ biết rằng từ rất xưa, Cốc Ly bạt ngàn những cánh rừng thâm u nguyên sinh, hàng trăm năm nay người Cốc Ly sống cùng rừng nghiến, rừng trai và tình yêu rừng chưa bao giờ mai một trong lòng người dân nơi đây.
Trở lại phiên chợ Cốc Ly họp vào thứ Ba hằng tuần, nhấp chén rượu cay nồng bên chảo thắng cố bập bùng khói lửa, nghe thanh niên Cốc Ly kể về vụ truy đuổi “lâm tặc” mới đây với sự phối hợp giữa người dân và lực lượng chức năng. Cuộc truy bắt kết thúc, phần thắng thuộc về nơi có rừng, qua đó, càng nâng cao tính cảnh giác của người dân, địa phương trước nạn phá rừng có nguy cơ lan rộng. Biết rằng cuộc chiến này còn dài và đầy cam go, thử thách nhưng chính tình yêu rừng của người Cốc Ly đã và đang góp phần bảo vệ “trái tim” của đại ngàn.
Bình luận (0)