Vẻ đẹp huyền bí của tu viện về đêm. Ảnh: T.Vân
Tu viện bỏ hoang đầy bí ẩn trên đường Trần Quang Diệu - Đà Lạt đang là điểm đến của nhiều người, không phải bởi sắc màu của những vườn hoa, cũng không phải bởi con đường quanh co bên rừng thông… mà bởi nét kiến trúc nguyên sơ phủ màu rêu mốc và những câu chuyện ma mị thêu dệt theo thời gian.
Lịch sử tu viện
Tu viện vốn là Tập viện của dòng nữ tu Franciscan Missionaries of Mary - FMM (Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ), được thành lập năm 1877, có mặt ở Việt Nam từ năm 1932. Đây là một Dòng quốc tế thuộc quyền Tòa Thánh, hiến thân cho việc truyền giáo khắp nơi trên thế giới bằng đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Hiện nay, Hội Dòng FMM có khoảng 7.000 nữ tu gồm 80 quốc tịch, hiện diện tại 76 quốc gia.
5 nữ tu dòng FMM đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1932, để chăm sóc bệnh nhân phong tại Trại phong Qui Hòa thuộc Giáo phận Qui Nhơn. Sau đó, các nữ tu đã mở Tập viện tại Vinh vào năm 1936, Đà Lạt vào năm 1958. Đến nay, dòng FMM tại Việt Nam có hơn 200 nữ tu sống trong 15 cộng đoàn và 2 thí điểm, thuộc 8 Giáo phận (TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Qui Nhơn, Vinh và Hà Nội).
Cơ sở tu viện FMM tại Đà Lạt là tu viện của các cha Salésiens (Đan viện cũ của dòng Benédictins - số 5 Gia Long) được các soeur mua lại, gồm nội cấm là các phòng ngủ và nhà thờ. Tu viện chính thức trở thành tập viện của dòng FMM vào tháng 5/1958 tại Đà Lạt (gọi là “Cộng đoàn Đức mẹ vô nhiễm nguyên tội”), là nơi các tập sinh học tập một năm (bao gồm cả học văn hóa và học may) theo Giáo Luật để trở thành Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ chính thức. Các nữ tu sống trong tu viện đa số là người nước ngoài (Singapore, Madagascar, Macao, Pháp…).
Vì vừa phải đáp ứng nhu cầu truyền giáo vừa phải tìm việc làm để sinh sống, nên các soeur tham gia khám bệnh, chăm sóc trẻ em suy dinh dưỡng và hướng dẫn cho các bà mẹ. Sau đó, các soeur nhận quản lý và dạy học miễn phí tại trường tiểu học ở Trại Hầm.
Nhân sự của Cộng đoàn mỗi ngày một tăng, công tác từ thiện không thể nuôi sống các nữ tu, nên cộng đoàn quyết định mở Trường Tiểu học Vigro Maria có thu phí cho trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 5, có nhà nội trú. Ban đầu trường mượn cơ sở nhà kho ở gần ga xe lửa (từ năm 1959-1965), trong lúc chờ cơ sở mới được xây trong khuôn viên Tập viện. Từ năm 1966, trường dần chuyên môn hóa việc giáo dục, chuyên đào tạo kế toán, thư ký và chính thức trở thành Trường Thương mại Việt Nữ từ năm 1969…
Nhà nguyện có phải bỏ hoang…
Năm 1979, Tập viện đóng cửa do các nữ tu ngoại quốc về nước, những nữ tu người Việt chuyển đến Cộng đoàn Hiển Linh và Thánh Tâm. Toàn bộ diện tích 7ha được bàn giao cho nhà nước. Gần đây nổi lên câu chuyện về “Nhà nguyện bỏ hoang”, khi tu viện trở thành điểm đến nổi rần rần bởi không gian, kiến trúc và những câu chuyện huyền bí liên quan. Và ngoài những tình tiết được đồn đoán, tuyệt nhiên không có một tư liệu nào về tu viện hay tập viện dòng FMM tại Đà Lạt. Những tư liệu trên được trích lược từ nội dung cuốn kỷ yếu “Mừng 80 năm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện tại Việt Nam” mà chúng tôi may mắn được cầm đọc sau một thời gian dài tìm kiếm.
Trải qua thời gian gần 40 năm, 2 khối nhà học và khu nội trú của Trường Thương mại Việt Nữ được chuyển đổi nhiều công năng. Ban đầu, dùng làm cơ sở cho Trường Bổ túc Văn hóa, sau đó là Khách sạn Lâm Viên, rồi đến Trường THPT Trần Phú. Còn nhà thờ và khu nội viện dùng làm nhà kho, phòng học thể dục và chỗ ở. Trước khi trở thành cơ sở của Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, nhà nguyện có hơn 20 hộ gia đình sinh sống, nay đã giải tỏa phần lớn, chỉ còn 3 hộ gia đình. Trong đó, vẫn còn gia đình đã ở trên 20 năm mà chưa gặp ma mị gì cả.
Thành ra, bí ẩn của câu chuyện “Nhà nguyện bỏ hoang” thực ra không có gì là bí ẩn. Không có sự hiện diện nào về câu chuyện bi thảm của một cô gái trẻ trong trang phục cô dâu đã kết thúc cuộc đời mình tại đây. Chỉ vì không được chăm chút thường xuyên, nên không gian u tối, cỏ phủ, rác tụ, tường mốc, cửa kính vỡ… Dù đã bị thời gian tàn phá, công trình trường học thay đổi nhiều, nhưng công trình Tu viện dòng FMM vẫn còn giữ nguyên nét kiến trúc Gothic theo kiểu vòm nhọn với nhiều cửa sổ, được ứng dụng phổ biến trong kiến trúc nhà thờ hay thánh đường rộ lên từ thế kỷ 18.
Cũng như các công trình kiến trúc khác tại Đà Lạt, Tu viện dòng FMM là công trình có đường nét thiết kế hài hòa với khung cảnh thiên nhiên. Bất chấp thời gian cùng những câu chuyện hoang đường, du khách vẫn tìm đến đây vào bất cứ thời điểm nào trong ngày để chiêm bái vẻ đẹp tuyệt mỹ của khối kiến trúc hoang tàn này.
Bình luận (0)