xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đổ xô về sông Rạch Bàng câu cá

Theo KHÁNH DUY (Báo Vĩnh Long)

Nơi con sông Rạch Bàng yên ả, những "cần thủ" cứ vài phút lại nhử câu một lần, cảm giác là lạ mà tràn đầy sung sướng

Lần đầu đến đây chỉ để có dịp ngắm nhìn dòng nước cuồn cuộn phù sa nơi cuối đuôi cù lao Quới Thiện, tiếp giáp với 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Cũng lần đầu đó, tạm dừng nơi con sông Rạch Bàng yên ả, những "cần thủ" chuyên và không chuyên cứ vài phút lại nhử câu một lần, cảm giác là lạ mà tràn đầy sung sướng…

Đổ xô về sông Rạch Bàng câu cá - Ảnh 1.

Thú vui câu cá của nhiều người trên sông Rạch Bàng.


Con sông Rạch Bàng nối liền với sông Cổ Chiên và sông Càng Long. Sông khá lớn, dài khoảng 2.000m, qua xã Đức Mỹ (huyện Càng Long- Trà Vinh) nhưng có khung cảnh nên thơ khó diễn tả.

Cái lạ ở con sông này là từ khoảng năm 2005, người ta đã cho chặn khoảng giữa con sông để làm đường giao thông. Rồi khu đất ngay UBND xã Đức Mỹ hiện tại, người ta cho đào một con sông lớn dài khoảng 1.000m, nối con sông Càng Long thông liền với sông Cổ Chiên.

Trên đoạn sông mới đào này, có một con đập ngăn mặn lớn 7 cửa. Nhiệm vụ nối liền con nước của sông Rạch Bàng từ đó kết thúc.

Thế nhưng, từ lúc bị chặn giữa dòng, con nước tĩnh lặng và người dân hai bên bờ Rạch Bàng "neo" rau mát, dựng chà để cá tôm có nơi trú ẩn, có hộ còn thường xuyên rải thức ăn để cá quen hơi, "có chốn đi chốn về", rồi đó cũng là một phần thu nhập của người dân nơi đây.


Theo chú Nguyễn Văn Hội- nhà cạnh con đập ngăn sông Rạch Bàng, từ ngày con sông này bị chặn, cá tôm cứ kéo về ở vì nước yên tĩnh, lại có những bờ rau mát dày đặc. Nhà chú cũng có một khoảng sông để dụ cá về.

"Thường mỗi tháng là thăm độ dày của cá để tính đến chuyện kéo lưới. Cá ở đây đều là cá tự nhiên, chủ yếu là cá tra, cá chim, tai tượng,… Đặc biệt là còn rất nhiều con cá có trọng lượng lớn, hiếm có ngoài tự nhiên"- chú Hội cũng nói thêm- khu vực này là địa điểm yêu thích của nhiều "cần thủ" cả chuyên và không chuyên.

Thông thường, những dịp cuối tuần, nhiều người từ Vũng Liêm (Vĩnh Long), Càng Long, thậm chí TP Trà Vinh cũng đến đây để thỏa niềm đam mê câu cá. "Họ mướn xuồng, chèo đến các bụi rau mát (lục bình) để thả mồi, có khi đứng cả ngày trời dưới nắng. Ai cũng nói đó là thú vui sau những ngày làm việc mệt nhọc"- chú Hội cho biết.

Cái lạ của việc câu cá ở đây là sự kết hợp khi câu cá tự nhiên nhưng dạn mồi như cá nuôi trong ao hồ. Anh Nguyễn An Nguyên từ thị trấn Long Hồ (Vĩnh Long) bấy lâu đã nghe tiếng nơi đây nên quyết một lần đến câu thử.

Ngay từ miếng mồi đầu tiên là chút thịt bò tươi, con cá tra khoảng 1kg đã cắn câu. Miếng mồi thứ 2, thứ 3 là những con cá chim trắng to gần 2kg.

          

Anh Nguyên cho biết, cái cảm giác khi đứng dưới khung cảnh tuyệt đẹp có thể thấy cả dòng sông Cổ Chiên và sông Càng Long trong khi đang cầm cần câu… thật tuyệt.

"Cá dạn mồi mà lại là cá tự nhiên, nên tạo cho người câu một cảm giác thích thú khó tả. Hiện nay, khó có nơi nào có sông tự nhiên mà ngay cả người chưa bao giờ biết câu cá lại dễ dàng giựt cá cắn câu như ở nơi đây…"

Ngay tại con đập ngăn sông Rạch Bàng, vì nước yên tĩnh, gió sông thổi lộng, hàng bạch đàn bên bờ kêu rì rào vui tai nên cũng là nơi nhiều tàu ghe neo đậu. Một chủ ghe hàng ở Trà Vinh cho biết, thường đậu ghe lại đây vài tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi hoặc lấy hàng.

"Đây cũng là lúc mọi người trên ghe nằm võng… thả câu. May gặp cá lớn, không thì cũng vài ký mè, cá chim nhỏ. Đây vừa là thú vui, vừa là nguồn cá dùng làm thức ăn trên ghe"- một chủ ghe cho biết.

Cô Nguyễn Nguyệt Yến (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long- Trà Vinh) cho biết, ở đầu sông Rạch Bàng giáp sông Cổ Chiên thường được gọi là vàm Cá Đớp- có thể ngày xưa khu vực này nhiều tôm cá lớn, thường xuyên ngớp trên mặt nước đón mồi nên ông bà gọi vậy.

Thú vui câu cá ở sông Rạch Bàng đã có từ nhiều năm nay, tuy vậy việc bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản vẫn được người dân quan tâm.

Chú Tám Nhót cho biết, dọc hai bờ sông, người dân đều cắm cây giữ rau mát làm nơi trú ngụ cho cá. Nếu muốn thu hoạch cũng phải thăm chừng cá nhiều hay ít, nhỏ hay to: "Nếu cá ít thì thư thả đợi một thời gian nữa, gặp cá nhỏ người ta cũng thả hết. Có như vậy cá mới ở lâu, gắn bó với người dân sông Rạch Bàng…"


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo