Anh Bình mù cào hến trên sông Tha La. |
Sau 4 năm quay lại, tìm gặp anh Nguyễn Văn Bình- còn gọi Bình mù ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, Tân Châu (nhân vật đã được đề cập tới trong một số báo gần đây) chúng tôi thấy anh vẫn nghèo xơ xác, thậm chí còn nghèo hơn cách đây 4 năm- do anh có thêm một đứa con, trong khi nợ nần chưa trả xong còn vợ con thì đau ốm liên miên.
Như đã kể, anh Bình mù dù không thấy đường vẫn cứ giữ vai trò trụ cột, lao động chính trong gia đình. Mót mì, cào hến, hái dừa mướn… gì anh cũng làm để nuôi sống cả nhà.
Làm việc quần quật nhưng gia đình anh không thoát nổi cái nghèo, nhiều hôm phải đứt bữa, nhất là những ngày mưa gió anh không đi làm được. Hàng xóm của anh Bình đều tỏ ra thương cảm: “Hoàn cảnh như vậy, bữa nào đủ ăn là mừng, thoát nghèo sao nổi mà thoát”.
Thế nhưng nghịch lý là vừa qua, hộ của anh Bình mù đã được địa phương xã xét công nhận cho… thoát nghèo!
Gia đình thương binh mù Lương Văn Thành ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Tân Biên cũng có hoàn cảnh thật khó khăn, nói như người trong cuộc đã nói kiểu nửa đùa nửa thật là “hết đường binh rồi”.
Ông Thành mù loà, vợ ông bị bệnh tim, cả hai người không khoẻ mạnh ấy gánh cả gánh bất hạnh trên vai. Con trai của họ ở với ông bà, đang là một chàng trai thanh niên khoẻ mạnh bỗng dưng bị tai nạn giao thông phải cưa cụt chân tận bẹn. Cuộc sống cả gia đình giờ chỉ trông chờ vào gánh ve chai và những buổi chạy chợ của bà Hường- vợ ông Thành.
Sổ thương binh của ông Thành sau một thời gian mang đi “cắm” để lấy tiền chạy chữa cho con nay mới chuộc ra được. Chưa mừng được bao lâu, vợ chồng ông Thành bất ngờ hay tin mình được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo!
Thương cảm nhất là hoàn cảnh của anh Dương Văn Trong ngụ ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành. Anh không có nhà ở, đi làm mướn ở đâu cũng mang theo ba đứa con nhỏ rồi che lều bạt để cha con cùng ở tạm. Anh tự nhận biết mình thuộc loại khờ khạo, tâm trí không được như người bình thường và cho rằng cũng vì thế nên vợ anh mới bỏ đi, để lại cho anh đàn con nheo nhóc.
Do cuộc sống quá thiếu thốn, kham khổ, anh mắc phải nhiều chứng bệnh, trong đó có bệnh gan mà không có tiền chạy chữa. Thương cho tình cảnh của cha con anh, vợ chồng ông Nguyễn Thành Chung- ngụ ấp Phước Trung cho vài chục mét vuông đất. Các ban, ngành ấp, xã vận động quyên góp làm cho anh một căn nhà tình thương. Có nhà rồi, cha con anh Trong đỡ khổ hơn nhưng vẫn không sao thoát nổi cái nghèo đeo đẳng.
Đến nay anh gần như mất hết sức lực. Hai đứa con lớn của anh, một đứa 16 tuổi, một đứa 13 tuổi đã tứ tán đi làm mướn, đứa út 9 tuổi thì hàng xóm cho gì ăn nấy, lây lất qua ngày. Khi chúng tôi hỏi thăm hoàn cảnh của anh Trong, anh chỉ nói được vài câu rồi bật khóc. Ấy vậy, từ đầu năm 2014, địa phương xã cũng đã xét cho anh được… thoát nghèo!
Bà Hường - vợ ông Thành đi nhặt ve chai. |
Nói về hoàn cảnh của anh Bình mù, anh Hà Tấn Lợi- cán bộ phụ trách lao động- thương binh và xã hội của xã Tân Phú nói: “Xã phải phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%. Và nếu xét theo tiêu chí thu nhập thì anh Bình đã… thoát nghèo rồi; để xã còn chăm lo cho những hộ khác nghèo hơn” (?).
Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì mức thu nhập bình quân để xác định hộ nghèo hiện nay như sau: ở nông thôn từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; ở thành thị từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống.
Với tiêu chí thu nhập như thế thì quả thật anh Bình mù không thể không thoát nghèo, dù chỉ là “thoát nghèo trên giấy!”. Bởi anh đi cào hến, mót mì, hái dừa mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 3 triệu đồng, chi phí lo cho 6 nhân khẩu trong nhà, tính ra mỗi người đã đạt 500.000 đồng/tháng. Thoát nghèo trên giấy cũng đồng nghĩa với trong thực tế vẫn… nghèo thê thảm!
Ông Nguyễn Trọng Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh lý giải về nguyên nhân thoát nghèo của gia đình anh Trong: “Theo quy định, mức thu nhập của hộ nghèo và hộ cận nghèo rất thấp, thu nhập dưới 400.000 đồng/tháng mới được xếp vô diện hộ nghèo. Các con của anh Trong đã có đứa đi làm có thu nhập rồi còn gì. Ở đây, dưới ấp xét xong rồi mới đưa lên xã”.
Với các hộ nghèo “thê thảm” như 3 hộ vừa kể ở trên, việc được đưa vào danh sách hộ nghèo của địa phương có thể nói là giảm đi một phần gánh nặng, để họ còn có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Bởi các hộ nghèo luôn được hưởng sự trợ giúp đáng kể từ phía Nhà nước như: được giúp vốn làm ăn, con cái được miễn học phí, gia đình được hỗ trợ tiền tết và quan trọng nhất là được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí.
Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều xã đặt ra chỉ tiêu giảm nghèo bằng “con số lý tưởng”, cũng vì vậy nhiều hộ nghèo dù muốn dù không cũng buộc phải thoát nghèo trên giấy!
Xung quanh vấn đề trên, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Quá - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và được ông cho biết: “Hằng năm, trước mỗi đợt rà soát hộ nghèo, Sở đều có tập huấn cho các địa phương. Địa phương nào cũng có ban chỉ đạo giảm nghèo. Tại các ấp, các tổ họp bình xét, lập danh sách rồi mới đưa lên xã. Trong quá trình xem xét tại các địa phương, chắc chắn sẽ có sai sót do hiện tượng “ưu tiên người nhà, người quen”. Tỷ lệ sai sót chưa khẳng định được nhưng chắc chắn là có.
Mỗi khi nhận được đơn phản ánh, chúng tôi đều kết hợp với một số đơn vị tiến hành kiểm tra, xác minh ngay. Về tỷ lệ hộ nghèo, Sở hoàn toàn không đặt ra cho các địa phương. Tuy nhiên, trong một nghị quyết của HĐND tỉnh có đặt ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm giảm nghèo 2%”.
Vẫn theo ông Quá: “Tỷ lệ đó rất khó đạt được. Năm vừa qua cũng chỉ đạt hơn 1,7%”. Ông nhận xét thêm: “Mức thu nhập theo quy định hiện nay đối với hộ nghèo là quá thấp, không phù hợp thực tế. Tôi đã có ý kiến với HĐND tỉnh rằng- một người với mức thu nhập chỉ 400.000 đồng/tháng thì không thể sống nổi”.
Bình luận (0)