Trước khi dấn thân vào con đường cách mạng, ni cô Diệu Thông từng trăn trở rất nhiều. “Vô ngã” không có nghĩa là thấy chuyện bất bình làm thinh, “vô ngã” là đừng bao giờ sa chân lỡ bước vào những nơi vẩn đục, tay làm những điều xấu xa bị người đời chê trách. Trong cuộc chiến trường kỳ và gian khổ sau này, nhiều nhà sư yêu nước cũng đã nghĩ như bà.
1. Phạm Thị Bạch Liên sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em tại Đồng Tháp. Cha bà vì thấy cảnh áp bức bất công nên quyết tâm lên núi theo nghiệp tu hành. Nơi ông tu là chốn rừng sâu núi thẳm, mái chùa lợp tranh nằm ẩn mình trong khu rừng âm u, luôn có vượn kêu, thú gầm. Ít năm sau, người vợ cũng xuống tóc đi tu. Những đứa con của mình, bà mẹ ấy đều hướng cả vào chốn thiền môn.
Thấy mẹ đọc kinh cũng đọc, ăn chay thì ăn chứ một cô bé chưa tới mười tuổi như Bạch Liên nào biết gì về con đường chân tu khổ hạnh mà người đời thường lấy đó để nương náu những lúc cùng quẫn, bế tắc. Tiếng chuông chùa hằng ngày vọng bên tai, Bạch Liên quen dần, đi xa thấy nhớ. Rồi bà chính thức bước vào con đường tu nghiệp, lấy pháp danh Diệu Thông.
Bà được cha gửi ra miền Trung theo học tại ni trường Diệu Đức. Những năm tu học ở trường, Diệu Thông hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện cùng chùa và tiếp tế lương thực cho bộ đội. Sự việc bị bại lộ, chính quyền VNCH yêu cầu đuổi học một số tăng ni tham gia cách mạng, trong có ni cô Diệu Thông.
Miền Nam đang bước vào cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt. Chính quyền Ngô Đình Diệm công khai đưa máy chém đi khắp nơi thực hiện “tố Cộng, diệt Cộng”. Xóm làng nào cũng chung cảnh tang tóc. Hình ảnh ấy ngay cả những lúc tĩnh tâm nhất cũng hiện về trong đầu ni cô Diệu Thông.
Ni cô quyết chí lên Sài Gòn, thực hiện lý tưởng của một đời chân tu, tìm đất lập chùa. Cạnh ngã tư Trần Quốc Toản và Lò Siêu (Q.11, TP HCM ngày nay) một ngôi chùa mang tên Bổn Nguyện đã mọc lên thu hút đông đảo khách thập phương đến cúng vái, cầu an. Trong cảnh trời đất không khi nào ngớt tiếng súng, cảnh dân tình loạn lạc, ly hương, chùa bắt đầu có những phật tử thường xuyên lui tới.
Chùa Bổn Nguyện ngoài là nơi tôn nghiêm thờ Phật, còn âm thầm là chốn dung thân của những người trốn bắt lính, sau trở thành trụ sở chính của tổ biệt động thành dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu - Tư lệnh các lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định).
Thầy Viên Hảo, một tu sĩ yêu nước, thương dân, nhiệt tình tham gia cách mạng trụ trì chùa Bổn Nguyện. Thầy cũng là một chiến sĩ nòng cốt của biệt động thành. Chiến tranh chẳng chừa một ai khiến những người tu hành như thầy Viên Hảo, ni cô Diệu Thông không thể an phận gửi cuộc đời nơi cửa Phật dù họ vốn dĩ là những con người không bon chen, ganh đua với cuộc sống trần tục.
Ni cô Diệu Thông là một giao liên đắc lực, một mắt xích không thể thiếu cho các trận đánh vào mục tiêu của đội biệt động. Bí danh Huyền Trang được gắn cho nhà tu hành cách mạng này. Những con đường, lối phố, nhiều cơ quan đầu não của chính quyền Mỹ, VNCH, Huyền Trang đều nắm trong lòng bàn tay.
Một hôm, từ dưới hiên chùa Bổn Nguyện, ni cô Huyền Trang nhìn thấy cột khói cao bốc lên từ những căn nhà lá xung quanh. Một đám cháy lớn táp lửa vào những ngôi nhà kế bên và có nguy cơ lan sang chùa. Người dân hỗn loạn, không ai kịp trở tay, họ gọi xe chữa cháy tới dập lửa. Xe chữa cháy chạy thẳng vào cổng chùa đưa vòi rồng lên xịt những ngọn nước cao vòi vọi. Ngọn lửa không được dập tắt mà càng bốc lên ngùn ngụt.
Hóa ra bọn chúng không xịt nước mà xịt xăng dầu vào chữa lửa. Đây không phải vô ý, nhầm lẫn mà là sự cố tình của bọn lính dưới quyền anh em Diệm - Nhu. Ni cô thét lên. Chúng không thèm đoái hoài đến những lời cầu khẩn của người trong chùa, ném một câu tỉnh bơ: “Lệnh của bà Nhu không thể dừng được”.
Cuối đời, ni cô sống một mình tại ngôi chùa của cha.
Trong phút chốc, tất cả thành quả, công sức bao nhiêu ngày tháng đổ mồ hôi, sôi nước mắt của ni cô Huyền Trang và toàn thể anh chị em phật tử tan tành tro bụi. Chùa Bổn Nguyện thành một đống tàn tro. Tiếng khóc than não nề, tiếng nguyền rủa chìm lẫn trong tiếng xe rú còi inh ỏi và hơi lửa cháy bừng bừng.
Điều lo ngại là rồi đây sẽ lấy đâu làm nơi ẩn náu của các chiến sĩ và chỗ nương tựa của những người trốn quân dịch. Huyền Trang và sư trụ trì Viên Hảo bắt đầu tìm cách dựng lại mái che ngay trên nền chùa còn lem luốc than vụn làm chỗ ở tạm. Ni cô Huyền Trang vẫn bàn tay xe nhang dẻo dai, cần mẫn bắt đầu chuỗi ngày lao động kiếm tiền phục dựng lại chùa.
Vài năm sau, cũng ở nơi này, trên góc đường này lại mọc lên một ngôi chùa nằm vững chãi trên nền đất được bồi đắp cao, khang trang và thoáng đãng hơn chùa ngày trước. Chùa mới mang tên gọi “Tam Bảo Tự”.
Bên trong chùa, vẫn những con người cũ, những bậc chân tu ngoài tụng kinh, gõ mõ còn không ngừng lao động. Họ đã vắt kiệt mồ hôi và sức lực để tạc nên một ngôi chùa mọc giữa sình lầy, ao nước. Khi đất nước vẫn đầy bóng quân thù thì Tam Bảo Tự tất yếu vẫn đi theo con đường ngày xưa Bổn Nguyện đã từng đi.
2. Trên đất Sài Gòn thời gian này, chế độ Mỹ - VNCH đã sản sinh ra hàng vạn gái điếm và gái quán bar... Tổ chiến đấu của Nguyễn Thị Tám A (chiến sĩ biệt động thành) giả làm các cô gái đi lang thang trinh sát mục tiêu, sau đó quyết định đánh ngay vào hội trường Thượng viện Sài Gòn. Công việc chuẩn bị cho trận đánh rất gấp và phải bảo đảm an toàn. Ni cô Diệu Thông bỏ ra một ngày đi mua cho mỗi chiến sĩ trong tổ đủ ba cái áo khác màu, đúng kiểu ăn mặc của gái điếm, gái phục vụ quán bar.
Trời sắp tối, 5 chiếc Honda do Tám A chỉ huy, mỗi chiếc cách nhau 20 mét chạy thẳng về phía hội trường Thượng viện Sài Gòn. Ni cô Huyền Trang dẫn đầu, đến gần một vườn hoa nhỏ trên đường Tự Do thì đỗ lại để 4 chiếc sau vượt lên. Họ tập trung thành một cụm cách chỗ ni cô đỗ xe một đoạn, 7 cô gái ăn mặc lẳng lơ đứng tán chuyện, nói cười khúc khích.
Điện thành phố vừa bật sáng, ni cô Huyền Trang chạy xe qua hội trường Thượng viện, quan sát tổng thể thấy cảnh sát, an ninh vào rất đông. Có lẽ hôm nay diễn ra cuộc họp gì đó, lính gác cổng trước, bên ngoài rất nhiều cảnh sát, mật vụ lảng vảng đảo mắt cú vọ rình rập khắp nơi. Trở về chỗ ban đầu, ni cô giơ chiếc nón lên cao rồi cho xe rú ga ba lần.
Phía bên, mấy cô gái “làng chơi” nhận ra ám hiệu an toàn, Tám A liền cho đơn vị triển khai. 7 cô gái nhanh như sóc, mỗi người một huớng tỏa đi xung quanh mục tiêu. Đội hình chia làm ba mũi kẹp sát hội trường Thượng viện. Hai chiến sĩ đến trước ném hai quả thủ pháo làm sập cầu dao, đèn điện trong khu vực hội trường tắt ngấm.
Ngay lúc đó, mũi của chỉ huy Tám A đánh thọc vào cửa chính, mấy tên lính gác cản đường cũng ăn trái nổ tan xác. Ba mũi cùng lúc tiến vào hội trường, lựu đạn, thủ pháo liên tiếp nã vào. Bọn lính gác hội trường chưa kịp trở tay, số chết, số bị thương hoảng loạn chạy trốn. Một trung đội cảnh sát nhanh chóng tiếp viện, nhìn thấy mấy cô gái mặc áo sặc sỡ liền đuổi theo nhưng chúng không thể ngờ rằng, hành động xong, các cô đã hóa trang thành một người khác nhanh chóng lẻn ra ngoài lên xe chạy ra đường.
Các chiến sĩ đều an toàn trở về. Ni cô Huyền Trang mừng không sao tả xiết, bà ôm từng người, tặng mỗi người một nụ hôn hạnh phúc lên má.
Mậu Thân năm 1968, cùng nhiều nơi khác, chùa Tam Bảo cũng là nơi xuất phát làm nên những vụ đánh chấn động trong nội thành. Chiến sĩ quân giải phóng cũng như chiến sĩ biệt động ngày qua ngày rau cháo cùng sư thầy Viên Hảo và ni cô Huyền Trang trong một ngôi nhà chung... Vì con người mà họ lăn xả vào đầu tên mũi đạn chấp nhận hy sinh, “vô ngã” như người của đạo Phật.
Sau Mậu Thân năm 1968, Mỹ - VNCH thay đổi chiến lược là quét và giữ. Để quét, quân chủ lực được tăng cường phi pháo tối đa, càn quét vùng ngoài nhằm đánh bật Việt cộng sang bên kia biên giới Campuchia. Để giữ, chúng tổng huy động các lực lượng quân đội trong chính quyền chà đi xát lại từ nội thành đến ngoại ô. Đó còn chưa kể đến lực lượng tình báo, mật vụ từng vây bắt bí mật rất nhiều cơ sở.
Ni cô Huyền Trang được xây dựng là nguyên mẫu chính trong phim Biệt Động Sài Gòn.
Trong mỗi trận đánh, ni cô Huyền Trang luôn là người dẫn đường. Những trận xuất phát tại chùa Tam Bảo mỗi ngày một dày hơn, mạnh mẽ hơn. Trận đánh vào cư xá sĩ quan Mỹ (thành Poloma) trên đường Nguyễn Văn Thoại, ni cô Huyền Trang làm trinh sát bảo vệ đường tiến đường lui cho toàn đội. Hầu hết đội chiến đấu là những người từng quen biết tại chùa. Trận đánh thành công, các lực lượng đã an toàn, ni cô yên tâm rút về.
Về đến chùa, ni cô thấy cảnh chùa yên ắng nhưng cảm giác không phải điềm lành, sư trụ trì Viên Hảo lặng thinh ngồi nghe đài, các chiến sĩ vừa tham gia trận đánh cũng đều có mặt. Ni cô vừa cắm xong nén nhang thì cảnh sát, mật vụ đổ dồn vào. Hóa ra chúng đã nằm chờ trong chùa rất lâu để bắt tại trận. Chúng đòi khám xét chùa nhưng ni cô nhanh trí xin phép vào hỏi ý kiến người của chùa.
Huyền Trang nhanh chóng mở cửa hầm đưa một số chiến sĩ thoát ra cửa sau ngoài. Từ bên nhà một phật tử quen nhìn sang chùa, ni cô đau lòng khi thấy bọn chúng đang tra tấn thầy Viên Hảo và một số anh em. Chúng bắt không chừa một ai và lùng khắp nơi tìm ni cô. Chùa Tam Bảo lụi dần, không còn dấu vết trên mặt đất. Khu đất của chùa, cảnh sát bán cho dân.
Sau giải phóng, Huyền Trang về công tác tại Bộ Tư lệnh thành. Dường như bà sinh ra đã mang kiếp chân tu nhưng lại không có nợ với con đường tu hành. Những ngày về hưu buồn tẻ, bà cùng các tăng ni, phật tử trở về Đồng Tháp khai khẩn được hơn 300 ha ruộng để trồng khoai, lúa. Hoàn thành công việc, bà lại trở về TP HCM sống âm thầm trong căn phòng nhỏ ở chùa Trúc Lâm (Q. Gò Vấp) và bắt tay vào làm tương, xe nhang.
Khi chân đã mỏi, tay đã run, bà bán căn nhà duy nhất ở Q. 12 chia cho người con nuôi tài sản còn mình thì quay trở về ngôi chùa của cha ở Đồng Tháp tá túc.
Bình luận (0)