xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biến sân chim thành vuông tôm, bất chấp chính quyền

Theo Báo Cà Mau

Với vi phạm có tính hệ thống, Sở Kế hoạch và Ðầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án; rút giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, khi quyết định trên được đưa ra thì cũng là lúc sân chim Ðầm Dơi đã trở thành... vuông tôm.

Ngày 1-11-2012, UBND tỉnh Cà Mau cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 61101000150 cho Công ty TNHH Trường Khánh thực hiện “Dự án Đầu tư du lịch sinh thái kết hợp gây nuôi động vật hoang dã” (gọi tắt là dự án) tại sân chim Đầm Dơi thuộc xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, với quy mô 128,15 ha, tổng vốn đầu tư trên 90 tỉ đồng. Theo đó, thời gian hoạt động của dự án là 49 năm, triển khai từ năm 2012 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016.

Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, các ngành chức năng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện dự án và đều có chung kết luận: “Chủ đầu tư (Công ty TNHH Trường Khánh) đã vi phạm nhiều lần cam kết tiến độ thực hiện, vi phạm báo cáo theo quý theo quy định của UBND tỉnh. Ðến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện hạng mục nào như cam kết...”.


Công ty Trường Khánh đã đào kinh, lên bờ bao để nuôi tôm gần như toàn bộ sân chim Đầm Dơi.

Công ty Trường Khánh đã đào kinh, lên bờ bao để nuôi tôm gần như toàn bộ sân chim Đầm Dơi.

Vừa qua, với vi phạm có tính hệ thống như trên, Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau quyết định chấm dứt hoạt động của dự án; rút giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, khi quyết định trên được đưa ra thì cũng là lúc sân chim Ðầm Dơi đã trở thành... vuông tôm.

Vi phạm có hệ thống

Theo giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh cấp ngày 1-11-2012 cho Công ty TNHH Trường Khánh, mà đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trường Khánh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú số 320, ấp 1, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, thì Công ty TNHH Trường Khánh là chủ đầu tư "Dự án Ðầu tư du lịch sinh thái kết hợp gây nuôi động vật hoang dã" tại sân chim Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Mục tiêu đầu tư và khai thác có hiệu quả môi trường rừng tại sân chim Ðầm Dơi để phát triển du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước; quản lý và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; giữ gìn và phát triển môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên trong vùng dự án, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các loài chim cư trú với số lượng ngày càng tăng; quản lý, bảo vệ tốt các loài động vật hoang dã hiện hữu, gắn với gây nuôi một số loài động vật hoang dã phục vụ phát triển du lịch sinh thái trong vùng dự án.

Thế nhưng, trên thực tế, từ khi có giấy chứng nhận đầu tư thì chủ đầu tư hầu như không thực hiện bất kỳ hạng mục công trình nào như cam kết. Biên bản của đoàn kiểm tra gồm đại diện của Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở NN& PTNT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, UBND huyện Ðầm Dơi, Hạt Kiểm lâm huyện Ðầm Dơi, UBND xã Tân Dân, vào ngày 6-11-2014, kết luận chủ đầu tư chưa thực hiện hạng mục nào (tính từ lần kiểm tra ngày 10-4-2014), với lý do: khó khăn về vốn đầu tư. Không những không thực hiện cam kết, trước đó chủ đầu tư còn vi phạm việc nạo vét, xâm lấn diện tích rừng, UBND tỉnh đã xử phạt 30 triệu đồng. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra tiến độ thực hiện dự án nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục vi phạm như cũ. Biên bản ngày 26/3/2015 của đoàn kiểm tra vẫn đưa ra kết luận là chủ đầu tư chưa thực hiện được hạng mục nào theo tiến độ đã cam kết ngoài việc san lấp lộ đất đen dài 7.282 m. Biên bản ngày 25-5-2015, đoàn kiểm tra kết luận gần giống như lần kiểm tra đầu tiên: “vẫn không thực hiện bất kỳ hạng mục nào trong 7 hạng mục đã cam kết”, chỉ có khác ở chỗ: chủ đầu tư “chỉ chủ yếu đào kinh mương, làm cống để khai thác tôm, cua, nguồn lợi khác, gây dư luận xấu ở địa phương, gây khó khăn cho huyện, ảnh hưởng ngành du lịch tỉnh; năng lực tài chính không rõ, không chứng minh được”.

Lần nào cũng vậy, ông Nguyễn Trường Khánh đều tỏ ra thành khẩn nhận trách nhiệm: “Thống nhất với ý kiến của đoàn kiểm tra. Sẽ đẩy nhanh tiến độ như cam kết và sẽ chịu trách nhiệm về những cam kết này”.

Sân chim thành vuông tôm

Mặc dù qua các lần kiểm tra, đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư không được đào thêm kinh mương theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tuy nhiên, qua quan sát thực tế khi phóng viên vào khu này, thì Công ty Trường Khánh đã đào và lên bờ bao gần như toàn bộ chu vi xung quanh sân chim, đào kinh, mương để... nuôi tôm.

Chỉ tay vào cống xổ nước to đùng với 2 cửa thoát nước, ông Nguyễn Văn Bình, ấp Tân Chánh, người mới được Công ty Trường Khánh hợp đồng vào quản lý khu du lịch của dự án (thực chất là giữ vuông tôm), cho biết: “Ông Khánh đã làm 2 cống lớn để xổ tôm. Khu này rộng lắm, 128 ha lận, công ty đã múc bờ bao xung quanh hết, hiện ngoài diện tích rừng thì diện tích nuôi tôm cũng khoảng 70 ha. Chúng tôi có 4 người thay phiên nhau trực, ngủ đêm ở chòi canh, ngay tại cống xổ tôm”.

Ông Nguyễn Văn Bình còn cho biết thêm, hiện công ty chỉ làm bờ bao xung quanh sân chim và xây 2 cống để xổ tôm, làm cũng được 2 năm rồi và nghe nói năm sau sẽ “cất 2 nhà hàng phục vụ khách du lịch. Nghe nói, công ty cũng sẽ mướn người dụ chim về khu này. Hiện tại sân chim không còn chim nữa, trong khi trước đây chim, cò về đây đậu không biết bao nhiêu mà kể!”.

Chúng tôi đi bộ gần 50 phút dọc theo bờ bao xung quanh sân chim do Công ty Trường Khánh múc lên, không hề thấy bất kỳ hạng mục công trình nào được triển khai thi công, dù cho là còn dang dở, mà chỉ phát hiện thêmmiệng cống xổ tôm nữa. Chim, cò thì đếm chính xác được... 3 con đang bay! Trong khi đó, theo nội dung cam kết, Công ty Trường Khánh phải triển khai thực hiện dự án bao gồm xây dựng hàng rào bảo vệ cây xanh, khu hành chính, khu thể thao, đường nội bộ, xây dựng nhà lưới nuôi chim...

Cũng vì cách làm ăn “hứa một đường, làm một nẻo như trên”, dự án đã tạo sự bất bình trong Nhân dân tại địa phương. Ông Trương Văn Hạnh, ấp Tân Thành, xã Tân Dân, bức xúc: “Sân chim trước đây là rừng đặc dụng, khu di tích của huyện Ðầm Dơi. Khi nghe nói có quy hoạch làm khu du lịch thì ai cũng mừng vì xã có cơ hội phát triển, hy vọng kinh tế sẽ khá hơn. Thế nhưng, đã nhiều năm nay chỉ thấy vuông tôm của doanh nghiệp, ngoài ra không thấy khu du lịch gì. Người dân bức xúc vì sân chim vốn là tài sản của Nhà nước nhưng lại để cho doanh nghiệp lấy nuôi tôm như thế!”.

Ông Trần Văn Việt, ấp Tân Thành A, xã Tân Dân, bức xúc không kém: “Ðể cho doanh nghiệp nuôi tôm như thế thì thà chia cho người nghèo trong xã còn hơn! Sân chim có diện tích hàng trăm héc-ta như thế mà giao cho doanh nghiệp rồi họ chỉ đầu tư nuôi tôm thì uổng phí quá”.


 “Dự án” mà Công ty TNHH Trường Khánh “đầu tư” chỉ là đào bao ngạn, chòi canh và cống xổ tôm.

 “Dự án” mà Công ty TNHH Trường Khánh “đầu tư” chỉ là đào bao ngạn, chòi canh và cống xổ tôm.

Ông Nguyễn Như Vàng, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, cho biết: “Từ khi dự án được triển khai tại địa phương đến nay hầu như không thấy chủ đầu tư thực hiện công trình nào. Qua các đợt phối hợp kiểm tra đều phát hiện sai phạm như chậm tiến độ, không thực hiện các hạng mục công trình như cam kết. Không những vậy, doanh nghiệp còn đào kinh, mương, lên bờ bao rồi làm cống xổ tôm gây ảnh hưởng đến cây rừng (Sân chim Ðầm Dơi có diện tích lớn là rừng đặc dụng)”.

Không những không triển khai các hạng mục đầu tư như đã cam kết, công ty của ông Nguyễn Trường Khánh còn gây ra nhiều điều tiếng ở địa phương như lợi dụng sự tín nhiệm mượn tiền của người dân rồi hứa hẹn là cho hùn vốn và sẽ chia lợi nhuận khi khu du lịch đi vào hoạt động nhưng chẳng thấy đâu.

Ông Nguyễn Như Vàng cho biết thêm: “Cho đến nay tôi chỉ gặp ông Nguyễn Trường Khánh 1 lần lúc triển khai dự án, sau đó thì không thấy đâu. Trước phản ánh của bà con, UBND xã đã liên hệ với ông Khánh nhiều lần qua điện thoại để hẹn gặp giải quyết, nhưng lần nào ông Khánh cũng nói là “Bận đi Hà Nội làm thủ tục giải ngân vốn để tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án Sân chim Ðầm Dơi, phải nhanh chóng làm xã mình... sáng lên chứ”.

Qua nhiều lần ông Khánh “thành khẩn nhận khuyết điểm” và hứa khắc phục nhưng vẫn không thực hiện, UBND tỉnh đã có công văn gởi Sở Kế hoạch và Ðầu tư. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, xử lý vi phạm của Công ty TNHH Trường Khánh theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành; báo cáo kết quả cho Thường trực UBND tỉnh. Ngày 29-10-2015, Sở Kế hoạch và Ðầu tư có quyết định về việc chấm dứt hoạt động của Dự án Ðầu tư du lịch sinh thái kết hợp gây nuôi động vật hoang dã tại sân chim Ðầm Dơi và quyết định trên có hiệu lực ngay lập tức.

Sau khi quyết định có hiệu lực, Công ty Trường Khánh giao lại thì hiện trạng Sân chim Ðầm Dơi gần như chỉ là... vuông tôm. Dù muộn vẫn còn hơn không, nhưng điều này cũng đặt ra nhiều câu hỏi đối với ngành chức năng trong việc quy hoạch cũng như xác minh năng lực tài chính của nhà đầu tư ở các dự án đã và đang triển khai cũng như các dự án trong tương lai. Cần tránh trường hợp chủ đầu tư “mượn đầu heo nấu cháo!”.

Sân chim Đầm Dơi có tổng diện tích 132 ha, hệ động vật có 16 loài thú, 116 loài chim. Năm 1993, trong khu vực có tới 15 loài chim được ghi trong Sách đỏ Việt Nam hoặc Sách đỏ thế giới, đó là: cốc đế, quắm đầu đen, quắm cánh xanh và giang sen. Năm 1999, theo đoàn khảo sát thực địa của Chương trình BirdLife Quốc tế tại Việt Nam và Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, trong khu vực vẫn còn loài le khoang cổ, loài chim quý hiếm này đang bị đe doạ ở mức quốc gia. Theo sách “Cà Mau đón chào quý khách”, sân chim Đầm Dơi là nơi trú ngụ của hàng vạn loại chim, cò, đây là điểm du lịch khá lý tưởng, du khách và các nhà nhiếp ảnh rất thích đến đây quay phim, chụp hình, thưởng ngoạn vẻ đẹp của sân chim này.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo