Giữa tháng 7.2012, Báo Tây Ninh có đăng bài viết xung quanh tin đồn về “nấm gòn” được làm từ bông bệnh viện, do một nông dân tên N. ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành trồng. Sau khi báo phát hành được vài ngày, chúng tôi được một người dân ở xã Thành Long (cũng thuộc huyện Châu Thành) báo tin: Ở địa phương này cũng có người trồng nấm từ bông gòn.
Nguồn tin cho biết thêm, hiện không rõ nguồn bông dùng làm nấm gòn xuất xứ từ đâu nhưng trong quá trình làm nấm có mùi hôi rất khó chịu. Đặc biệt, khu vực gần nơi trồng nấm có rất nhiều ruồi. Sau khi báo tin, người này còn đề nghị: Báo chí cần tìm hiểu và thông tin rõ cho người tiêu dùng biết: ăn nấm gòn có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay không?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết người trồng nấm ở xã Thành Long tên là Đ. Theo lời anh Đ., cách nay 5 năm, vợ chồng anh đã bắt đầu trồng nấm từ bông gòn. Trước đó, gia đình anh đã trồng đủ mọi loại nấm nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trong thời gian sống và làm việc ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) anh đã học được nghề trồng nấm từ bông gòn. Sau đó anh về Tây Ninh bàn với vợ rồi quyết định vay 15 triệu đồng để làm vốn sản xuất nấm.
Chỉ sau hai vụ nấm đầu tiên, anh đã thanh toán xong món nợ 15 triệu đồng. Và chỉ sau vài năm trồng nấm gòn, đôi vợ chồng nghèo đã xây được ngôi nhà khang trang. Từ ngày trồng nấm gòn đến nay, theo lời anh Đ. thì chưa có vụ nào anh bị lỗ, ít nhất là hoà vốn hoặc lời, thậm chí có lúc lời đậm. So với các loại nấm khác, nấm gòn cho năng suất cao hơn hẳn (gấp đôi so với nấm rơm) và có khả năng thích nghi với thời tiết tốt hơn.
Người dân xã Hoà Hội trồng cả nấm gòn trong rẫy cao su và mì
Tại thời điểm này, vợ chồng anh Đ. đang trồng nấm gòn với quy mô tương đối lớn. Trên đám đất trồng nấm hiện còn một khối lượng bông gòn rất lớn. Theo anh Đ. thì có hai loại bông: Loại thứ nhất là bông kiện (tức bông thải được đóng trong bao tải). Loại thứ hai gọi là bích chi (cũng được đóng trong bao tải) có màu tim tím giống như màu ruột củ khoai môn.
Anh Đ. cho biết: Anh và bà chị gái đã đầu tư tổng cộng khoảng 80 triệu đồng, trong đó tiền mua nguyên liệu hết hơn 60 triệu đồng. Theo tính toán của anh, nếu giá thành của nấm từ 40.000 đồng/kg trở lên thì mới có lời. Thời gian sinh trưởng của nấm gòn khá ngắn: Từ khi bắt đầu vào khuôn, lên men nấm cho đến khi thu hoạch chỉ chừng 12 ngày.
Sau khi nấm hình thành và phát triển, thời gian thu hoạch khoảng 10 ngày là hết một vòng đời của nấm. Sau khi thu hoạch, người trồng muốn có năng suất cao thì phải thuê đám đất mới, vì nếu tiếp tục làm trên đất cũ, năng suất nấm sẽ rất thấp.
Khi chúng tôi đặt vấn đề về nguồn bông dùng để trồng nấm, anh Đ. cho biết, mình có nghe tin đồn nấm gòn được trồng từ bông bệnh viện. Anh nông dân “cực lực bác bỏ” và cho rằng, nguyên nhân có tin đồn là do một số người trồng nấm rơm “ganh tỵ” với sự thành công của vợ chồng anh. “Khi họ đến học hỏi kinh nghiệm làm nấm, tui không nói, vì nói thì mất bí quyết, lấy gì làm ăn. Chính vì điều này nên nhiều người đã thêu dệt, bịa đặt. Không chỉ tin đồn nấm được trồng từ bông bệnh viện, có người còn nói rằng, trong khối bông gòn thải còn có cả… băng vệ sinh” - anh Điệp nói!
Anh nông dân này còn kể thêm rằng, từ khi thành công với nấm gòn đến nay, anh chỉ tiết lộ bí quyết cho duy nhất một người: Người này chính là anh N. - nhân vật chính trong bài báo đăng hồi tháng 7 trên Báo Tây Ninh! Anh nông dân kể tiếp: Một người thân cho anh mượn tờ Báo Tây Ninh có đăng bài viết về tin đồn nấm gòn trồng từ bông bệnh viện. Sau khi đọc xong bài báo, anh đã gọi điện cho anh N. ở xã Hảo Đước mua tờ báo về đọc, nếu cần thì mua thêm ít tờ phát cho người dân đọc để “đập tan luận điệu xuyên tạc” của… một số người vì đã cố tình tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận!
Hiện chưa thấy có thông tin nào nói ăn nấm gòn có độc hay không
Ăn nấm gòn có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay không, người dân Tây Ninh trồng nấm gòn từ bao giờ? Đem thắc mắc của bạn đọc đến hỏi Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học & Công nghệ - một cơ quan chuyên nghiên cứu về các loài nấm (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ), chúng tôi được cán bộ ở đây cho biết: Cơ quan này chưa nghiên cứu, chưa tìm hiểu về loài nấm này.
Từ trước đến nay Trung tâm chưa từng trồng thử nấm trên bông gòn, cũng chưa tiến hành phân tích lý hoá xem nấm gòn có độc hại hay không. Theo lời một cán bộ của Trung tâm thì nếu bằng cảm quan thông thường, giữa nấm gòn và các loại nấm thông thường khác có sự khác biệt nhất định. Ví dụ, các loại nấm thông thường khác khi chế biến xong có thể để cả ngày cũng không sao, nhưng nếu là nấm gòn thì để lâu sẽ cho mùi khác lạ.
Cán bộ Trung tâm cũng cho biết thêm, ở Tây Ninh trước đây có một hộ ở Trảng Bàng trồng nấm gòn nhưng do gây ô nhiễm môi trường nặng nề nên chính quyền đã vận động người dân không trồng nấm gòn nữa. Thực ra người trồng nấm gòn không chỉ dùng bông mà có khi còn có cả vải nát. Chính loại vải nát này khi bị ngâm trong nước đã làm chảy ra các loại chất nhuộm làm ô nhiễm môi trường.
Cũng liên quan đến nấm gòn, hiện trên mạng internet đang có những thông tin trái chiều nhau. Có người cho rằng nấm gòn rất đáng sợ, không nên ăn. Có người lại quảng bá, giới thiệu về cách làm loại nấm gòn.
Theo thông tin chúng tôi có được, ở Trảng Bàng hiện có nhiều người trồng nấm gòn. Ở Châu Thành, số người trồng nấm gòn tại các xã Hoà Hội, Thành Long, Hảo Đước và Ninh Điền cũng đang tăng. Về thắc mắc: Ăn nấm gòn có nguy hại gì không thì cho đến thời điểm này, vẫn chưa có một câu trả lời xác đáng.
Bình luận (0)