Làm khô nấm linh chi hoang dại ở “Công ty Trường Phát”
Qua nhiều năm ở ngưỡng lục tuần, ông Nguyễn Thanh Uyên trông vẫn khá bụi bặm và hứng khởi với những câu chuyện về “rừng vàng” ở xứ trà B’Lao. “Tôi là dân lâm nghiệp nên biết được ít nhiều loài nấm linh chi hoang dại mọc rải rác trong rừng. Đồng bào thiểu số ở nhiều buôn làng Lâm Đồng có thu hái về sử dụng hoặc đem bán cho người khác, nhưng họ chỉ chế biến sơ sài, phơi khô, bỏ vào nồi nước nấu sôi lên uống… Một ngày tôi bàn với “nhà tôi” hãy góp tay đưa linh chi hoang dại trở về đúng giá trị bồi bổ, bảo vệ sức khỏe cho con người…”- ông Uyên kể.
Vợ ông Uyên - bà Hoàng Thị Kim Phượng thấy suy nghĩ của chồng khá trùng hợp với ý tưởng của mình nên đã cùng đồng thuận đi vào sản xuất thử nghiệm 3 dòng sản phẩm gồm rượu linh chi, trà túi lọc chi lam và nấm linh chi xắt lát.
Bà Phượng nhớ lại: “Tôi tự khảo sát thị hiếu phổ thông của người tiêu dùng, sau đó dần dần hoàn chỉnh nồng độ của rượu và hương thơm của trà sao cho phù hợp nhất, nhưng vẫn giữ được vị đặc trưng của linh chi hoang dại ở xứ trà…”.
Cuối năm 2011, sản phẩm rượu linh chi của ông Uyên - bà Phượng được Sở Y tế Lâm Đồng cấp Chứng nhận “Phù hợp với các quy định về chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm…”. Đến đầu năm 2012 trên thị trường đặc sản Lâm Đồng chính thức xuất hiện một thương hiệu mới: Công ty TNHH Rượu linh chi Trường Phát (số 34, Nguyễn Khuyến, Bảo Lộc) do bà Phượng làm Giám đốc.
Đầu tiên khách du lịch phát hiện “rượu linh chi Trường Phát” ở khu vực dừng chân của Trà Tâm Châu và các thương hiệu trà nổi tiếng khác ở đường Trần Phú, Bảo Lộc. Kế tiếp là những ngày mua sắm ở các quầy hàng đặc sản thuộc thiên đường du lịch Đà Lạt. Hàng chục thùng rượu linh chi Trường Phát từ nơi xứ trà Bảo Lộc đã tiêu thụ hết nhanh và nhận được những lời đánh giá khen tặng của khách du lịch khắp nơi trong nước.
Trong cùng thời gian này, ông Uyên - bà Phượng đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận bản quyền nhãn hiệu trên các dòng sản phẩm rượu linh chi và trà linh chi “Trường Phát” của mình.
Sau một năm “trình làng” khá ấn tượng, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng đã đưa rượu linh chi, nấm khô linh chi xắt lát và trà túi lọc chi lam mang thương hiệu “Trường Phát” đi tham gia Hội chợ thương mại toàn quốc, tổ chức trên nhiều vùng miền của cả nước như: Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai, Đắc Nông, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long...
Và đến cuối năm 2013 - trong những ngày diễn ra Festival Hoa Đà Lạt, tại khu phố hàng đặc sản Lâm Đồng trên đường phố Hồ Tùng Mậu, sản phẩm rượu và trà linh chi Trường Phát, Bảo Lộc tiếp tục thu hút khách bộ hành trong và ngoài nước đến thưởng thức, mua hàng tại chỗ và trao đổi để ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài.
Tính cả năm 2013, sản phẩm rượu và trà linh chi Trường Phát, đã tăng từ 30 - 40% doanh số bán ra, mở rộng thị trường các vùng miền trong nước và bắt đầu giới thiệu, thâm nhập sang thị trường nước ngoài. Năm mới 2014, thương hiệu rượu và trà linh chi Trường Phát, bước tiếp sang các kênh bày bán thuộc hệ thống Siêu thị Big C toàn quốc.
Để sử dụng những sản phẩm linh chi hoang dại của thương hiệu Trường Phát ở xứ trà B’Lao, người thu nhập ở mức trung bình thấp cũng dễ dàng mua về sử dụng hàng ngày, đặc biệt sử dụng trong dịp ăn tết vui xuân. Cụ thể 1 chai 500ml với màu rượu nâu đỏ sóng sánh chỉ với giá trên dưới 200 ngàn đồng; 1 kg nấm linh chi xắt lát khô với 5 loài khác nhau, giá hơn 600 ngàn đồng; 1 hộp trà chi lam 26 túi lọc với giá mới chạm ngưỡng 40 ngàn đồng…
Hỏi về quy trình sản xuất từ những chiếc nấm linh chi hoang dại trở thành những sản phẩm rượu và trà linh chi, bà Hoàng Thị Kim Phượng, Giám đốc Công ty Trường Phát nói đó là gồm các công đoạn khá công phu, từ phân loại làm khô đến xay nghiền thành bột, hòa tan quyện màu, quyện vị với rượu gạo nếp… đều phải tuân thủ nghiêm ngặt về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn ông Uyên, chồng của “Giám đốc Phượng” thì mang ra chai rượu linh chi mời tôi cùng nhâm nhi trong một chiều Bảo Lộc giáp xuân se lạnh. Trong lúc hưng phấn, ông Uyên mang ra tờ giấy lịch đã nhuộm vàng đọc lại những câu gieo vần thơ lục bát mà ông đã chép trước đây. Tôi ghi vào “bộ nhớ” của mình 2 câu trong đó: “Linh chi có tự bao giờ. Đã dùng mới biết bất ngờ đến ta…”.
Bình luận (0)