Nói đến cá mè nhiều người cho rằng đây là loại cá rất tanh, phải kho nấu kỹ mới ăn được, nhưng người dân thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) lại chế biến loại cá này thành món gỏi rất ngon. Gỏi cá mè đã trở thành món ăn truyền thống với những nguyên liệu rất dân dã, tạo nên hương vị không thể nào quên nếu ai đã có dịp thưởng thức.
Về thôn Phượng Hoàng vào một ngày cuối tuần của tháng 6, chúng tôi được ông Nguyễn Tiến Hùng (57 tuổi) mời vào thăm nhà và khoe mới mua được mẻ cá mè 5 con, tổng trọng lượng gần 10 kg. "Từ nhiều đời nay, người dân quê tôi rất thích ăn cá, đặc biệt gỏi cá. Vì thế, thanh niên trong làng hầu hết ai cũng biết chế biến món ăn này để thết đãi khách mỗi khi có dịp. Có thể chọn các loại cá khác nhau để làm gỏi như cá quả, cá rô, cá trắm... nhưng gỏi cá mè là ngon nhất", ông Hùng chia sẻ.
Nhanh tay bắt những con cá mè từ trong bể ra, ông Hùng cùng cậu con trai mới lao động ở Nhật Bản về thăm nhà chuẩn bị nguyên liệu để chế biến món gỏi. Trước tiên, cá được rửa sạch, bóc mang và đánh sạch vẩy. Sau đó, cá được lọc phần thịt 2 bên lườn.
Miếng thịt cá được thái mỏng, vừa ăn trước khi tẩm ướp.
Ông Hùng lựa đưa mũi dao sắc nhọn lách từng lát thịt khỏi các đoạn xương rồi thả vào một chiếc chậu chứa nước pha muối và dấm để ngâm khoảng 10 phút cho hết mùi tanh của cá. Những miếng thịt trắng, điểm phớt hồng sau đó được bọc trong từng tờ giấy mỏng để khô.
Công đoạn tiếp theo là chuẩn bị rau ăn ghém. Đây là một phần không thể thiếu trong món gỏi cá vì ngoài việc tạo nên hương vị riêng, các loại rau còn là vị thuốc tránh các bệnh về đường ruột. Rau để ăn kèm có rất nhiều loại từ cúc tần, lá mơ, chuối xanh, đinh lăng, lá ổi, lá lốt, lá lộc vừng... với đủ vị chua, chát, ngọt, bùi đều được hái sẵn trong vườn nhà.
Công đoạn quan trọng nhất của món ăn là trộn gỏi. Các thành phần để trộn gỏi gồm giềng giã nhỏ, chanh tươi, ớt, tỏi băm, thính làm từ đậu nành. Thịt cá được thái thành từng miếng nhỏ cho vừa ăn, được ướp với nước giềng và chanh để làm tái. Tiếp theo, các nguyên liệu còn lại sẽ được trộn đều.
Món gỏi cá mè ăn kèm với nước tương.
Nếu như ở những nơi khác, người dân ăn gỏi cá sử dụng nước chấm măng chua hoặc mẻ thì ở Cẩm Hoàng, người dân lại sử dụng nước tương. Ông Hùng cho biết nước tương nêm thêm chút tỏi băm nhỏ, ớt, mỳ chính tạo vị chua chua, cay cay, thơm thơm sẽ không làm mất đi vị ngọt, giòn của cá.
Chưa đầy 2 giờ, một mâm gỏi thịnh soạn được dọn ra. Xếp từng loại rau xanh vào bát, gắp một miếng gỏi cá cho vào giữa quấn lại, chấm ngập nước tương rồi đưa lên miệng ăn. Tất cả hương vị cùng hòa tan, tạo lên những cảm xúc khó tả, kích thích từng vị giác. Đầu tiên là vị bùi, thơm của các loại rau. Tiếp đến là độ giòn và ngọt của thịt cá. Thêm một chút cay cay của ớt quện với vị chua thanh và thơm của tương. Tất cả tạo nên hương vị của món gỏi cá mè Cẩm Hoàng, khiến thực khách chỉ muốn thưởng thức mãi.
Bình luận (0)