Những năm qua, hàng nghìn xác thai nhi vô tội được gom từ nhiều nơi được đưa về đây lưu giữ trước khi đem chôn cất vào ngôi mộ tập thể.
Dù điện thoại hẹn gặp từ trước, nhưng chúng tôi vẫn phải nhờ một người quen ở xã Cồn Thoi đỡ lời, ông Trọng (người trông giữ chiếc tủ đông lạnh đặc biệt) mới bớt chút thời gian để gặp. Bởi với ông, việc tình nguyện gần chục năm đi gom xác thai nhi ở các phòng khám về chôn cất chẳng có công trạng gì để ngợi ca. Ông chỉ biết làm việc với tình thương yêu các sinh linh bé nhỏ vô tội bị bỏ rơi, vì các em cũng là một kiếp con người.
Xin được các thai nhi ở các phòng khám, ông Trọng đưa về bảo quản trong tủ đông lạnh trước khi đem chôn cất.
Ông Đinh Văn Trọng (59 tuổi) vốn là một nông dân "chính cống", gia đình ông ngoài làm ruộng còn có thêm nghề nuôi trồng thủy sản cách nhà gần 5 cây số. Từ lâu, người dân xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (Ninh Binh) quen gọi ông với những cái tên đặc biệt như “ông Trọng thai nhi” hay “lão nông gàn dở”…
Ông chẳng mấy quan tâm đến điều đó, vì việc đi gom xác thai nhi giờ là công việc chính của ông, ông còn làm việc đó với lương tâm và trách nhiệm cao. Giờ đây, không chỉ ông mà các thành viên trong gia đình, nhiều người trong làng, ngoài xã đều hiểu được việc làm ý nghĩa này, sẵn sàng làm thay mỗi khi ông bận công việc.
Một ngôi mộ chôn hơn 350 thai nhi được ông trọng gom từ tháng 2/2013 đến 4/2014
Câu chuyện đầu tiên ông chia sẻ với chúng tôi là về chiếc tủ đông lạnh đặc biệt chứa hàng nghìn xác thai nhi vô tội. Ông là người cầm chìa khóa của căn phòng đặc biệt lưu giữ chiếc tủ lạnh này và cũng là nhóm trưởng của nhóm “bảo vệ sự sống” tại Cồn Thoi.
Cách đây nhiều năm, trong một lần xem tivi, ông biết được thông tin Việt Nam là nước có tỷ lệ người trẻ nạo phá thai nhiều nhất Đông Nam Á. Từ đó, ông cũng mới được biết, những xác thai nhi xấu số khi bị cha mẹ vứt bỏ sẽ bị ném vào thùng rác, bỏ mặc cho kiến ăn, ruồi đậu…
Trong cuốn sổ nhỏ, ông Trọng ghi rõ ngày tháng tiếp nhận thai nhi, người đưa về, và tên tuổi từng cháu do chính ông đặt.
Quá xót xa, sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng ông quyết định sẽ đi gom xác thai nhi về chôn cất. Từ đó, ông bỏ việc nhà, hàng ngày đến từng phòng khám “mật phục” để xin các sinh linh bé nhỏ bị bỏ rơi rồi đưa về.
“Lúc đầu các phòng khám thấy tôi làm việc đó họ rất hồ nghi, nghĩ mình có ý xấu rình mò công việc làm ăn nên họ không hợp tác. Sau rồi họ hiểu được tấm lòng của tôi, thế là cứ có xác thai nhi bị nạo phá, họ lại gọi tôi đến để đưa về chôn cất”, ông Trọng nói.
Thời gian đầu, mỗi lần gom được một bào thai, ông phải lặn lội từ nhà vượt hơn chục cây số đưa lên thị trấn Phát Diệm xin gửi nhờ, sau đó hàng tháng lên tham gia lễ an táng cho các hài nhi xấu số.
Mỗi tháng ông gom được từ 30 – 40 xác thai nhi, thấy việc đi lại từ nhà đến thị trấn Phát Diệm để gửi các thai nhi nhiều bất tiện, ông tình nguyện đi xin tiền của những người hảo tâm mua một chiếc tủ đông lạnh về để bảo quản thai nhi ngay tại địa phương. Ngày thường trong tháng, ông đi gom các thai nhi đưa về đây, bọc gói cẩn thận, đến cuối tháng lại đem những thai nhi này chôn vào một ngôi mộ tập thể.
Lật dở từng trang trong cuốn sổ nhỏ chi chít những dòng chữ ghi rõ về ngày tháng, tên tuổi các thai nhi, ngày giờ thu gom, tên người đưa về, ông Trọng bảo: “Từ khi làm công việc bất đắc dĩ này, chúng tôi đã gom được hơn 1.000 thai nhi bị bỏ rơi. Thai lớn tuổi nhất là 6 tháng, nhỏ cũng chỉ mới 3 – 4 tuần. Các bé đều có chung số phận, chưa có ngày sinh đã có ngày tử”.
Ông Trọng buồn rầu chia sẻ tiếp, những hài nhi xấu số trên được ông đem về bọc trong khăn rồi quấn túi nilon ở ngoài, vệ sinh sạch sẽ rồi mới bỏ vào tủ đông bảo quản. Khi đưa đi chôn cất, các cháu cũng được làm đủ các thủ tục như một con người bình thường.
“Các cháu được chôn chung trong một ngôi mộ tập thể, khoảng 3 – 4 tháng chôn đủ một ô, chúng tôi lại cất mộ cho các cháu. Mộ ghi rõ số thai nhi, thời gian thu gom”, ông Trọng chia sẻ thêm.
Kể về công việc bất đắc dĩ của mình, ông bảo ngày nào không nhận được cuộc điện thoại từ số quen ở các phòng khám là ngày đó ông ăn ngon ngủ yên. “Đã nhận được điện thoại báo có thai nhi, dù đang làm bất cứ việc gì, ở đâu tôi cũng lên đường đến đón các cháu đưa về. Để lâu sợ các cháu bị hư hại hoặc người ra lại để vương vãi đâu mất thì lương tâm mình day dứt lắm. Có những hôm nhận được tin từ sáng sớm, cũng có những ngày đến tận đêm”, ông Trọng cho hay.
Hầu hết các thai nhi được ông gom về đều được đặt những cái tên rất đẹp dù chưa biết giới tính như: Anh, Hoa, Hạnh, Hồng, Thảo, Quang, Huy… “Tôi muốn các cháu dù không được bố mẹ chúng thừa nhận nhưng vẫn phải có tên dù sau đó không còn ai nhận ra vì các cháu bị chôn cùng nhau trong ngôi mộ tập thể”.
Trong nghĩa trang xứ Cồn Thoi, ngôi mộ tập thể dành cho các thai nhi được ông Trọng cũng những người thiện nguyện xây dựng rộng chừng 50m2. Tại đây được chia ra khoảng 100 ô nhỏ khác nhau, mỗi ô có thể chứa được 3 chiếc tiểu. Khoảng 3 tháng số lượng thai nhi được bỏ trong các tiểu sành chôn đầy một ô, một năm chôn đầy 4 ô. Lúc này, nhóm của ông Trọng mới cất lên một ngôi mộ, ốp đá rất khang trang. Người dân ai nhìn vào khu mộ tập thể này cũng xót xa cho số phận của hàng nghìn sinh linh bé nhỏ, vô tội này.
Ông Nguyễn Minh Lý, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Cồn Thoi, chia sẻ, ông Trọng cùng những người trong nhóm thiện nguyện của mình làm công việc đi gom các thai nhi về chôn cất mang ý nghĩa nhân đạo cao cả. “Những năm quan, nhờ có nhóm của ông Trọng mà hàng nghìn thai nhi vô tội bị bỏ rơi được đưa về chôn cất cẩn thận. Kinh phí để làm công việc bác ái này được nhiều người từ thiện ủng hộ”, ông Lý nói.
Bình luận (0)