xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chợ nổi Cái Bè đang... chìm!

Theo HỮU NGHỊ (Báo Ấp Bắc)

Chợ nổi Cái Bè ngày đó hoạt động suốt ngày đêm và thường là theo con nước lớn, còn bây giờ...

Chợ nổi Cái Bè (huyện Cái Bè) đang dần thu hẹp và khách du lịch đến đây cũng thưa thớt dần. Giải pháp duy trì chợ nổi Cái Bè, một “đặc sản” du lịch nổi tiếng của Tiền Giang không bị “chìm” theo xu hướng phát triển của xã hội là rất cần thiết.

5 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ bến tàu du lịch Cái Bè đi thăm chợ nổi Cái Bè. Một ngày mới ở đây bắt đầu sớm hơn thường lệ. Nhịp sống mưu sinh hối hả được cảm nhận rõ qua tiếng máy ghe, thuyền trên sông…


Ông Trần Thanh Đức (người ngồi hàng đầu bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Tiền Giang trong một chuyến khảo sát thực tế tại chợ nổi Cái Bè.

Ông Trần Thanh Đức (người ngồi hàng đầu bên phải), Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Tiền Giang trong một chuyến khảo sát thực tế tại chợ nổi Cái Bè.

Một thời sung túc…

Chiếc thuyền đưa chúng tôi tham quan chợ nổi Cái Bè cứ bồng bềnh trên sông Tiền trong tiết trời mờ hơi sương. Ghe thuyền tụ họp trên chợ nổi Cái Bè đoạn giáp ranh ba tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long hiện không còn nhiều, nhưng cũng đủ để biết một buổi chợ sớm trên sông đang bắt đầu.

Theo thông tin từ ngành du lịch huyện Cái Bè, chợ nổi Cái Bè được hình thành từ khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ XVII. Thời bấy giờ, trên vàm Cái Bè, do có nhiều ghe mua bán trong vùng lân cận, tụ hội về đây trao đổi nông sản nên dần “họp” thành chợ nổi này. Đây là nơi giao thương hàng hóa không chỉ trong tỉnh Tiền Giang mà còn là nơi giao thương của các tỉnh lân cận. Hàng hoá ở chợ nổi rất đa dạng và phong phú, từ các loại nông sản cho đến các loại trái cây như: Cam, quít, bưởi, khóm, xoài, dưa hấu…


Ghe thuyền buôn bán tấp nập ở Chợ nổi Cái Bè vào những năm trước đây.

Ghe thuyền buôn bán tấp nập ở Chợ nổi Cái Bè vào những năm trước đây.

Chợ nổi Cái Bè ngày đó hoạt động suốt ngày đêm và thường là theo con nước lớn. Thời gian họp chợ diễn ra từ 3 - 5 giờ sáng cho đến tận xế chiều. Ông Nguyễn Văn Chín, một thương hồ quê ở Vĩnh Long, có gần 20 năm mua bán ở chợ nổi Cái Bè cho biết, trước đây, chợ nổi này hoạt động nhộn nhịp, sung túc. Quy mô chợ phụ thuộc vào mùa trái cây, củ, quả, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 - 200 tấn trái cây, củ, quả. Hằng ngày, chợ có đến vài trăm phương tiện ghe, thuyền lớn nhỏ của các thương lá neo đậu thu gom hàng hóa và của các hộ dân địa phương hội tụ lại đây để giao thương. Ngoài ra, còn có nhiều thuyền nhỏ lưu động cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải khát và sản phẩm phục vụ nhu cầu đời sống trên sông.

Khi đưa chúng tôi tham quan chợ nổi Cái Bè, anh lái thuyền không ngừng đưa tay chỉ vào những cây sào treo lủng lẳng trái khóm, trái xoài, củ khoai lang và cho biết, từ trước đến nay, việc mua bán của các ghe thuyền ở chợ nổi Cái Bè vẫn mang nét độc đáo chung của các chợ nổi là “sào nào, rau củ - trái ấy”, tức là trên ghe thuyền bán loại trái cây, nông sản nào thì treo lên cây sào (gọi là cây bẹo) cho người mua dễ nhận biết và không phải rao mời. Đó là một chỉ dẫn rất thú vị và riêng biệt trong phương thức giao dịch của người dân miệt vườn vùng sông nước.

Chính những nét sinh hoạt độc đáo của chợ nổi Cái Bè đã tạo nên sức hút đối với du khách gần xa, nhất là du khách nước ngoài và trở thành điểm du lịch hấp dẫn của địa phương. Có thời điểm, lượng khách tham quan chợ nổi Cái Bè chiếm khoảng 80% trong tổng số du khách du lịch đến huyện Cái Bè.

Để không "chìm" chợ nổi

Theo nhiều người, thời sung túc của chợ nổi Cái Bè chỉ còn trong hoài niệm. Bởi thực tế ngày nay, chợ nổi Cái Bè đã không còn là một chợ nổi đông đúc, trên bến dưới thuyền. Hiện ngay ở trung tâm chợ nổi, số lượng ghe thuyền neo đậu đã giảm nhiều so với trước đây. “Giờ ghe thuyền đến chợ nổi Cái Bè buôn bán ít lắm và cũng ít khi thấy khách du lịch đến tham quan chợ nổi” - ông Chín nói.

Điều này cũng phù hợp với thông tin của UBND huyện Cái Bè, do hệ thống giao thông đường bộ hiện nay đã phát triển nên lượng ghe thuyền hoạt động trên chợ nổi Cái Bè đã giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 50 ghe thuyền buôn bán sỉ các mặt hàng trái cây, rau, củ, quả…


Chợ nổi Cái Bè hiện có ít ghe thuyền đến buôn bán.

Chợ nổi Cái Bè hiện có ít ghe thuyền đến buôn bán.

Chợ nổi Cái Bè đã không còn sung túc, ngày càng mất đi sự hấp dẫn vốn có của nó và dần bị mai một, khi không có nhiều ghe thuyền buôn bán tấp nập như trước. Điều này làm cho sức hút của chợ nổi đối với du khách cũng dần mất đi. “Thực tế đến chợ nổi Cái Bè ngày nay đã khác xa với những gì giới thiệu hấp dẫn qua báo chí mà tôi được xem. Ghe thuyền mua bán quá ít. Khách đến chợ nổi chỉ được ngắm nhìn cảnh mua bán đìu hiu, mà chẳng có gì để mua sắm, kể cả trái cây. Nếu chính quyền địa phương không có những giải pháp tối ưu để bảo tồn và phát triển thì chợ nổi Cái Bè có ngày sẽ bị “chìm” theo xu hướng phát triển của xã hội!” - chị Nguyệt một du khách đến từ Hà Nội nhận xét.

Chị Nguyễn Thị Hồng Huế, một người làm du lịch ở xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) mong muốn, chợ nổi Cái Bè được duy trì và phát triển. “Bởi chợ nổi này hiện nay vẫn là “đặc sản” du lịch của tỉnh Tiền Giang và khách đặt tour đến tham quan rất nhiều” - chị Huế nói. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của huyện Cái Bè cũng đề xuất giải pháp duy trì chợ nổi Cái Bè, mỗi doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tham gia một ghe, thuyền tại chợ nổi để vừa kinh doanh vừa tạo ra một sản phẩm du lịch cho du khách…

Vai trò của chợ nổi Cái Bè trong phát triển du lịch của địa phương đã khẳng định từ lâu. Với nhiều ý kiến cho rằng, nếu huyện Cái Bè cũng như tỉnh Tiền Giang không bảo tồn và phát triển được chợ nổi Cái Bè thì sức hấp dẫn của du lịch cũng sẽ giảm dần. Tiền Giang sẽ mất đi một sản phẩm đặc thù có tính cạnh tranh cao.

Điều này cũng đã được ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè nhìn nhận, chợ nổi Cái Bè là một sản phẩm của tự nhiên, hình thành từ văn hóa giao thương trên sông nước lâu đời của người dân. Tuy nhiên, quy luật đào thải khắc nghiệt của tự nhiên đòi hỏi phải có bàn tay kiến tạo của con người, để chợ nổi không chỉ đơn thuần là một kênh phân phối, một địa điểm giao thương mà phải được chú trọng đầu tư như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Bè bền vững là vấn đề cấp thiết, đang được ngành du lịch và các cấp chính quyền của tỉnh Tiền Giang rất quan tâm. Cụ thể là thời gian gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh liên tục có những chuyến khảo sát thực tế chợ nổi Cái Bè; đồng thời UBND huyện Cái Bè cũng đã lập Đề án “Bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Bè” và đang lấy ý kiến hoàn chỉnh. Với sự nỗ lực gìn giữ bản sắc văn hóa chợ nổi của địa phương, hy vọng trong thời gian không xa, chợ nổi Cái Bè sẽ sung túc với những hoạt động giao thương truyền thống đan xen cùng dịch vụ du lịch hấp dẫn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo