Xuôi về sông Bảy Háp ra bãi bồi Mũi Cà Mau, ông Hồ Văn Bỉ, 61 tuổi, bám víu cửa biển ấp Gò Công, xã bãi ngang Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) để kiếm sống. Vượt lên thân phận mù lòa, ông cùng với bà con theo con nước ròng ra biển, mò cua bắt cá nuôi vợ con. Thương cảnh mù lòa, chịu thương chịu khó, ngoi ra từ tăm tối, bà con gọi là Tư Mù như thân phận mù lòa của ông.
Ông Tư Mù trên chuyến biển với người hàng xóm.
Trôi theo con nước ròng
Mấy bận cất công từ thành phố Cà Mau đi huyện ven biển Phú Tân, rồi rẽ vô cửa biển ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái tìm ông già mù nhưng không gặp do không biết quy luật thủy triều. Khi nước ròng, ông cùng bà con vào rừng “hái lượm”, ra bãi biển mò cua bắt cá không kể ngày đêm.
Lần này, ông Lê Minh Trí, Trưởng ấp Gò Công gọi điện thoại cho hay, thời điểm nước ròng, ông Tư Mù đi biển. Nhưng khi gặp, xin cùng ra biển, ông Tư Mù xua tay, nhăn nhó, lắc đầu để lộ hàm răng còn không mấy chiếc đã úa vàng: “Không được đâu, phải đi xa gần 20 cây số mới chỗ mò con móng tay. Sóng gió thình lình, ướt nhem hết trọi, không chịu nổi đâu!”.
Ông kể, đêm qua, xuồng của ông đi ra biển phải rút lui sớm, mưa tầm tã, gió mạnh, sóng biển qua khỏi đầu. Ông chỉ tay về người thanh niên lực lưỡng, chắc nịch, tóc xoăn đen: “Thằng Êm cầm lái cứng khừ mà bị đánh sóng đánh bạt. Anh em tụi tui tát nước liền tay, không may là chìm ngoài biển rồi!”.
Tôi năn nỉ cho theo, ông Huỳnh Êm, người dân tộc Khơ- me, chủ vỏ máy, thường đèo bòng ông Tư Mù và bạn bè quanh xóm đi biển, miễn cưỡng gật đầu. Vẫn cái giọng đặc sệt người Khơ-me, ông Huỳnh Êm nói to: “Dơ, nhà báo đi theo phải mang áo mưa, kiếm thêm mấy cái bọc đựng máy móc. Đồ điện tử gặp nước mặn thì vô phương cứu!”.
Nước sông Bảy Háp giựt mé, chảy xuôi ra phía biển Tây, đùng đục màu phù sa. Không cần gọi nhau, ông Tư Mù cũng như những người dân ở cửa biển Gò Công quảy can nhựa, vác cào, lục đục xuống vỏ máy, xếp gọn gàng. Ông Huỳnh Êm cho vỏ lãi quay đầu, phóng ra phía biển.
Ông Tư Mù kè vào tai nói lớn: “Bây giờ, phải đi xa, gần 20 cây số mới có ốc móng tay để mò. Bãi Bồi bây giờ cho thuê hết rồi, rào lại nuôi sò huyết, không cho dân đến mò cua bắt cá nữa”.
Ông Tư Mù đưa bàn tay chai sạn, chi chít vết thương mới chồng vết cũ. Ông đưa ngón tay cong queo, nói rằng bị cá ngát đâm nhức thấu xương mấy năm trước. “Dân ở đây, bãi biển có con gì ăn được, bán được, có tiền mua gạo là bắt. Trước đây, tôi giăng lưới cá, mò sò huyết, thụt cá ngát… trên Bãi Bồi đã mấy chục năm rồi” - ông Tư Mù nói.
Vậy mà, hàng ngàn hộ sống ven Bãi Bồi Mũi Cà Mau chết danh “ngư tặc” khi Bãi Bồi bị giao khoán, cho thuê.
Ông Tư Mù mang dụng cụ ra biển với bạn chài.
Lặn hụp kiếm cái ăn
Chiếc vỏ lãi chở đầy, dừng lại, cắm sào, buộc dây. Ông Tư Mù móc trong can nhựa đôi vớ chân, vớ tay: “Dưới mặt đất nhiều mảnh thủy tinh, vỏ hàu, dễ đứt chân, đứt tay lắm”. Ông tròng sợi dây qua đầu, kéo xuống đến ngang hông, đầu kia buộc vào can nhựa thả trôi. Ông lò mò, vịn mé vỏ, ùm xuống nước.
Ông Huỳnh Êm nhấc chiếc cào ốc móng tay có cán bằng cây gỗ đước, đầu cào bằng thanh gỗ vuông, có hàng răng bằng sắt tròn, dài hơn sải tay người. Ông Tư Mù cho rằng, biển sâu nên không đủ sức đẩy ngược, phải nương xuôi theo dòng nước. Cán cào tì vào ngực, răng cào sát đáy biển, gặp mô nhô lên là nơi ốc móng tay đào hang”.
Ông Tư Mù lặn xuống, ngoi lên, vài lần mới bắt được con ốc móng tay bằng ngón chân cái. Ốc móng tay vỏ mền, đào hang sâu. Ông Tư Mù nói: “Dò tìm có hang, lặn xuống, thọc cả cánh tay mới gặp. Có khi phải đào hang rộng ra, chui đầu vô, tìm mãi mới bắt được. Con ốc móng tay nghe tiếng động, chui sâu lắm”.
Ông Nguyễn Văn Chính đi mò ốc móng tay ở gần nói: “Anh em chúng tôi dùng máy bơm hơi để lặn mò sâu, bắt được nhiều hơn. Còn ông Tư Mù chỉ lặn bằng hơi miệng, bắt được ít hơn vì ông ấy già yếu và không có máy bơm hơi để lặn”.
Nước lớn dần, sóng biển đánh qua khỏi đầu, anh Huỳnh Êm kêu mọi người trở lại xuồng máy. Hôm nay, ông Tư Mù mò được hơn chục con móng tay, vừa nhỏ vừa lớn. Chiếc vỏ của Huỳnh Êm tấp vô vựa hải sản ở cửa biển Gò Công. Bà chủ vựa phân loại, cân kéo, tính tiền, đưa cho ông Tư Mù 90 ngàn đồng.
Ông Tư Mù đưa 20 ngàn đồng cho anh Huỳnh Êm nhưng bị nhét lại vào túi ông. Ông Huỳnh Êm nói với lão Tư Mù: “Lâu lâu, miễn một chuyến, về mua trà uống cho đỡ lạnh”.
Ở cửa biển Gò Công, bà con kết thân trên những chiếc xuồng máy để “hái lượm” ven rừng phòng hộ và lặn hụp trên biển Bãi Bồi vừa đỡ tốn chi phí, vừa có bầu bạn. Ông Huỳnh Êm tâm sự: “Anh em đi chung xuồng máy đều quan tâm đến nhau. Nhưng vẫn quan tâm ông Tư Mù nhiều nhất”.
Những người bạn chài ông Tư Mù sợ giữa biển, trong đêm tối, không may ông Tư Mù rơi xuống lạch sâu, nước chảy xiết hoặc giông gió thất lạc… Nhưng ông Hai Thanh nói về ông Tư Mù: “Ông Tư Mù tinh ý, sáng dạ, đi vài lần là ông thuộc lòng biển trong đầu. Dường như, bàn chân ông có mắt!”.
Những năm gần đây, ốc móng tay xuất hiện ở vùng bãi bồi Cà Mau có mảnh vỏ mềm, thịt dầy, thơm ngọt, thành món khoái khẩu thực khách. Các chủ vựa hải sản ở cửa Gò Công mua ốc móng tay cỡ ngón tay cái hơn 100 ngàn đồng/kg và loại bằng ngón chân cái hơn 200.000đồng/kg. Món ốc móng tay luộc nước dừa, hấp gừng, nướng mỡ hành ngon ám ảnh.
Chuyện tình ông Tư Mù
Quần áo ướt mèm, ông Tư Mù vác cào, xách can nhựa, rảo bước trên đường nhỏ Khu tái định cư Gò Công. Ông có vẻ tự tin: “Cái xóm này, có khoảng 60 gia đình, tôi muốn ghé nhà ai là trúng phóc. Có khi nghe tiếng chủ nhà, có khi đi riết thành quen!”.
Ông Tư Mù trở về nhà sau một ngày lặn hụp trên biển. Ông giục cô gái út tên Hồ Kim Mau, 13 tuổi, đang học lớp 5, mau mau nấu nước pha trà. Bà Lê Thị Mỹ đã 55 tuổi, bán khoai chiên, trông cháu ngoại cho con đi làm ăn. Khát khao vượt qua số phận, ông đặt tên ba con gái là Nhanh, Lẹ, Mau.
Ông Tư Mù kể rằng, quê vợ chồng ông ở xã Hưng Phú (Phước Long, Bạc Liêu), trôi dạt về cửa Gò Công hơn 30 năm rồi, bằng nghề đi biển ven bờ và làm thuê. Ông Hai Hùng - người hàng xóm cũng là thông gia với ông Tư Mù nói: “Anh Tư Mù khéo tay, ai mướn gì làm cũng khéo, từ vót đũa, làm thợ mộc, lợp nhà lá…”.
Ông Hồ Văn Bỉ kể rằng, hồi còn nhỏ, mắt ông Tư vẫn sáng, nhưng khi lớn lên, hơn mười tuổi, mắt mờ, rồi mù lòa. Nhà nghèo, đông anh em, ông theo bạn bè, người lớn xuống sông, ra mé biển mò cá mưu sinh.
Ở cùng quê, cô thôn nữ Lê Thị Mỹ, chỉ giàu hơn ông đôi mắt đem lòng thương. Ông Tư Mù cười rất tươi: “Nhà báo nghĩ coi tôi mù mà dám cua bà Mỹ không? Thật ra, tôi chủ động cưa cho đến ngã vào lòng nhờ tiếng đờn, giọng ca vọng cổ. Tôi học đờn, học ca vọng cổ từ nhỏ nhưng bây giờ lội xuống biển, vào rừng riết rồi quên ráo”.
Bà Lê Thị Mỹ liếc nhìn yêu ông, nói: “Cũng tại mê vọng cổ nên mới trao đời cho ông. Cái quí của chồng tôi là chịu thương, chịu khó, thương vợ thương con”.
Nghe người ta đồn ở Bãi Bồi xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) có nhiều tôm cá, vợ chồng ông khăn gói đến dựng chòi, kiếm sống. Không được bao lâu thì khu chòi tạm bị giải tỏa. Không nhà, không đất, vợ chồng được xét chọn đưa vào Khu tái định cư Gò Công cho đến bây giờ.
Bao nhiêu năm mưu sinh nơi cửa biển, cũng là bấy nhiêu năm ông chỉ biết phó mặc sinh mạng mình cho... biển. Ông Tư kể: “Trước đây, tôi lặn lội trên Bãi Bồi nhiều hơn ở trên bờ. Còn bây giờ phải đi xa mới kiếm ăn được. Khổ nhất là những lần biển động. Tự động viên mọi người sống được là mình sống được”.
Hồi bão số 5 (năm 1997), ông Tư Mù suýt bỏ mạng trên biển. Ông Tư Mù kể: “Trong cái rủi cũng có cái may, bão đến quá nhanh, tàu không kịp vô bờ, bị chìm. Tôi bám được cây trụ lưới, ôm chặt từ sáng đến tối. Sóng gió cứ tát nước vào mặt, đói, khát, lạnh cóng. Nghe tiếng tàu chạy bão đến gần, tôi cố sức kêu cứu, và được vớt”.
Chuyện ông Tư Mù đi biển, gặp nạn trên biển, sống sót vô số lần. Nhưng trời sinh, trời dưỡng. Cứ vậy, ông Tư Mù không thể rời biển. Cuộc đời ông Tư Mù giống như cây mắm bám bãi bồi Mũi Cà Mau để ngoi lên, vượt qua tăm tối, sóng gió giữa đời thường.
Bình luận (0)