Với dân bản địa, dơi về chính là điềm lành cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng cũng vì mưu sinh phải đi quét phân dơi mà nhiều người đã bỏ mạng ở đây trong nhiều năm qua. Cho đến nay, sự sợ hãi đó vẫn ám ảnh người dân trong làng.
Tai nạn liên tiếp ập tới
Qua những đoạn đường đất đỏ thùng vũng, hai bên toàn cây thuốc lá, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Hang Dơi. Đứng ở dưới con đường đất đỏ nhìn về phía dãy núi đá vôi, chúng tôi thấy cửa Hang Dơi hình bán nguyệt với khoảng tối om sâu thăm thẳm.
Theo dân bản địa ở đây, dơi bay về trú ngụ ở hang từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch hàng năm. Cùng với dơi, trong hang có cả nhạn. Hiện nay, Hang Dơi được xem là điểm tập kết đàn dơi lớn nhất miền Bắc. Mỗi khi nhìn thấy dơi bay đen kịt ở khu cửa hang, người dân Đồng Sinh lại cảm thấy phấn khích, bắt đầu một vụ mùa màng, làm ăn mới để mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Anh Lê Văn Hoàn, một người dân cho chúng tôi biết: “Lên Hang Dơi phải tìm gặp được ông cai hang để lấy chìa khóa. Nhưng gặp được ông này khó lắm, vì ngoài việc trông hang ra thì nhiều hôm ông ấy còn hành nghề lái xe chở hàng thuê khắp nơi”
Lần theo sự chỉ dẫn của dân bản địa, cuối cùng chúng tôi đã tìm được ông Hà Văn Dũng, người cầm chìa khóa mở cửa hang. Ông Dũng cho chúng tôi biết: “Do đàn dơi bay về hang nhiều, nên suốt 6 tháng trong năm chúng thải ra một lượng phân cực lớn. Phân dơi rất tốt, có giá trị sử dụng cao nên đã trở thành nguồn lợi kinh tế cho bà con địa phương”. Từ những năm 1950-1965, người ở Đồng Sinh đã biết đi quét phân dơi về sử dụng và bán lấy tiền. Trong kháng chiến chống Mỹ (1967-1975), Hang Dơi trở thành điểm cất giữ vũ khí của Bộ Quốc Phòng, nên người dân không được vào khai thác phân dơi nữa.
Sau chiến tranh, dân Đồng Sinh quay trở lại hang để quét phân dơi. Từ già đến trẻ, trai hay gái đều xách bao, quang gánh, chổi… lên Hang Dơi hành nghề. Thậm chí có người bắt được dơi, nhạn về làm thịt ăn thấy ngon đã mách mọi người cùng làm theo.
Nhưng nếu chỉ quét ở bãi đất bằng phẳng do Bộ Quốc Phòng đã san để tập kết vũ khí khi xưa thì chắc chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngược lại, nhiều người còn đua tranh nhau trèo lên các vách đá, hoặc xuống vực sâu ở khu hang ngầm để quét phân, bắt dơi. Họ trèo lên vách đá mà không hề có dây an toàn, mà chỉ bằng vài ống giang gác vào khe đá làm điểm bám tay.
Cửa Hang Dơi nhìn từ xa.
Ông Dũng nhớ lại: “ Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đó tôi còn nhỏ nên chưa dám đi hang, nhưng tôi thấy mọi người kể lại rằng, để tranh nhau ít phân dơi mà họ sẵn sàng vào hang từ 4 giờ sáng. Việc trèo leo trong điều kiện tối tăm và không gian như vậy quả rất nguy hiểm.” Để bắt dơi, nhạn, có người đã liều mạng trèo lên tận những vách đá cao gần 100m so với nền hang. Ông Dũng bảo rằng ngày ấy dân Đồng Sinh nghèo khó, vì kế sinh nhai nên cũng đành liều mạng.
Điều gì đến, ắt sẽ phải đến! Những cái chết do tai nan khi đi lấy phân, bắt dơi, nhạn của người Đồng Sinh lần lượt ập tới.
Trong căn nhà ngói đơn sơ, ông Ban Văn Mình (SN 1944) một chứng nhân sống của những vụ tai nạn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện. Ông Mình và anh Dũng chính là 2 người đàn ông Đồng Sinh được chứng kiến hoặc nghe đầy đủ nhất về những lần tai nạn chết chóc ở Hang Dơi.
Trên gương mặt buồn bã phảng phất nỗi sợ hãi khi được hỏi về chuyện cũ năm xưa, ông Mình nghĩ ngợi đôi lát rồi kể: “ Cách đây 53 năm, vào năm 1964, ở Hang Dơi đã xảy ra vụ tai nạn ghê rợn cướp đi sinh mạng của 5 người Đồng Sinh trong cùng một lần vào quét phân. Ngày ấy, 5 người vào hang còn rất trẻ tuổi, có cả trai lẫn gái. Trong hang có một khu gọi là Hang Cháy (bởi ở đây có rất nhiều phân, người ta mang lửa lên đốt thì phân bùng cháy, do đó mới có tên như vậy). Khi 5 người này xuống khu Hang Cháy quét phân thì bất ngờ một tảng đá khổng lồ sập xuống.”
Ông Mình mô tả tảng đá to bằng cả căn nhà, giống hệt như một cái cánh cửa đóng sập miệng khu Hang Cháy lại. Cả 5 người bị thương nặng và không còn cách nào ra được nữa, chỉ có duy nhất một khe nhỏ đủ đút cây giang vào. Người nhà của họ đã đục thông một ống giang rồi đổ cháo chảy theo thân cây xuống cho người bị nạn. Đến khi cả 5 người gặp nạn ấy không còn động đậy và ăn được cháo nữa thì có nghĩa họ đã chết.
Ông Mình cho biết ngày ấy lên đến cửa hang còn phải trèo, chẳng có kích, khoan hay những phương tiện phá đá hiện đại như bây giờ. Chính vì vậy cầm cự trong hang tối khi bản thân bị thương được vài ngày thì cả 5 người đã vĩnh viễn ra đi một cách đau thương.
Ông Mình nhớ lại những vụ tai nạn.
Khu Hang Cháy chính là mồ chôn chung của 5 mạng người Đồng Sinh. Ông Dũng cho biết thêm, hiện nay khi vào khu vực Hang Cháy vẫn còn thấy ống giang đã mục nát, chính là vật dùng để đút cháo cho những người gặp nạn năm xưa. Vì rất nguy hiểm, đá có thể sập bất cứ lúc nào, nên khi chúng tôi có ý định vào đó xem thì ông Dũng đã khuyên ngay là không nên.
Sau 5 cái chết đau thương ấy, từ năm 1976 đến 2000, đã có thêm 17 sinh mạng khác của làng Đồng Sinh cũng lần lượt tử nạn ở Hang Dơi. Những cái tên lần lượt được ông Mình và ông Dũng kể ra một cách đau xót. Năm 1976, bà Nguyễn Thị Báu và ông Dương Văn Thanh là những người đi lấy phân và cũng vĩnh viễn không quay về. Liền sau đó là những cái tên khác như: Ông Thái Nhang, bà Quy, ông Sim, anh Thành Vắp, anh Kín, anh Đảy Dương, ông Tiến, anh Quảng….
Điều kỳ lạ là các vụ tai nạn ở Hang Dơi cướp đi sinh mạng của người Đồng Sinh đều vào các năm nhuận dương lịch (như 1964, 1976, 1980, 1984, 1988,…). Kể về một vụ tai nạn ghê rợn mà người chết cũng trẻ tuổi nhất trong số những người đã tử nạn, ông Dũng nhớ lại: “ Năm 1992, anh Quảng, người ở thôn Đồng Sinh, lúc đó mới 17 tuổi đã rủ 2 người bạn treo lên vách đá ở độ cao khoảng 70m so với nền hang để bắt dơi, nhạn. Khi trèo đến vách đá ở gần vị trí tổ dơi, nhạn, thì bất ngờ mỏm đá anh Quảng đang bám tay bị lở ra. Toàn bộ cơ thể anh Quảng rơi xuống như một vật thể tự do không kiểm soát. Nhưng trước khi cơ thể anh Quảng đập xuống nền, anh còn bám được vào một mỏm đá khác trên vách khoảng 20-30s, nhưng không đủ sức để ngoi lên nữa.”
Còn trường hợp của bà Lý Thị Quy và ông Thái Nhang thì đi quét phân từ sáng sớm, nhưng đến tận đêm khuya vẫn chưa thấy về, người nhà lên hang tìm thì bàng hoàng thấy họ bị ngã từ trên cao xuống, chết trong tư thế ngồi. Ở một vụ tai nạn khác vào năm 1984, chính ông Mình đã đích thân vào đào phá tảng đá vùi lấp để lấy xác ông Thành Vắp ra. Nhớ lại khoảng khắc kinh hoàng đó, ông Mình kể: “ Ông Thành Vắp đã bị một tảng đá lớn sập đè lên người, khi chết người trong tư thế nghiêng, tay vắt qua cổ. Tôi và người em trai của ông Thành Vắp cùng dân làng đã phải đục cậy tảng đất cứng chắc ấy trong 1 ngày mới lôi được xác ra”.
Ông Dũng cho biết sau vụ tai nạn gần đây nhất vào năm 2000, chính quyền địa phương để tìm ra cách thức quản lý và khai thác phân dơi ở hang hiệu quả, an toàn hơn. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, chủ tịch UBND xã Tân Lập: “Khi sau xảy ra hàng loạt những vụ tai nạn thương tâm cướp đi mạng sống nhiều người ở Hang Dơi, chính quyền địa phương đã quyết định làm hợp đồng giao do ông Hà Văn Dũng trông coi, quản lí việc lấy phân được an toàn, quy củ hơn. Để bảo đảm người dân không tranh nhau lấy phân nữa, chính quyền ở thôn Đồng Sinh, và xã Tân Lập đã thống nhất làm rào cửa hang bằng tre để đóng mở và giao chìa khóa cho ông Dũng”. Vì thế từ năm 2001 đến nay, người dân không còn được tùy tiện vào hang để quét phân dơi nữa. Đến mùa dơi về trú ngụ, hàng ngày ông Dũng sẽ lên hang mở cửa từ 7- 9 giờ sáng cho người dân vào quét phân. Ông Dũng và chính quyền thôn cũng sẽ trực tiếp giám sát suốt 2 tiếng đồng hồ khi dân quét phân, để đảm bảo chỉ cho họ làm việc ở những chỗ an toàn.
Sau khi người dân quét xong và phân được tập kết tại khu gần cửa hàng thì vợ chồng anh Dũng lại trực tiếp cân đong, bao tiêu hàng và trả tiền công cho người dân.
Hài cốt bí ẩn
Ngoài khu Hang Cháy ra thì ở Hang Dơi còn có khu gọi là Lản và Đu. Đu chính là những vị trí trên cao, ngày trước dân phải dùng cây giang gác vào vách đá để leo lên. Còn Lản có thể hiểu nôm na là chia vùng để quét phân, người dân tự bàn tính chia ra thành các Lản để hành nghề. Chính vì thế ông Mình kể rằng: “Lản của bà Báu thì bà Báu chết ở đó, Lản ông Thanh thì ông Thanh chết…” Nhưng hiện nay ở trong Hang Dơi, ngoài 5 người tai nạn chết không lấy được xác ra thì vẫn còn một bộ hài cốt nữa ở trên Đu.
Ông Dũng, người đã từng trèo lên Đu vài lần nhớ lại: “Lần đầu tiên trèo lên Đu ở độ cao gần 100m so với mặt nền nhìn thấy bộ hài cốt tôi đã sợ chết khiếp, dù trước đó đã biết thông tin qua lời kể của mọi người trong làng.
”Quanh bộ hài cốt này vẫn còn những lời đồn trái ngược. Ông Mình cho biết: “Người ở Đồng Sinh bảo hài cốt đó là ông Phóng nào đấy, nhưng làng cũng chẳng biết ông Phóng này là ai, người ở đâu. Ngày trước dân tin truyền tai nhau câu chuyện về một người đàn ông nghiện thuốc phiện. Người đàn ông này khi đi lấy phân đã trèo vách đá đến Đu thì lên cơn nghiện và bỏ mạng trên đó. Cơ thể kẹt vào vách đá, không rơi xuống được chính vì vậy hài cốt mới ở Đu cho đến ngày nay. Cũng chẳng có ai là thân nhân của người xấu số đến nhận để mang về an táng. Sau này người làng gọi ông ấy là ông Phóng”.
Ông Dũng hay một vài người giỏi leo trèo khác đã lên được đến Đu cũng không dám mang hài cốt người xấu số đó xuống. Bởi họ đều sợ nếu động vào hài cốt chẳng biết có được linh hồn người quá cố đồng ý hay không, có khi lại bị tai họa ập xuống đầu mình.
Bình luận (0)