Dòng chữ ấy được đắp nổi trên nền tường xi măng, đến nay đã lộ rõ dấu thời gian. Thử gõ tìm từ khóa "Imprimerie de l’Ouest" trên Google, hầu nhưng không có thông tin, nhưng trên mạng xã hội, nhiều du khách nước ngoài đã chụp mái nhà có dòng chữ ấy và gọi là những "dấu xưa" ở Cần Thơ, dù họ chưa thật am tường.
"Imprimerie de l’Ouest" có thể hiểu là "Nhà in Miền Tây" và ngôi nhà có dòng chữ ấy chính là trụ sở của Nhà in Miền Tây, ra đời vào năm 1911, vào hàng sớm nhất ở miền Tây Nam bộ. Chủ trương thành lập nhà in là luật sư người Pháp - Gallois Montbrun, có văn phòng đặt tại Cần Thơ, cùng với một nhóm người Việt học thức như Võ Văn Thơm, Trần Đắt Nghĩa, Lê Quang Chiểu, Phạm Bá Đại… Theo nhiều tài liệu, Nhà in Miền Tây chuyên in sổ sách, giấy tờ, tờ quảng cáo… cho các cơ quan công quyền và tư nhân, dần dà làm ăn được, nổi tiếng khắp vùng.
Mái nhà có dòng chữ “Imprimerie de l’Ouest” hiện tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều. Ảnh: Duy Khôi
Xin nêu ra đây vài ấn phẩm do “Imprimerie de l’Ouest” ấn tống đã sưu tầm được. Như chúng ta đã biết, cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, người làng Long Tuyền, ngoài được biết đến là một vị quan thanh liêm, chính trực, còn là một nhà thơ, nhà soạn tuồng tài hoa.
Nổi tiếng nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông là tuồng “Kim Thạch kỳ duyên”, đánh dấu bước ngoặt cho sân khấu tuồng cuối thế kỷ XIX. Bổn tuồng này được in lần đầu vào năm 1895. Chúng tôi sưu tầm được bìa một quyển in bổn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” vào năm 1933, dưới chân bìa sách đề rõ “Cantho - Imprimerie de l’Ouest - Nhà in An Hà, 1933”. Giá cho quyển in bổn tuồng này là 0$80. Bìa sách được thiết kế trang nhã, không cầu kỳ nhưng nhìn rất hiện đại.
Bìa quyển in bổn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” do “Imprimerie de l’Ouest” ấn tống. Ảnh tư liệu
Trước đó 11 năm, vào năm 1922, Imprimerie de l’Ouest (Cantho) có ấn hành một bộ tiểu thuyết 4 tập của tác giả Nguyễn Thành Long với tên gọi "Lỗi bước phong tình" hay "Chuyện cô Ba Jeannette". Những minh chứng này cho thấy, ngoài in sổ sách, giấy tờ thì mảng văn học - nghệ thuật cũng được Nhà in Miền Tây đặc biệt chú ý.
Chúng tôi tìm thấy trong tờ báo Phụ Nữ Tân Văn, số 111, ra ngày 2-12-1931, có đăng một mẩu quảng cáo với tựa đề "Sách hữu ích nên mua". Nội dung như vầy (nguyên văn, chính tả): "Mấy ông Hương- chức Hội- tề trong làng, muốn rõ các Lề- luật dạy về việc cai trị làng, tổng Annam trong Nam- kỳ yên (có lẽ là "nên" nhưng lỗi mo-rat- PV) mua "TÂN- THƠ- TỔNG- LÝ- QUY- ĐIỀU" của ông Ernest Outrey, cựu Chánh Tham- biện, đã dịch ra quốc- ngữ rõ ràng. Giá mỗi cuốn 4p.10. Phụ thêm tiền gởi 0.34. Ai muốn mua xin do nơi nhà in An- hà (Imprimerie de l’Ouest) Cần thơ". Qua đây cho thấy, bên cạnh đa dạng các thể loại ấn phẩm, "Imprimerie de l’Ouest" còn biết cách tiếp thị, quảng cáo để ấn phẩm được công chúng ủng hộ.
Có nhà in, nhóm thành lập "Imprimerie de l’Ouest" nghĩ ra phải có một tờ báo của địa phương nên cùng trong năm 1911 đã cho ra đời tờ Le Courrier de l’Ouest (Bản tin Miền Tây), viết bằng tiếng Pháp. Tờ báo gồm 2 trang khổ nhỏ, mang nghĩa tuần tin nhưng chuyện xuất bản khá thất thường. Báo chủ yếu đăng các bố cáo, tin tức hoạt động về hành chính, thương mại, canh nông, kỹ thuật, giao thông, các sự kiện diễn ra trong nội địa Cần Thơ và miền Tây Nam bộ. Tờ báo bán giá 3 đồng cho khách hàng mua cả năm, và 2 đồng nếu mua 6 tháng.
Một mẩu tin quảng cáo về sách bán tại “Imprimerie de l’Ouest” đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn. Ảnh tư liệu
Sau đó, nhóm bằng hữu mà đứng đầu là ông Võ Văn Thơm lại đứng ra vận động những người có học thức, tâm huyết và tiến bộ thành lập tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Tây Nam bộ, lấy tên An Hà Nhựt Báo. Năm 1917, An Hà Nhựt Báo ra đời. Chỉ nghe tên gọi, không khó để nhận ra kỳ vọng của nhóm thành lập là làm nên một tờ báo ngày tầm cỡ khu vực.
Nhưng vì nhiều lý do mà cuối năm 1917, An Hà Nhựt Báo đã đổi tên thành An Hà Báo, kéo dài đến năm 1933. An Hà Báo ra vào chiều thứ bảy hằng tuần, có khi dời qua chiều thứ năm, phát hành rộng rãi ở Cần Thơ và nhiều địa phương vùng Tây Nam bộ với giá 5 đồng mỗi năm, mua 6 tháng thì giá là 3 đồng.
Theo nhiều tài liệu, năm 1932, luật sư Gallois Montbrun về nước, tờ An Hà báo dần suy yếu và cuối cùng là đình bản. Nhà in An Hà sau đó đổi tên là An Hà Ấn Quán, vẫn tiếp tục hoạt động cho đến sau ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công.
Hiện nay "Imprimerie de l’Ouest" - một dấu xưa còn lưu giữ trên đất Cần Thơ.
Bình luận (0)