Quê tôi, xưa kia có địa danh xóm "Lò Mo". Theo bà nội kể lại, hồi đó, quê tôi có một cái lò đường thủ công lợp tranh. Khi mái tranh hư dột nhiều chỗ, chủ lò chưa kịp thay mái mới, nên lấy mo cau chèn vào để chống dột. Thấy vậy, nhiều người có ý trêu chủ lò và nói "Lò này phải gọi là lò mo". Từ đó, cái xóm có lò đường có biệt danh "Lò Mo". Mo cau không chỉ để chèn mái nhà chống dột hay làm quạt, nội tôi còn dùng làm rất nhiều việc khác nữa.
Bà nội tôi nghiện ăn trầu từ thời còn trẻ. Ông tôi đã lập một vườn cau và trồng trầu phía sau nhà. Cau, trầu một mình bà nội ăn không hết, có khi bà kêu tôi đem bán lấy tiền mua sách vở. Trồng cau lấy trái là chuyện tất nhiên, nhưng tàu cau khô thì nội cũng không bỏ tàu nào. Mỗi lần có tàu cau khô rụng xuống là nội lom khom đi lượm. Sau đó, nội lấy dao chặt ra 2 phần. Phần lá nội để dành bó chổi. Còn mo cau, nội đem rửa sạch, phơi khô.
Phơi xong đem vào xếp chồng lên nhau rồi kiếm vật nặng dằn lên cho mo thẳng. Kế đến, nội cắt mo làm quạt cung cấp cho mỗi người trong nhà một cái. Không chỉ cho người trong nhà, nội còn lựa những chiếc mo tốt, cắt quạt biếu cho nhiều người trong xóm. Bà chỉ cho không, chớ không đổi chác gì cả. Nếu bà chịu đổi mỗi chiếc quạt một "nắm xôi" (như trong chuyện Thằng Bờm), có lẽ anh em tôi được ăn xôi đã đời.
Nhớ mo cau của nội
Mỗi năm vào mùa mưa, nội thường nhắc ba xem lại mái nhà, chỗ nào dột thì lo lấy mo cau mà chèn. Nội hào phóng kêu bà con hàng xóm, nhà nào bị dột thì đến nội cho mo cau về chống dột. Hồi đó, mỗi khi ba tôi ra đồng làm mướn, nội lấy mo cau dỡ cơm cho ba (mẹ tôi mất sớm, ba và anh chị em tôi ở chung với bà nội).
Ngày nào anh em tôi cũng lội bộ đi học trường làng hai buổi. Sợ cháu đi về vất vả, nội dậy sớm nấu cơm rồi dỡ vào mo cau cho anh em tôi mang theo để ăn nghỉ buổi trưa. Nội thường dùng mo cau để gói lương thực, thực phẩm lén lút tiếp tế cho các anh du kích những khi các anh bám trụ chiến trụ chiến đấu. Hay mỗi khi các anh đột nhập vào ấp chiến lược, nội cũng lấy mo cau gói cơm cho các anh mang đi.
Khi nhà "cực ăn" (không có thức ăn để ăn cơm), anh chị em tôi hay đòi nội làm cơm vắt. Nội nấu nồi cơm nhão. Khi cơm chín, nội lấy mo cau rửa sạch và làm mo mềm. Rồi nội đổ cơm vào mo, túm chặt lại và nhồi cho cơm nhừ và quến chặt lại, dẻo như bột. Sau đó, nội lấy dao cắt ra từng miếng cho anh chị em tôi ăn với muối tiêu trộn đường. Anh chị em tôi ăn ngon lành. Hồi đó gần nhà tôi có cánh đồng ruộng lầy rất nhiều cá. Vào mùa nước cạn (khoảng tháng Chạp, tháng Giêng, tháng Hai âm lịch) bà con quê tôi khai ruộng bắt cá. Anh chị em tôi rủ nhau đi bắt hôi.
Để có chỗ đặt cái đụt đựng cá không bị ngập trong bùn, hay lúc nào cũng phải mang kè trên người, vừa nặng vừa khó bắt cá, nội lấy mo cau chầm cái "bầu đài" (cái đế) tròn. Mỗi khi anh em tôi đi bắt cá, nội lấy "bầu đài" cột chặt vào đít đụt cho tụi tôi mang đi. Ngày ấy trên cánh đồng và dưới các dòng suối gần nhà tôi cá đồng rất nhiều. Vào mùa nước cạn, ba tôi đi đổ chà, kéo lưới, anh chị em tôi thì đi bắt cá hôi.
Cá ăn không hết, nhà ai cũng có, bán ít ai mua, nên nội làm mắm đồng (mắm cá đồng). Mỗi khi làm mắm, nội lại cắt mo cau làm nắp lu gài mắm. Không chỉ gài mắm nhà, nội còn cắt mo cau giúp bà con hàng xóm gài mắm như nội. Quý mo cau lắm, nhưng nội cũng không quên bày trò kéo tàu cau cho anh chị em tôi chơi. Nội lựa tàu cau xấu xấu, cắt bớt lá rồi chỉ anh em tôi thay phiên nhau đứa ngồi trên mo, đứa nắm tàu lá khom lưng làm phu kéo xe. Vào những buổi chiều đẹp trời, xe tàu cau được anh chị em tôi kéo sền sệt trên sân nhà...
Nội tôi mất lâu lắm rồi, vườn cau của nội cũng bị phá bỏ từ lâu để nhường chỗ cho con cháu xây nhà. Bây giờ ở vài nơi, tôi thấy có người còn giữ vườn cau. Người ta giữ cau để bán trái cho những tiệc cưới hỏi. Nhưng chắc không còn ai lấy mo cau làm quạt vì nhà nào cũng có quạt bàn, quạt trần; cũng không ai lấy mo cau chèn mái nhà, vì các nơi đâu còn mái tranh dột nát nữa. Và chắc cũng không còn ai dùng mo cau làm nhiều vật dụng khác như nội tôi đã từng làm lúc sinh thời...
Bình luận (0)