Đặt cá heo trên đồng lũ
Hôm ghé chợ “âm phủ” vào tờ mờ sáng, gặp anh Nguyễn Văn Lượng, ngụ xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên) đang tát nước đục để bắt cá heo. Chúng tôi đứng xem anh Lượng cân cá heo cho bạn hàng còn thấy mê, huống hồ tận mắt xem anh đi đổ lọp. Hôm sau, đúng hẹn tại đầu kênh Tha La, chúng tôi cùng cha con anh Lượng bắt đầu một chuyến hành trình đi đổ lọp cá heo đêm tại cánh đồng Tịnh Biên.
Bơi đến đoạn nước chảy mạnh, xuồng của anh Lượng và xuồng của ông Nguyễn Văn Tòng (Năm Tòng) chia nhau ra tìm chỗ để đặt. Theo xuồng anh Nguyễn Văn Lượng đến đoạn kênh Tha La, ở đó có những chiếc lọp đã được đặt sẵn từ đêm hôm trước.
Để định vị cho những cái lọp trong quá trình đi thăm không bị lạc mất, anh Lượng cột một chiếc phao. Khi đi thăm lọp chỉ cần nắm chiếc phao rồi phân dây kéo chiếc lọp lên. Ban đầu tôi cứ tưởng, cá heo chạy mỗi chiếc lọp chỉ vài con, nào ngờ khi anh Lượng kéo chiếc lọp lên đã thấy khoảng nửa ký cá heo.
Cá heo nước ngọt thường xuất hiện vào mùa nước nổi (khoảng tháng 7 đến tháng 11 âm lịch) ở những nơi nước chảy mạnh. Cá mình giẹp, to nhất cỡ 3 ngón tay người lớn, dài độ chừng 1 tấc, màu xanh nhạt, da láng, không vảy. Đuôi, vây, kỳ cá màu đỏ cam rất đẹp.
Sở dĩ cá có tên gọi như thế vì khi lặn dưới nước, hoặc đem cá lên bờ, ta nghe phát ra âm thanh lục ục… èng ẹc. |
Thấy cá heo chạy, anh Lượng mừng ra mặt: “Tối nay, cá chạy kiểu này chắc đầy khoang xuồng. Mỗi đêm, tôi đặt đến 50 cái lọp khắp cánh đồng. Đặt cá heo cũng dễ nhưng quan trọng phải có mồi.
Cá heo mê nhất là mồi gạch cua, mỗi lần thăm lọp xong, mình phải tét đôi khoảng 5 con cua cho vào cái lọp. Nhưng bí quyết đặt lọp cá heo trúng hay thất còn tùy thuộc vào việc chọn chỗ và xoay đít hom lọp theo hướng phù hợp thì lọp mới chạy cá…”.
Đặt cá heo trên đồng lũ
Theo nghề đặt lọp cá heo trên 20 năm nên ông Năm Tòng biết rất rành về cái nghề của mình. Ông cho biết: “Hồi đó cá heo nhiều vô kể, dân nghèo chủ yếu đánh bắt bằng chài, lưới. Mấy năm gần đây, nhiều người đã dùng xung điện đánh bắt theo kiểu tận diệt dẫn đến nguồn cá giảm dần, mặt cá heo cũng ít đi.
Có năm, cá heo mất dạng, đặt lọp không chạy đành phải treo lọp mãn mùa nước. Nhưng năm nay, cá heo xuất hiện khả quan hơn. Thông thường cá heo thích trú ngụ tại những nơi nước chảy xiết. Đặc biệt tại đoạn kênh Tha La, Trà Sư nước chảy cuồn cuộn nên cá heo ở nhiều.
Khi đặt phải nhìn con nước chảy về hướng nào thì xoay đít hom xuôi chiều theo hướng đó. Nếu xoay đít hom ngược dòng nước chảy thì không có một con làm thuốc. Bởi lẽ, chỗ nước chảy xiết, cá heo từ đồng bắt nước mát lội ngược dòng về sông. Khi gặp “mồi bén” trong lọp, cá heo chui vào ăn thì bị dính lại…”.
Ông Năm Tòng còn cho biết thêm, từ đầu con nước giựt đến nay, mỗi ngày đặt khoảng 60 cái lọp tại tuyến kênh Trà Sư dính khoảng 10kg/ngày, cá biệt có đêm chạy đến 20kg. Riêng thằng con trai đặt 40 cái lọp tại kênh Tha La cũng dính khoảng chục ký/đêm. Bạn hàng chợ Châu Đốc cân với giá 60.000 đồng/kg, bỏ sở hụi kiếm cũng được vài trăm ngàn/ngày nên gia đình Năm Tòng có thu nhập ổn định.
Vài năm trở lại đây, do nguồn cá heo ngoài thiên nhiên bị cạn kiệt, nhiều hộ dân ở vùng đầu nguồn An Phú, Châu Đốc, Tân Châu còn đẩy mạnh mô hình nuôi cá heo trong lồng bè đem lại hiệu quả cao. Biết được gia đình Năm Tòng chuyên sống bằng nghề đặt lọp cá heo trong mùa nước nổi nên các hộ này đã tìm đến đặt mua cá heo giống.
Ngoài bán cá heo ở chợ, Năm Tòng còn lựa lại những con cá heo bằng đầu ngón tay để cân cho các hộ nuôi cá heo, mỗi ký 120.000 đồng. Năm Tòng bày tỏ: “Nuôi cá heo là hay lắm, một mặt đem lại lợi nhuận kinh tế cao, mặt khác bảo tồn gen quý hiếm trong tự nhiên. Năm nào, mấy ông nông dân ở vùng đầu nguồn cũng tìm đến tận gia đình tôi để mua cá heo giống. Loại cá này thích ăn tạp nên cũng dễ nuôi. Ngoài ra, tôi còn bán cá heo con cho các trung tâm giống thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL…”.
Lâu lắm rồi, ngư dân đi đặt lọp cá heo mới chạy nhiều như năm nay. Loại cá này, thịt rất thơm ngon và ngon nhất là khi chế biến thành món cá heo kho tiêu hoặc nấu canh chua ăn với cơm trong những tháng gió bấc thì còn gì bằng!
Bình luận (0)