Miền đất của những người con gái đẹp luôn có sức hút kỳ lạ với những lữ khách tình si. Vì thế, khát vọng được “chạm” vào một miền gái đẹp luôn khiến người ta rộn ràng, thổn thức, mê đắm. Nhưng giờ đây, để gặp được giai nhân giữa miền gái đẹp lại chẳng dễ chút nào.
1. Nói về miền gái đẹp, nhiều người nay rất ngại nhắc đến Tuyên Quang song vẫn không thể làm ngơ trước “chè Thái, gái Tuyên”. Đất gái đẹp ấy danh bất hư truyền từ lâu còn với người Tuyên Quang thì “niềm tự hào” ấy lại rất bình thường. Nếu giờ đây có một ai đó mò mẫm ở thành Tuyên hay những chốn thâm sơn cùng cốc của đất Tuyên Quang để tìm người đẹp thì dễ bị người dân nơi đây cười thầm trong bụng, cho là kẻ dở hơi. Tôi đã không dưới một lần “mò” vào tận xã Thượng Lâm, huyện Na Hang với niềm tin vào lời đồn “mận Hồng Thái, gái Thượng Lâm”. Nơi ấy được coi là cái rốn người đẹp của Tuyên Quang ắt phải có giai nhân. Tâm lý của những người mê cái đẹp, dù chỉ với mục đích để diện kiến, ngắm nhìn hay được hỏi chuyện vài câu, cũng đều rất nôn nóng, sốt ruột. Ông Ma Văn Khanh, người dân tộc Tày có vợ từng là hoa khôi của đất Thượng Lâm hơn nửa thế kỷ trước, cười khà khà: “Muốn biết gái Thượng Lâm đẹp thế nào, cứ ở lại đây vài hôm”.
Lò Thị Minh - người Điện Biên, Á hậu 1 cuộc thi Người đẹp các dân tộc Việt Nam 2013 - trong trang phục truyền thống của dân tộc Xinh Mun. Ảnh: Văn Thành Chương
Đất Thượng Lâm vừa heo hút vừa buồn vì cách TP Tuyên Quang tới hơn 100 km, nhưng những huyền tích về người đẹp nơi đây từ truyền thuyết 99 con phượng hoàng đậu trên núi hóa thành 99 ngọn núi hình phượng hoàng đến những cuộc thi nhan sắc thuở trước được tổ chức trên đất này vẫn là thứ quà tặng vô giá với lữ khách giang hồ. Tôi may mắn không phải ra về tay trắng vì đến ngày quyết định rời Thượng Lâm, tôi được gặp những cô cháu gái của vị chủ nhà cho tôi ở nhờ. Không khó để nhận ra vẻ đẹp nổi bật của những mỹ nhân tương lai, từ chiếc mũi dọc dừa, đôi mắt biết cười đến mặt hoa da phấn của các cô gái. Ông Khanh bảo: “Con gái lớn của tôi ở Hà Nội là bác của tụi nhỏ đây nói sẽ đưa chúng về thủ đô học tập cho có điều kiện tốt hơn”. Vậy là chỉ 2 năm nữa, đất này lại mất đi một số người đẹp!
Những trường hợp như vậy có nhiều ở Thượng Lâm, cái rốn người đẹp của đất Tuyên Quang, giải thích vì sao ở miền giai nhân giờ đây lại hiếm người đẹp đến như vậy. Ông Khanh khẳng định: “Không có chuyện mất mùa gái đẹp bao giờ, đất này lúc nào cũng sản sinh ra những mỹ nhân tuyệt sắc nhưng người ta có ở lại đây hay không thì lại là chuyện khác”.
2. Xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cũng là địa danh được coi là “thủ phủ” người đẹp của Tây Bắc. Những cô gái dân tộc Thái trắng ở vùng đất núi non trùng điệp này như những viên ngọc thô, đẹp tự nhiên và hoang dại. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo một lần đi qua đất này đã phải cảm thán trước vẻ đẹp của giai nhân: “Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu” (bài Gửi Lai Châu).
Nhiếp ảnh gia Văn Thành Chương là người đam mê săn tìm vẻ đẹp của các cô gái dân tộc trên rẻo cao Tây Bắc. Anh hào hứng: “Tôi đã gặp những cô gái sống ở các bản làng xa xôi. Những nơi ấy chưa hẳn là miền gái đẹp nhưng đàn ông thấy họ mà không mê mẩn mới lạ!”.
Nếu có dịp thượng sơn để đắm mình trong những bản làng vùng cao, bất cứ ai cũng có thể bị mê hoặc bởi hương sắc của sơn nữ chốn này. Chỉ có điều, rất ít giai nhân tuyệt sắc chọn quê hương mình để sinh sống, lập nghiệp. Lò Thị Minh - Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013, người dân tộc Xinh Mun, quê ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên - bảo với tôi: “Sau khi tốt nghiệp cao đẳng tại Hà Nội, chắc chắn em sẽ ở lại hẳn thủ đô để xin việc làm chứ không về quê. Ở Điện Biên, cơ hội cho những công việc mà em yêu thích gần như không có”.
Lò Thị Minh chỉ là một trong rất nhiều người đẹp thành danh ở lại thủ đô. Những người đẹp Tuyên Quang nức tiếng một thời như Á hậu Dương Thanh Chấn, Tô Hương Lan, Vi Thị Lan, Triệu Thu Trang, diễn viên Thu Hà, Mai Huê, phát thanh viên Tùng Lâm, Thu Hiền, Kim Tiến, người đẹp Minh Phương (Á hậu Việt Nam năm 1992), Thủy Hương (người phụ nữ được nhạc sĩ Dương Thụ ca ngợi là đẹp nhất Việt Nam)… cũng đâu có trở về quê hương Tuyên Quang. Khó mà trách những người đẹp khi họ có quyền mưu cầu cho mình những cơ hội công việc, tiến thân hay đơn giản là một tấm chồng tươm tất nơi đô thị.
Dẫu sao, người đẹp về thành thị sống và lập nghiệp cũng đáng được ủng hộ. Họ mang hương sắc từ nhiều vùng, miền tô điểm thêm cho vẻ đẹp của những thành phố lớn. Ngày trước cũng vậy và bây giờ cũng thế, đất kinh kỳ luôn là nơi hội tụ vẻ đẹp trăm miền.
3. Hầu như miền gái đẹp nào cũng gắn với những truyền thuyết lý giải vì sao con gái vùng ấy đẹp lạ thường. Đó cũng có thể là những câu chuyện lịch sử, những yếu tố tự nhiên, xã hội có thật được đưa ra nhằm tìm một câu trả lời biện chứng. Xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh nằm ngay dưới chân núi Yên Tử cũng là một địa chỉ về giai nhân. Người ta giải thích những cung tần mỹ nữ theo hầu vua Trần Nhân Tông đã theo đức vua lên núi tìm đường tu tập. Rất nhiều cung nữ đã trầm mình xuống dòng suối mà sau này mang tên là suối Giải Oan, trong số đó có vài người được người dân nơi đây cứu sống. Họ đã cưới chồng và sinh con đẻ cái ở vùng này để rồi mở ra một thế hệ người đẹp tiếp nối đến tận ngày nay. Giải thích này có vẻ có lý vì ở phía Tây núi Yên Tử có một địa danh là bản Mậu (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) cũng được coi là “bản người đẹp”.
Ở miền Bắc, nhiều địa danh như Mường Lè (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa), Nghĩa Bình (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) hay TP Hải Phòng… cũng tự hào là những cái nôi của mỹ nhân.
Bình luận (0)