“Chúa đảo” Hòn Đầm Đước sau 1975 là ông Phạm Văn Mực, Trưởng ấp Hòn Ngang, nên người xã Sơn Hải đều gọi hòn này là Đầm Ông Mực. Người ta gọi Hòn Đầm Đước vì mấy cái đầm trên hòn này có cây mắm, nhiều nhất là cây đước mọc - là nơi khách du lịch xăn ống quần tìm bắt hải sản phục vụ bữa tiệc dã ngoại của mình.
Hòn Đầm Đước rộng 12ha, là nơi được “du lịch hóa” tương đối bài bản với nhiều nhà nghỉ, mắc nhiều võng để du khách thư giãn ngắm cảnh. Con trai “chúa đảo”, Phạm Tô Hiền cho biết, nơi đây tổ chức du lịch đầu tiên vào năm 2007. Điểm này có 2 chiếc tàu du lịch hiệu Thủy Tài, chở tối đa khoảng 40 người/chuyến. Giá tàu từ cống Bình An (Kiên Lương) khứ hồi: 2,7 triệu đồng/20 người; 3,4 triệu đồng/trên 20 người; 100.000 đồng/người/trên 40 người. Nghĩa là càng đi đông giá tiền càng rẻ cho 1 người.
Nghỉ đêm 200.000 đồng/chòi (trải chiếu, giăng mùng). Nếu đem lều ra thì tự chọn chỗ căng lều ngủ, không tốn tiền. Khách đi mò sò, nghêu đem lên nướng. Ăn no có dịch vụ: 30.000 đồng/kg gạo nấu thành cơm. Cá bớp 300.000 đồng/kg. Cá mú 350.000 đồng/kg. Cá bớp, cá mú nuôi lồng bè, giá tiền tính luôn khi thành món, kèm rau. Tắm nước ngọt 10.000 đồng/người.
Hòn Đầm Dương (bìa trái) và Hòn Đầm Đước nhìn từ xa.
Thú vị của Hòn Đầm Dương là từ Hòn Đầm Đước phải lội bộ trong đầm giữa biển. Từ Hòn Đầm Đước nhìn qua Hòn Đầm Dương thăm thẳm xa, một khoảng cách dài gần 300m với mặt nước biển xanh rờn không một gợn sóng. Điều này tạo cảm giác sợ hãi lẫn mạo hiểm một cách thú vị không bao giờ có trong bất cứ chuyến du lịch nào, của bất cứ ai, ngoài nơi này. Chủ hòn hướng dẫn cách băng qua vụng biển: “Cứ thấy chỗ nào trăng trắng thì bước qua”. Chỗ trăng trắng là lòng biển với nền cát cùng những hòn sỏi nhỏ.
“Chủ hòn” phải đi làm mẫu, vậy mà cảm giác sợ hãi vẫn có khi băng qua mấy chỗ mọc đầy tảo biển, còn gọi hẹ nước. Bước chân đùa nước biển làm đám hẹ nước xanh thẫm lắt lay, vừa thích thú nhưng cũng vừa nhờn nhợn sợ trợt té. Qua được vùng biển rồi, thở phào nhẹ nhõm, vì, may quá không bị con gì... cắn.
Hòn Đầm Dương rộng 60.000m2. “Bà chúa hòn” là Tăng Thị Tuyết Mai. “Phó hòn” là ông Phạm Nguyên Đài, 61 tuổi, chồng bà Tuyết Mai. Ông Đài cho biết, diện tích “Bà chúa hòn” làm chủ chỉ có 17.000m2, phần còn lại, từ 20m trở lên đỉnh thuộc nhà nước. Phần đất bên chân núi được ông Đài trồng sa-bô, nhãn, xoài, mít, dừa... đem từ bờ (đất liền) ra. Ngó quanh chỉ thấy một cây dương trơ trọi.
Ông Đài cười bảo: “Nghe người ta gọi Hòn Đầm Dương, không biết lai lịch ra sao nên tôi trồng một cây dương làm... kiểu”. Chính nhờ trồng nhiều cây ăn trái nên khu vực kinh doanh của ông Đài lúc nào cũng mát mẻ, tạo cảm giác “đảo vườn”.
Đặc biệt, trong khi Hòn Đầm Đước nhiều sỏi sạn, thì Hòn Đầm Dương toàn cát, mặt nền được quét tước sạch sẽ. Hòn Đầm Dương hoạt động du lịch từ năm 2006. Đây là nơi có bãi cát phẳng để trực thăng đáp. Khách đất liền ra, điện có tàu vào đón, bất cứ tại bãi nào, từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/chuyến/khứ hồi, tùy theo số khách, khoảng cách. Khách nghỉ đêm (có khoảng 70-80 bộ mùng, mền, chiếu, gối) không lấy tiền, chỉ tính tiền điện (chạy máy suốt đêm). Ăn cũng giống bên Hòn Đầm Đước, là cá bớp và cá mú.
Từ Hòn Đầm Dương qua Hòn Đầm Giếng cũng lội qua đầm biển với khoảng cách trên 100m. Đặc biệt, khi thủy triều xuống, từ Hòn Đầm Dương qua Hòn Đầm Giếng khô rang, chỉ có cát và sỏi. Hòn Đầm Giếng có một giếng nước, phong cảnh hoang sơ, cũng là một điểm du lịch trong Ba Hòn Đầm.
Có một thuyết khác về tên gọi Ba Hòn Đầm. Theo ông Đài và nhiều người địa phương, gọi Ba Hòn Đầm là vì thời Pháp thuộc, sĩ quan cao cấp người Pháp thường chở vợ con ra đây bằng máy bay để thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình, hoang sơ và an bình nơi đây. Nhưng cũng có thuyết cho rằng, Ba Hòn Đầm là ba hòn đảo nằm tạo hình tam giác, từ hòn này sang hòn nọ phải qua một cái đầm, vì thế người ta thêm từ “đầm” vào tên gọi các hòn của Ba Hòn Đầm.
Ngày nay, đến Ba Hòn Đầm nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi cũng là kỷ niệm nhớ đời của bất cứ ai. Bởi, đến đây bạn sẽ thả hồn vào mây trời sắc nước, chiều và sáng ngắm cảnh mặt trời mọc và lặn trên biển, đẹp mê hồn. Lại dầm chân trong mấy cái đầm tìm bắt hải sản, chế biến món ăn thỏa mãn cái thần khẩu. Phong cảnh hữu tình, cá tươi, nhất là cảm giác “mạo hiểm” khi lội qua đầm biển sẽ lưu lại tâm khảm lâu dài.
Bình luận (0)