Di cư định kỳ
Sau hơn 3 giờ vượt biển, tàu chúng tôi đã cặp hòn, do không nắm bắt được quy luật của mùa gió, nên tàu ghé ở ghềnh Nam. Từ dưới tàu nhìn lên đảo, những căn nhà làm tạm che cao su vẫn còn nguyên, nhưng khi cặp ghềnh thì cả dãy chỉ còn là cái xác nằm trơ trọi, hoang vắng.
Người ta đã tháo dỡ một phần sàn, phần cây tốt, còn lại là cây mục, cây nhỏ. Vượt gần 100 bậc đá lên Đồn biên phòng 704, đồn vắng hoe. Trung tá Lê Hoàng Phúc, Chính trị viên Đồn biên phòng, cho biết ngay, hôm nay ngày nghỉ, nhưng anh em cán bộ, chiến sĩ đang giúp bà con trên đảo chuyển nhà, làm nhà mới từ ghềnh Nam sang ghềnh Chướng.
Một góc đảo Hòn Chuối.
Từ đồn biên phòng luồn lách trong rừng cây lên xuống dốc gần 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi gặp gia đình anh Nguyễn Văn Thạnh đang làm nhà bên vách đá, bên dưới sóng biển vẫn lùa lên những đám bọt trắng xoá.
Căn nhà anh Thạnh làm đơn giản, chỉ mấy cây cột làm sẵn giằng néo kê trên đá, rồi làm sàn, làm vách, tổng diện tích khoảng 15 m2.
Cái giường ngủ cũng được thiết kế từ nền đá làm cao hơn sàn nhà vài tấc. Tất nhiên có đủ kèo cột, đòn tay, mái được lợp bằng một tấm cao su, sau đó trải thêm mấy tàu lá đè lên cho khỏi chói nắng, xung quanh cũng vậy, được dừng bởi cao su cũ, tấm tôn rách, lá cây, miễn sao là che được mưa gió.
Anh Thạnh chỉ tay sang mỏm đá bên cạnh, cười nói: “Đó, tài sản của vợ chồng tôi đó”. Đó là vài cái xoong đen kịt, vài cái can nhựa dùng đựng nước, 1 bao nhỏ quần áo, vài ba cái chén ăn cơm đóng váng vàng nham nhở”.
Chị Trương, vợ anh Thạnh, xen vào, “nhà chỉ có vậy thôi, từ sáng tới giờ có mấy chú ở trên đồn đến giúp vận chuyển dựng nhà nên mới gần hoàn thành, tối có chỗ ngủ”.
Anh Thạnh nói thêm: “Đã hơn 15 năm ở đảo nhưng không có chỗ ở ổn định được, vì 1 năm phải chuyển nhà 3 lần để tránh gió. Từ ghềnh Chướng sang ghềnh Nồm, sau đó về ghềnh Nam, cứ vậy phải di chuyển liên tục. Mỗi lần vận chuyển phải tốn kém từ 4 đến 6 triệu đồng, có nhà còn tốn cả chục triệu. Cuộc sống khổ lắm”.
Hầu như 100% nhà dân trên đảo đều giống như vợ chồng anh Thạnh, làm nhà theo kiểu “dã chiến” trên các mỏm đá, vách đá. Thời gian cho 1 đợt làm nhà ở lâu nhất là 6 tháng.
Anh Thạnh nói với giọng xót xa: “Kiếm tiền, chuyển nhà là nỗi lo xuyên suốt. Nếu nhà bị sóng đánh xuống biển xem như mất trắng.
Có nhà làm đi làm lại nhiều lần dẫn đến vay mượn nợ nần. Nhiều nhà không còn khả năng làm nhà đành lấy tấm bạt che lên vánh đá ở cho qua ngày, thậm chí qua cả một mùa mưa gió. Vào bờ không có vốn, không có cơ sở làm ăn. Con cái thì nhà nào có anh em bà con trong bờ thì đem gửi, không thì cũng đành chấp nhận ở đảo mưu sinh cùng gia đình”.
Quân y đồn biên phòng khám bệnh cho cư dân trên đảo.
Chị Nguyễn Thị Thanh Sang xúc động tâm sự: “Bà con trên đảo đang nghèo khổ, làm cho mấy anh bộ đội cũng cực theo, ở đây cái gì dân cũng nhờ bộ đội. Trên đảo mọi chuyện lớn nhỏ đều kêu hải quân, hải đăng, cực nhất là đồn biên phòng.
Anh em giúp dựng hết nhà này sang nhà khác. Trời mưa lớn là anh em CBCS trên đồn chạy xuống kêu gọi bà con cẩn thận, sẵn sàng ứng phó, nghe tin biển động hoặc có bão là gọi hết lên đồn trú ẩn. Ai không đi là cưỡng chế phải đi. Lên đồn lại tốn cơm, tốn gạo, tốn nước ngọt của anh em nữa chứ”.
Mong manh trước biển
Trên đảo hiện có 32 hộ dân hơn 100 nhân khẩu, tất cả cơ sở của họ chỉ dựa vào nghề đánh bắt ven đảo như: câu, lưới, một số hộ mở thêm quán bán các mặt hàng gạo, nắm, muối, bột ngọt, kể cả bia rượu, giải khát. Để vận chuyển hàng hoá ra đảo, họ phải phụ thuộc vào tàu đánh cá hoặc tàu thu mua của dân trong đất liền ra biển.
Ngược lại, thuỷ sản bà con ở đảo đánh bắt được tàu trong bờ ra mua nhưng giá rất rẻ so với thị trường. Giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm trong đất liền chở ra được bán thường giá khá cao, có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi.
Bởi từ 5-7 ngày mới có một chuyến tàu ra hoặc vào, nếu thời tiết xấu biển động có thể là nửa tháng. Mỗi đợt như vậy đảo hình như là cô lập với đất liền, nhà nào không có gạo, nước dự trữ thì lên đồn vay gạo xin nước, biển êm làm trả lại.
Hai năm nay, một số người trong bờ ra đảo đầu tư nuôi cá bớp lồng và cư dân đảo làm theo. Theo tính toán thì mỗi vụ nuôi 4-6 tháng sẽ thu hoạch cá và có lời, nhưng nếu kéo dài không xuất được cá là lỗ nặng, chi phí tiền ăn cho 1 bè cá mỗi ngày từ 2-5 triệu đồng. Hiện cư dân đang gặp khó về đầu ra của con cá bớp.
Tuy chỉ ở cách đất liền có 17 hải lý, nhưng cuộc sống của nhân dân ở đảo còn quá nhiều gian nan vất vả, lo được cái ăn, cái mặc cho gia đình, con cái đã là quý lắm rồi, còn có cái nhà tạm để ở là điều hạnh phúc hơn. Còn để lo cho thế hệ trẻ thơ trên đảo có được cuộc sống ổn định, biết được cái chữ luôn là nỗi lo canh cánh trong lòng mỗi người làm cha làm mẹ.
Gia đình anh Thạnh đang làm nhà mới bên ghềnh Chướng.
Trẻ em trên Hòn Chuối mới lên sáu, lên bảy là phải giúp cha mẹ móc mồi câu, hoặc cũng biết ngồi ở mỏm đá câu cá. Nhiều em từ 10-12 tuổi mà vẫn chưa biết mặt chữ cái. Gia đình nào có bà con thân thuộc trong bờ và có điều kiện thì đem con vào gửi cho đi học. Nhưng đa số bà con ở đây đều chung một phận nghèo, bao năm nay mà các em còn chưa biết giấy khai sinh là gì.
Vì vậy, Ban chỉ huy Đồn biên phòng cử cán bộ thay nhau đi đến từng nhà vận động các em, mở lớp dạy chữ. Nhờ vậy mà hàng chục năm nay, năm nào lớp học tình thương của đồn luôn có từ 10-20 em theo học.
Có lớp, có thầy, nhưng việc quan tâm học hành của các cháu, gia đình chẳng bao giờ quan trọng. Để có học sinh tới lớp, thầy giáo biên phòng phải đi sớm hơn các em 1 tiếng để đứng chờ ở ngã ba đường (trên đảo có 1 ngã ba) để đón và “bắt” vào lớp.
Anh Nguyễn Văn Thạnh tâm sự: “Tụi tui đã dốt rồi, suốt ngày lo câu kéo, lưới chài kiếm tiền đong gạo cực khổ, mong sao nuôi sống gia đình. Cầu mong các con tui đừng phải chịu thiệt thòi như tụi tui, điều kiện khó khăn nên gửi hết việc dạy học cho các chú ở đồn”.
Ba ngày ở đảo, chúng tôi đã cảm nhận được rất nhiều về thực tế cuộc sống của quân và dân trên đảo: Tình quân dân mặn nồng gắn bó để vượt bao khó khăn vất vả, giữ đảo quê hương.
Bình luận (0)