Ngày 17-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040.
Với quy hoạch này, đô thị Thanh Hóa đến năm 2040 gồm toàn bộ diện tích theo địa giới hành chính TP Thanh Hóa và toàn bộ huyện Đông Sơn, có diện tích từ 147 km2 lên hơn 228 km2.
Đây là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa...
Theo quyết định, đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 7.634 ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 11.181 ha, chiếm khoảng 49% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị. Đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 14.019 ha, chiếm khoảng 61% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị.
Không gian đô thị với ý tưởng chủ đạo là tựa núi ngàn Nưa, bên sông Mã, hướng ra vịnh Bắc Bộ. Đô thị Thanh Hóa sẽ phát triển theo mô hình "tập trung, đa tâm" điều chỉnh mô hình "vành đai - xuyên tâm" thành mô hình "vành đai mở kết hợp mạng lưới mềm".
Lấy trục đại lộ Lê Lợi kéo dài làm trục trung tâm, lấy sông Mã làm trục cảnh quan của đô thị; tăng cường các dải đô thị song song với trục cảnh quan sông Mã; hình thành vành đai số 3 kết nối các dải đô thị.
Lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị "3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên".
Trong đó, 3 trục phát triển gồm: Trục truyền thống: Theo hướng Bắc - Nam dọc Quốc lộ 1A cũ, nối các khu vực phát triển truyền thống của đô thị gồm khu vực Hàm Rồng; khu vực Hạc Thành và khu vực cầu Quán Nam.
Quy hoạch chung đưa ra mục tiêu xây dựng TP Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là một trong những trung tâm lớn của vùng nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ
Trục phát triển theo hướng Tây Bắc - Đông Nam: Theo các trục đường Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Đại lộ Đông - Tây, Đại lộ Nam sông Mã, nối các khu vực phát triển đô thị hiện đại từ nút giao đường bộ cao tốc, qua Trung tâm hiện hữu của TP, kết nối với TP du lịch biển Sầm Sơn.
Trục phát triển mới theo hướng Tây Nam - Đông Bắc: từ đường trung tâm TP đi Cảng hàng không Thọ Xuân qua đại lộ Lê Lợi, đại lộ Nguyễn Hoàng đi biển Hải Tiến, kết nối các khu vực có vai trò động lực phát triển mới.
6 trung tâm tích hợp gồm: Trung tâm hiện hữu: Chức năng trọng tâm là trung tâm hành chính, chính trị của TP và của cả tỉnh Thanh Hóa; trung tâm Hàm Rồng - Núi Đọ: Chức năng trọng tâm là trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái; trung tâm Đông Nam: Chức năng trọng tâm là trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh, trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực và trung tâm đô thị mới theo hướng liên kết TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn…
Với quy hoạch mới này, TP Thanh Hóa sẽ trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và là một trong những trung tâm lớn về thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa khoa giáo, y tế, thể thao của vùng nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Theo lộ trình, trong năm 2023, toàn huyện Đông Sơn với 14 xã, thị trấn (dân số hơn 88.000 người) sẽ sáp nhập vào TP Thanh Hóa.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!