TAND TP Huế vừa tổ chức xét xử vụ án ly hôn. Tham gia tố tụng ngoài nguyên đơn và bị đơn còn có người chị gái của bị đơn cũng có mặt tại tòa. Phòng xét xử rộng thênh nhưng ngột ngạt bởi ánh mắt người chồng lạnh lẽo. Mặt vợ đầy vẻ lo âu.
Trả lời câu hỏi của tòa lý do vì sao xin ly hôn, nguyên đơn “tố” bị vợ thường xuyên chửi bới, mạt sát, xúc phạm. “Bà ta làm rùm beng, bêu riếu tôi lên báo mạng. Bà ta như vậy nên đứa con trai lớn cũng hùa theo mẹ, xúc phạm tôi, dám cầm đùi gỗ đánh tôi”.
Bị đơn thanh minh, chị mới là người chịu thiệt khi bị chồng lừa dối. “Tôi cứ nghĩ hơn 20 năm qua, cuộc sống gia đình hạnh phúc nếu không tình cờ phát hiện đã từ lâu, chồng tôi có quan hệ với một phụ nữ khác và có con với cô này. Tôi tìm đến cơ quan của cô ta để yêu cầu làm rõ sự việc. Vậy nhưng cơ quan này không giải quyết vì cho rằng, cô ta và chồng tôi có giấy đăng ký kết hôn. Tôi và chồng kết hôn năm 1993, còn chồng tôi và cô ta đã “qua mặt” pháp luật, được cấp giấy đăng ký kết hôn vào năm 1999”. Theo bị đơn, biết chồng vi phạm chế độ một vợ một chồng, nhưng sợ anh ta bị xử lý về hình sự, sợ mất hạnh phúc nên chị ngậm đắng nuốt cay, không tố cáo ra pháp luật.
Tòa hỏi nguyên đơn giải thích như thế nào về điều đó. Nguyên đơn lúng túng một lúc rồi biện bạch: “Thực tế tôi đã thỏa thuận với bà ta (chỉ bị đơn) là tôi có đứa con riêng. Tôi không thể bỏ con được nên phải có giấy đăng ký kết hôn để khai sinh cho con”. Tòa “vặn” nguyên đơn làm thế nào mà đăng ký kết hôn được với người phụ nữ đó, trong khi đang có vợ hợp pháp? Nguyên đơn ngắc ngứ không biết phải lý giải ra sao, vòng vo một hồi rồi im tịt. Tòa hỏi: “Anh và người phụ nữ đó đã bị xử hủy hôn nhân trái pháp luật rồi phải không?”. Nguyên đơn cúi mặt: “Dạ phải”.
Tòa hỏi vợ chồng có hạnh phúc không? Nguyên đơn suy nghĩ một lát rồi đáp: “Có mà ít. Từ khi bị bà ta thường xuyên mạt sát, bêu riếu đến cơ quan khiến tôi phải chuyển công việc khác, tôi đã không còn tình cảm với bà ta. Vì vậy, tôi giao nhà lại cho bà ta và các con ở, còn tôi về nhà cha mẹ đã 2 năm nay”. Nguyên đơn nhắc lại chuyện bị đứa con trai “về hùa” với mẹ dùng hung khí đánh cha. May mà hôm đó, anh ta đội mũ bảo hiểm nên không bị nguy hiểm.
Bị đơn giãi bày, không phải đứa con có ý hỗn với cha. Chỉ vì trong lúc vợ chồng xô xát, đứa con đang cầm thanh củi trong tay lao vào can ngăn mà anh ta nỡ xuyên tạc như thế. Còn giữa hai vợ chồng, lúc đầu mới phát hiện chồng “ăn chả” chị bị sốc và không chấp nhận con riêng của chồng. Nhưng anh này dọa sẽ ly hôn nên chị đành chấp nhận đứa trẻ. Tuy nhiên anh ta “được đằng chân, lân đằng đầu” bắt phải chấp nhận luôn người phụ nữ kia. Điều này thì chị không thể nào chấp nhận được. Một chồng nhiều vợ là vừa trái đạo đức xã hội, vừa vi phạm pháp luật. Chị không có lỗi gì cả. Dù biết chồng lừa dối, phản bội nhưng vẫn chờ đợi chồng “tỉnh ngộ”, vẫn yêu thương. Chị đề nghị tòa bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ.
Tòa quyết định không chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn. Sau khi thẩm phán vừa công bố xong, nguyên đơn mặt mũi phừng phừng đập bàn: “Sao lại không cho tôi ly hôn? Tôi đã phải chịu đựng bà ta 2 năm nay rồi. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”.
Chị gái của bị đơn: “Chẳng qua là hắn đòi em tui chấp nhận cô kia làm vợ bé của hắn, không được toại nguyện nên mới như rứa. Ai mà chấp nhận được chuyện nghịch lý, trái pháp luật đó”. Thẩm phán giải thích, tòa cho hai bên cơ hội để tìm cách hàn gắn tình cảm, vợ chồng cùng nhau nuôi dạy con cái. Trong thời gian 1 năm, hai bên không cải thiện được tình cảm thì lại nộp đơn yêu cầu. Lần này tòa sẽ giải quyết cho ly hôn. Hoặc nếu không đồng ý với bản án, các đương sự có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm.
Bình luận (0)