Cánh đồng Óc Eo (ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn) có đến 12 điểm di chỉ nằm rải rác ven sườn và chân núi Ba Thê, đặc biệt là Nam Linh Sơn tự, gò Giồng Cát, gò Cây Thị,… được cho là “thủ đô” của đế quốc Phù Nam xưa. Khoảng năm 1986, một số người dân đi thăm đồng, đào chuột, cày xới đất lượm được vàng, đồng và một số cổ vật làm bằng gạch, đá (phần lớn không còn nguyên vẹn) nên sau đó hàng ngàn người từ các nơi đổ về đây “băm nát” vùng đất này đến năm 1989 thì tạm dừng.
Cổ vật được trưng bày ở Bảo tàng An Giang.
“Lúc đông ken, gò Giồng Cát đông như cái chợ, bán đủ thứ nào cơm, bún, cháo, cà phê… vào ban ngày và cả rượu, đồ nhậu vào ban đêm. Người có tiền thì trả tiền hoặc trả bằng vàng, cổ vật vừa đào được. Đội quân đào, bòn vàng đến từ các nơi, nhiều hộ đi cả nhà trên ghe hoặc che lều tạm tại “hiện trường” có khi nhiều tháng trời.
Thời gian đầu ai đi đào, bòn vàng không có nhiều thì cũng ít. Người may mắn thì gặp vàng nữ trang, vàng mỹ nghệ, không hên thì được vàng “trứng lươn” hay mạt vàng hoặc nồi, tượng Phật, cà om, đầu lân, xâu chuỗi, bình tích, chén, bia khắc chữ nhưng phần đông đều không còn nguyên vẹn”- ông Phạm Văn Mọi (59 tuổi, ấp Trung Sơn) nhớ lại.
Ông Mai Đức và Phạm Văn Mọi.
Theo lời ông Mọi kể, khi đó ông là Xã đội phó xã Tân Phú (Châu Thành), thấy ai cũng đi kiếm vàng, nhà lại quá khó khăn nên đã lén rủ hai người bạn Danh Kim Mừng, Nguyễn Văn Hậu cùng đi “săn” thử. Vài ngày sau, khi đào xuống đất nghe cái sột, lộ ra cái hộc gạch, trong có nhiều miếng vàng mỏng như lá lúa (chạm rất nhiều hình), rồi đầu lân, nồi đất, ngựa, rắn, kèn thổi… (bằng gạch, đá xanh) được chế tác rất đẹp mắt, cùng rất nhiều xương không biết của người hay động vật.
Mừng quá, nhóm ông đem ra tiệm vàng Bi ở chợ, khi “thổi” ra còn chưa đầy 3 chỉ, bán khoảng 300.000 đồng. Các thứ mà bây giờ cho là cổ vật, ông bỏ lăn lóc, cho “con nít chơi”. Có lần, ông đi ra ruộng ở Bến Lớn (nơi tập trung tàu bè vào thời Pháp, Mỹ) và đã đào được tượng Phật bằng đá nhưng đứt phần đầu. Ông bèn kêu 8 người khiêng vào dựng ở cây da sau chùa Linh Sơn. Sau khi mọi người đến xem thì chưa đầy 2 ngày sau, cổ vật này “mất tích”…
Tương tự trường hợp ông Mọi, ông Mai Đức lúc đó là Xã đội phó xã Vọng Thê (Thoại Sơn) cũng lén đi đào, bòn vàng nhưng cũng chỉ gặp các loại gạch, đá sứt, mẻ nên nản chí. Rồi sau đó, khi ông ra đất phía sau chùa Linh Sơn cuốc rẫy, qua một lúc đào, xới gặp nào là cà rá, cái bánh men, một hạt như hạt me (đều bị cắt đôi) xâu chuỗi bát giác… tổng cộng gần 8 chỉ vàng đem ra chợ bán khoảng một triệu đồng.
Ông cho biết: “Mọi người xứ này thì nhớ mãi một gia đình 4 người ở xã Tây Phú gây “chấn động” giới đào, bòn vàng thời đó. Sau nhiều tháng kiên trì tìm kiếm, các thành viên gia đình đào được một thùng vàng, không ai biết đích xác là bao nhiêu, do chủ nhân đã lui ghe đi mất”.
Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa - Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Minh Sang, người từng tham gia khảo sát, khai quật một số nơi ở Óc Eo cho biết: “Vào thời điểm từ 1986 đến 1990, rộ lên phong trào tìm vàng, cổ vật và người ta phải mua đất theo giá thỏa thuận để có nơi đào xới. Ngoài số cổ vật được ngành chức năng cất giữ thì các loại cổ vật “làm đồ hàng xén”, trôi nổi trong dân là không ít, lại rất khó sưu tầm. Hy vọng, khi Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo đi vào hoạt động thì việc bảo quản, sưu tầm, giới thiệu, khai quật sẽ đi vào nề nếp”.
Bình luận (0)