xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Viết tiếp vụ “Kho báu ở Cô Tô”: Đã từng có nạn bòn vàng trong núi

Theo KHÁNH HƯNG (An Giang Online)

Tìm hiểu kỹ hơn xung quanh vụ xuất hiện tin đồn có kho báu 1.000 tấn vàng ở Cô Tô (Tri Tôn, An Giang), chúng tôi được nhiều người dân và lực lượng chức năng thông tin: Từ năm 1987 đến 1992, nạn bòn (đào) vàng đã xuất hiện rầm rộ ở nơi đây. Liệu vụ việc này có liên quan gì đến tin đồn kho báu trong đền vua hiện nay?

img
Khu vực Hòn đá nổi (ấp Tô Lợi), nơi từng rầm rộ nạn bòn vàng.
 
Ông Tr., 43 tuổi, người dân địa phương cho biết: “Năm 1984, khi đang là học sinh lớp 8, nghe nói có vàng dưới đất, tôi cùng đám bạn rủ nhau đi bòn vàng. May mắn, tôi đào được một món đồ có hình dạng như chiếc nhẫn. Đem lại tiệm vàng thì họ cân được hơn 3 phân vàng 9,8 tuổi. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi chưa ý thức được giá trị của vàng, nên chỉ đùa nghịch và tham gia đào cho vui, chứ không tiếp tục tìm vàng quy mô lớn”. Những năm sau đó, mỗi ngày có hàng trăm lượt người tập trung đến xã để tìm vận may.
 
Ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Phó Trưởng Công an xã Cô Tô, kể lại: “Không biết vì sao, người ta đồn hễ nơi nào có mảnh sành sứ (bát, chén, vật dụng gia đình khác…) của người xưa, nơi ấy ắt hẳn sẽ có tài sản quý giá, vì chỉ người nào giàu mới sử dụng sành, sứ. Ở xã Cô Tô cũng xuất hiện rất nhiều các vật dụng ấy, có cái nguyên, có cái đã sứt mẻ. Có lẽ thế mà họ đổ xô về đây. Người bòn vàng đa phần là dân tứ xứ, từ Châu Phú, Châu Đốc, Châu Thành, Thoại Sơn... đến, chứ người dân địa phương không mấy mặn mà.
 
Có 3 điểm thuộc ấp Tô Lợi, Sóc Triết, Tô An là bị tập trung đào bới nhiều nhất, trong phạm vi khoảng 6km2. Họ đồn tìm thấy những đoạn dây chuyền vàng 7 tuổi bị đứt thành nhiều đoạn, bàn cờ và các quân cờ được viền hoa văn bằng vàng, nải chuối cau cũng viền vàng óng ánh nhưng bị mất 2 trái…”.
 
Ông Liêm trần tình: “Không biết có ai phất lên nhờ tìm được vàng hay không, vì họ khai thác xong là đi về xứ. Đa phần, người dân bị lỗ tiền công, chi phí, thời gian, công sức mà chẳng thu được gì nhiều. Thậm chí, họ xới đất đang trồng lúa lên để tìm, làm ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng trọt của người dân địa phương. Khi lực lượng Công an xã, huyện đóng chốt cấm bòn vàng, họ vẫn không chấp hành. Đang bòn vàng mà lực lượng đến thì họ bỏ chạy tứ phía. Hoặc họ lén xúc đất ban đêm để đem về chỗ ở mà bòn. Có khi, họ đặt vấn đề mua hẳn vài công đất của dân với giá cao, nhưng chủ đất không đồng ý”.
 
Cũng theo ông Liêm, người dân bòn vàng bằng cách thủ công, đơn giản. Sau khi đào đất, họ đem đất ấy bỏ vào thau to, làm cho đất nhuyễn ra. Rồi họ bỏ đất vào trong chảo lớn, lắc mạnh trong nước tìm những mảnh vàng. Cơn sốt vàng ở địa phương chỉ thật sự lắng dịu vào năm 1992. Kể từ đó, không ai còn nghe nói gì đến việc tìm vàng trên vùng đất núi này.
 
Thế nhưng, như báo An Giang đã thông tin, vào giữa tháng 10 lại xuất hiện một nhóm người đi tìm kho báu tại ấp Tô An. Họ cho rằng, có một kho vàng, kim cương đang nằm sâu dưới lòng đất 3,8m. Nhóm người lạ mặt trên mang theo cả máy đo định vị đắt tiền để rà vàng. Thậm chí, họ còn có cả bản đồ kho báu trong tay.
 
Qua xác minh, phóng viên nhận thấy người dân địa phương ít biết thông tin này, cho nên việc có người từ phương xa đến tìm kho báu là chuyện lạ kỳ. À cha (người quản lý chùa) Chau Sơi (Chùa Chi-tà-mun) thông tin: “Chuyện kho báu trên chúng tôi không hề nghe thấy, dù đã sống lâu đời ở đây. Nhưng chúng tôi khẳng định là khu vực này có một kiến trúc lâu đời. Khi chùa Chi-tà-mun sửa chữa nhỏ, thiếu vật liệu xây dựng, chúng tôi sử dụng gạch thẻ nung màu đỏ, chiều dài khoảng 2 tấc đào được để xây dựng. Có khả năng, nơi đây từng là một đền đài, hoặc chùa chiền, nhưng đã bị vùi lấp. Người dân địa phương vẫn truyền miệng nhau gọi khu đất ấy là “preas vihea chas” (tức là Chánh điện cũ)”.
 
Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương khẳng định: “Khi phát hiện có nhóm người đào trộm cổ vật, địa phương đã buộc các cá nhân có liên quan làm cam kết ngừng đào bới, không tái phạm. Riêng về vấn đề “kho báu nghi vấn”, chúng tôi sẽ họp bàn, tính phương án gửi văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, như: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học – Công nghệ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh… cùng tham gia khảo sát, nghiên cứu, để có căn cứ dập tắt tin đồn”.
 
Trưởng Công an xã Cô Tô Huỳnh Văn Ngoan vẫn tiếp tục đề đạt kiến nghị: “Địa phương rất mong muốn tin đồn được sáng tỏ. Nếu thật sự có kho báu, là tài sản quốc gia, cần có sự can thiệp, xử lý của các ngành chức năng cấp trên. Nếu không có kho báu, cần khẳng định rõ ràng, dập tắt dư luận không tốt ngay lập tức. Hiện tại, Công an xã vẫn đang theo dõi ngày lẫn đêm khu vực trên, đề phòng tin đồn lan rộng và các đối tượng trên quay trở lại đào bới vào ban đêm”. 
 
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo