Sau đêm chết hụt, hơn 2 ngày sau chị Ánh cùng hai con nhỏ mới dám quay lại ngôi nhà của mình nghe ngóng tình hình và thu nhặt những gì còn sót lại trong đống đổ nát. “Khi nhìn thấy ngôi nhà, tôi chỉ biết ôm hai con nhỏ ngồi khóc. Nhà thuộc diện hộ nghèo lại chỉ có 3 mẹ con, chồng mất sớm, đất canh tác không có, một mình phải đi làm thuê, cuốc mướn gắng gượng nuôi hai đứa nhỏ ăn học. Giờ nhà cũng không còn để ở…” - chị Ánh lau nước mắt cho biết thêm.
Nhà ông Dũng nằm ngay cạnh bìa rừng, lại trồng nhiều mía nên hầu như đêm nào voi cũng xuất hiện. “Nhiều đêm, sau khi quần thảo một vòng chán chê trong thôn, đàn voi lại kéo nhau về cái ao sau nhà tôi tắm. Riết rồi cũng thành quen, nhưng cũng rất lo vì voi có thể xuất hiện, tấn công vào nhà bất cứ lúc nào, nhất là khi mình đang ngủ thì rất nguy hiểm” - ông Dũng nói.
Còn gia đình chị Vy Thị Vàng (trú cùng thôn) sau khi bị đàn voi quật nát hơn 3 sào mía chuẩn bị cho thu hoạch ngán ngẩm cho biết, không chỉ lo bị voi phá hoại tài sản, mà đêm nào gia đình chị cũng phải đốt 4 đống lửa xung quanh nhà để đề phòng voi vào phá nhà. “Rẫy mía nằm sát ngay nhà, chúng đã đến phá rẫy thì việc đi vào nhà là có thể xảy ra. Đêm nào vợ chồng tôi cũng phải đốt lửa, canh thức đến gần 12h khuya mới dám đi ngủ. Mà cũng có ngủ được đâu, hễ nghe tiếng “động lạ” vợ chồng lại kéo nhau ra xem, nếu voi về còn biết đường mà chạy chứ” - chị Vàng phân trần.
Không chỉ gây thiệt hại về tài sản, những cuộc đối đầu nghẹt thở với voi rừng còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Đưa vấn đề này trao đổi với ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông, cho biết: “Việc voi xuất hiện phá hoại hoa màu, nhà cửa của dân thời gian gần đây chúng tôi đã trình báo lên huyện nhưng huyện vẫn chưa có động thái gì. Trước mắt, chính quyền xã chỉ biết tuyên truyền, vận động người dân đừng làm voi nổi giận. Vì một khi voi nổi giận, rất dễ quay lại tấn công người. Khi thấy voi xuất hiện, thì nên dùng các loại gây tiếng ồn như soong nồi, đèn pin…khua đuổi chúng vào rừng. Vẫn biết biện pháp này là hết sức nguy hiểm vì khi voi bị kích động, hoảng sợ có thể quay lại tấn công người nhưng chúng tôi biết làm gì hơn đây?”.
Theo số liệu thống kê, toàn thôn 20, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút có hơn 300 hộ dân sinh sống. Đến nay, đã có 47 hộ bị voi phá sập nhà cửa hoặc phá hại hoa màu, cây trồng. “Nếu để tình trạng này xảy ra lâu ngày mà chính quyền các cấp không có biện pháp khắc phục thì việc xung đột giữa người và voi là khó tránh khỏi. Và một khi đã xảy ra xung đột thì việc xảy ra hậu quả xấu là không thể lường hết được” - ông Sầm Văn Dũng nói. |
Sáng ngày 1-12, trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, 3 cá thể voi xuất hiện tại thôn 12, xã Đắk Drông có thể là những con voi bị lạc đàn trong số những đàn voi ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Hiện Trung tâm đang phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm huyện Cư Jút bàn bạc tìm biện pháp để di chuyển đưa các cá thể voi này về lại Vườn quốc gia. Trước mắt, Trung tâm đề nghị Chi cục Kiểm lâm huyện cần phổ biến thông tin để người dân biết và phòng tránh, nhằm tránh sự xung đột giữa voi và người, để hạn chế hậu quả đáng tiếc. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ, không để xảy ra tình trang săn bắn, giết hại voi. |
Bình luận (0)