Kỳ 1: Người bảo vệ pháp luật đi... phá rừng
Phá rừng là vấn đề nhức nhối ở Khánh Sơn thời gian qua. Dư luận đặt câu hỏi: Không có người bảo kê, dung túng thì làm sao bà con người dân tộc thiểu số chân chất như hạt lúa, củ khoai lại có thể ngang nhiên phá rừng đến thế? Quả đúng vậy. Đầu năm 2012, trước tình hình rừng Khánh Sơn bị tàn phá nặng nề, một số công dân đã gửi đơn tố cáo lên cấp thẩm quyền cho biết có bàn tay của Thượng tá Nguyễn Thành Trung - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện Khánh Sơn. Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy vào cuộc.
Để công tác kiểm tra tiến hành được thuận lợi, theo nguyên tắc Đảng, ngày 27-4-2012, Giám đốc Công an tỉnh tạm đình chỉ công tác đối với Nguyễn Thành Trung 2 tháng. Tháng 6-2012 UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa kết luận: Tố cáo của công dân là có thật, ông Nguyễn Thành Trung đã có hành vi cấu kết với một số cán bộ bảo vệ rừng, tiếp tay cho một số đầu nậu ở Cam Ranh và TP Hồ Chí Minh tổ chức khai thác, thu gom, vận chuyển gỗ, gây nên tình trạng phá rừng một cách nghiêm trọng.
Hiện trường một vụ phá rừng ở Khánh Sơn. (Ảnh khai thác)
Hành vi phá rừng liên quan đến một số cán bộ kiểm lâm ở địa phương. Riêng đối với Nguyễn Thành Trung, UBKT kết luận: Trong thời gian làm Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, ông Trung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để được giao 20ha đất lâm nghiệp, thực chất là rừng đầu nguồn, sau đó thuê người chặt hạ hàng loạt cây gỗ quý với hàng trăm mét khối bán cho các đầu nậu gỗ; có dấu hiệu bao che cho một số đại gia thuê người dân địa phương khai thác và vận chuyển gỗ trái phép, bắt ép bà con dân tộc thiểu số bán rừng keo non cho ông và đồng bọn; thiếu gương mẫu và chấp hành không nghiêm sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Khánh Sơn trong việc dừng khai thác gỗ keo rừng trồng theo hai chương trình 132 và 743; để việc khai thác, vận chuyển gỗ keo diễn ra thường xuyên trên địa bàn nhưng không ngăn chặn, xử lý.
Ông Trung chưa tham mưu cho huyện trong việc thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng để bảo vệ, ngăn chặn nạn phá rừng, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn huyện Khánh Sơn; dùng xe cơ giới san ủi con đường dài hơn 560m khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép. Việc mở con đường này đã tạo điều kiện cho “lâm tặc” khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.
Bên cạnh đó, ông Trung còn tự tiện lấy 4ha đất rừng trong diện tích đất nhận khoán cho người khác sử dụng để trồng rừng. Tuy không phải là đối tượng được nhận tiền hỗ trợ giống cây trồng rừng theo quy định của UBND tỉnh, nhưng ông Trung vẫn nhận để vụ lợi cá nhân.
Với sự vi phạm nói trên của Nguyễn Thành Trung, ngày 12-6-2012, Tỉnh ủy đã kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng đối với Thượng tá Nguyễn Thành Trung; đồng thời đề nghị cấp có thẩm quyền giáng chức Trưởng Công an huyện, giáng cấp bậc đối với Thượng tá Trung.
Trước hành vi phá rừng nghiêm trọng nói trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố một loạt bị can về tội “Hủy hoại rừng”. Nguyễn Thành Trung không bị khởi tố vì cơ quan điều tra cho rằng: “Hành vi thuê người chặt phá, mở đường ở diện tích giao khoán là do không được Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Khánh Sơn thông báo đã có quyết định phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng của UBND tỉnh, nên không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của Tỉnh ủy, tháng 9-2012, Nguyễn Thành Trung bị giáng cấp từ Thượng tá xuống Trung tá, giáng chức xuống Phó Trưởng Công an huyện Khánh Sơn và sau đó bị điều chuyển về công tác tại Trại tạm giam Công an tỉnh, giữ chức Phó Giám thị. Nguyễn Thành Trung thoát tội hủy hoại rừng, nhưng những người liên quan trong “đường dây phá rừng” đều đã bị khởi tố.
Trong lúc đó, ở Trại tạm giam Công an tỉnh, “cơn lửa rừng” của Phó Giám thị Nguyễn Thành Trung vẫn âm ỉ. Sau khi nghe tin ở Khánh Sơn có người tìm được nhiều trầm, ngọn lửa đó như gặp được gió, đã bốc lên. Ông ta lập tức xin nghỉ phép để lên Khánh Sơn móc nối với số tay chân thân thiết tìm cách ăn chặn của phu trầm. Và con đường từ phòng giám thị đến phòng giam của ông này trở nên gần hơn bao giờ hết.
Bình luận (0)