Đã nhiều lần đến Cà Mau, thậm chí từng đến cái nơi xa nhất trong “Hương rừng Cà Mau” của bác Sơn Nam là “hòn Củ Tron nằm giữa vịnh Xiêm La”. Vậy mà chưa lần nào được đặt chân vào rừng U Minh Hạ, cũng là điều đáng tiếc khi mình cũng là dân “chính cống” miền Tây.
Vậy nên, những ngày cuối năm nay, cùng quảy ba lô xuôi về “Miệt Thứ” một chuyến, sau nhiều lần lỗi hẹn.
Men theo bìa rừng
Dù đã hẹn trước mấy tháng với các anh nông dân ở Hợp tác xã 19/5, thuộc xã Nguyễn Phích, huyện U Minh; nhưng đến TP Cà Mau phải dọ thêm vài mối thổ địa cho chắc ăn, vậy mà tuốt vô tới U Minh Hạ rồi vẫn còn lóng nga lóng ngóng.
Nhiều giống chim quý có mặt ở rừng U Minh Hạ. Ảnh: NGUYỄN TẤN TRUYỀN
May mà có anh em ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chờ sẵn ngoài cửa rừng (ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời- Cà Mau). Lại ngạc nhiên, cứ tưởng vào rừng khó khăn lắm, ai dè... cứ xe gắn máy chạy phăm phăm trên con đường tráng nhựa ngon lành.
Hướng dẫn chúng tôi là anh Linh và anh Nghiệp- nhân viên của Phòng Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường. Có hơi chút thất vọng, vì vô rừng kiểu này còn “êm” hơn đường nông thôn mới, thì còn gì là thú vị khám phá đất rừngphương Nam.
Nhưng chỉ độ chừng mươi phút, anh Linh bảo: “Chạy chậm lại! Mấy anh thấy gì đằng trước hông?” Ô hô, một bầy khỉ mẹ, khỉ con đang chí chóe, chạy lăng quăng đầy đường. Vừa nhát thấy bóng người chúng tót lên cây, dắt dây chạy rần rần rồi mất hút.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vô rừng, trời chiều muộn ánh nắng xiên qua những thân tràm cao thiệt là cao phủ kín rau choại, tựa hồ những cọc tiêu khổng lồ, tạo nên những hình thù vừa đẹp vừa âm u, kỳ bí. Không lâu sau, thì đến trạm dừng chân cũng là nơi đón khách du lịch đi vỏ lãi tham quan, bên cạnh có tháp quan sát cao đến 24m.
Từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả khu rừng. Vừa dứt mùa mưa, nên tràm bạt ngàn vẫn còn mượt một màu xanh ngút ngát. Ðây là khu rừng lõi của toàn bộ vốn rừng U Minh Hạ được bảo vệ khá nghiêm ngặt nhằm bảo tồn các loài động thực vật rừng trên đất than bùn, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học; giữ gìn cảnh quan môi trường…
Đặc sản ong mật của rừng U Minh Hạ, có ổ to cho đến chục lítmật ong.Ảnh: TRẢNG- DUY
Đứng trên đài quan sát nghe thuyết minh, rồi xuống vỏ lãi “oánh” một vòng tham quan, chỉ là tour dành cho du khách. Còn để trải nghiệm những chuyện “hay ho” của đất rừng U Minh, chúng tôi phải tìm đến một... đường dây khác- anh Nguyễn Tấn Truyền (45 tuổi)- Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, một người làm khoa học có tình yêu rừng kỳ lạ, với tính cách rất nghiêm túc trong công việc, nhưng lại rất “phủi” ngoài đời.
“Săn” nai giữa rừng khuya
Đi sâu vô rừng vài cây số nữa. Tại một trạm kiểm lâm, thấy anh Truyền đang hì hục lặn hụp dưới dòng kinh đen sẫm như sương sáo- màu nước đặc trưng của rừng U Minh Hạ do bị ảnh hưởng của những vỉa than bùn. Dội sơ vài gáo nước sạch, mình mẩy ướt mem, anh Truyền ngồi bệt dưới đất trò chuyện.
Anh Truyền lôi cuốn chúng tôi ngay những câu đầu tiên, rồi nhanh gọn “đóng” một câu... không thể cưỡng được: “Nếu thích, tối nay tôi dẫn vô rừng... săn nai”. Thế là chúng tôi phải hủy cuộc hẹn ngủ giữa rừng cùng những nông dân của Hợp tác xã 19/5, rồi hôm sau hủy luôn chuyến lang thang lên rừng U Minh Thượng. Đêm đó, cùng anh Truyền đi “săn” nai giữa rừng khuya.
Nói đi “săn” cho nó... oai, thực tình là đi rình xem những bến nước nai thường ra ăn tối. Đúng 19 giờ 30, chúng tôi xuất phát với cảm giác vừa háo hức vừa hồi hộp, pha lẫn chút... chờn chợn. Đêm xuống, hơi rừng và gió thổi mát rượi, nhưng cuốc bộ một chút là đã thấy vã mồ hôi rồi, mà đã vào đây rồi có mỏi cẳng thì cũng “không giao đứng lại à nghen!”- Khải cảnh báo.
Đúng là đứng lại là muỗi bu đặc rật. Khải còn rất trẻ, là lính mới của anh Truyền nhưng rất “chịu đeo và máu mê” theo những chuyến lang thang thực địa.
Trong khi chúng tôi háo hức căng mắt để tìm nai, còn anh Truyền thì cứ mải mê theo những chuyện của “thần rừng”, chuyện những “ông rắn khổng lồ nuốt gọn con chồn, con khỉ, thậm chí cả heo rừng”. Đi giữa rừng vắng lạnh vầy, kể chi mấy chuyện nghe... “lạnh lưng thí mồ”.
Khoảng 21 giờ, chúng tôi đến chỗ có cây gừa cổ thụ rất đẹp, anh Truyền soi đèn kỹ lên tán cây, rồi tiếp câu chuyện rắn khủng. Hồi trước, ở đây có chòi canh, nhưng từ khi mấy anh em kiểm lâm trong đêm trực thấy con rắn hổ mây khổng lồ nuốt gọn con khỉ, thì dẹp chốt luôn.
Theo anh Truyền, khi con trăn vài ba chục ký thì con mắt giỏi lắm cũng cỡ đầu đũa, trong khi con rắn hôm đó bắt đèn cặp mắt đỏ lòm cỡ hòn bi, thì nghĩ coi nó bự hèn gì!
Còn chuyện có người gặp những con rắn cặp mắt bự tổ chảng như cái chén, dấu trườn láng o như kéo chiếc xuồng 6 bản... nghe có vẻ hoang đường, thêu dệt. Nhưng anh Truyền thì thu thập tất cả lại. Tại sao? Khi nào ra khỏi rừng sẽ hiểu. Bây giờ là chuyện “săn” nai.
Đi ven bìa rừng ban ngày cũng bắt gặp bầy khỉ kiếm ăn. Ảnh: TRẢNG- DUY
Trong khi trên đường đi, gặp mấy anh kiểm lâm bảo: “Nai trong rừng này lềnh con”. Còn theo anh Truyền thì chỉ riêng Khu 3 thôi anh đếm không dưới 100 bãi nai, vậy mà lội rã cẳng chưa thấy bóng dáng “con nai vàng ngơ ngác” ra sao.
Nguyên do là mùa mưa vừa dứt, nên trong rừng còn đọng nhiều vũng nước, trong khi chúng tôi không cắt rừng, mà chỉ đi dọc theo những con kinh phòng hộ. Chỉ đến mùa khô hạn, nai kéo bầy ra cặp các con kinh ăn đêm và xuống bến uống nước, lúc đó mặc sức mà chụp hình.
Sau mấy lần “thành tâm van vái”, sau hơn 3 tiếng đồng hồ lội bộ mười mấy cây số, chúng tôi cũng gặp được một cặp mắt đỏ lòm di động nhẹ phía bên kia bờ kinh.
Tiếc là ánh sáng yếu, nên con nai không bắt đèn mà chỉ nhìn ngó một chút rồi lẩn khuất vào màn đêm. Vừa chắc lưỡi vừa đi thêm một đỗi, lại bắt gặp cặp mắt rất sáng trên tán cây, anh Truyền bảo đó là con cầy hương.
Đã gần 23 giờ, chúng tôi phải quay về thôi, dù không thu hoạch được như ý, nhưng cũng là một trải nghiệm đáng nhớ giữa rừng U Minh Hạ.
“Kể tới tết không hết chuyện U Minh”
Đương nhiên rồi, mới gặp anh Truyền chút xíu chúng tôi đã được anh “bật mí”, là vừa phát hiện ra loài chim mới nằm trong Sách Đỏ, khoảng 7- 8 cá thể gà đãi Java kéo về rừng U Minh Hạ này xây tổ. Nhưng phải qua tết, khi chúng đã sinh sản và “dạn hơi rừng” thì anh mới cho vào xem.
Nai được bảo vệ nghiêm ngặt ở Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: NGUYỄN TẤN TRUYỀN
Một dự án nghiên cứu khoa học thú vị nữa, anh đang phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, để lý giải vì sao loài voọc bạc chuyên sống ở hệ sinh thái núi đá vôi, lại di cư xuống rừng tràm đặc dụng này,... cùng hàng trăm câu hỏi bí ẩn của đại ngàn, đã lôi cuốn anh như một món nợ, như một tình yêu vô điều kiện.
Vậy nên, ngoài những công việc hàng ngày phải vào rừng, có nhiều lúc nửa đêm anh còn lang thang trong rừng một mình. Cũng để giải đáp câu hỏi lớn nhất của cuộc đời mình: “thần rừng”- rắn hổ mây và hổ mang chúa là một loại hay là hai loại? Do đó, mà anh phải kết hợp giữa luận chứng khoa học và những giai thoại dân gian, kể cả những chuyện kiểu “bác Ba Phi” anh cũng tìm tới thu thập.
Đó cũng là cơ duyên, để anh Truyền có thể làm bạn được với cánh thợ rừng. Cũng nhờ đó, chúng tôi được diện kiến những huyền thoại một thời của rừng U Minh Hạ, được họ “mở lòng” về những giây phút tử sinh khi đối diện với thú rừng và những chuyện tâm linh của cánh thợ săn, mà không phải ai ai cũng thấu hiểu.
Nhưng đó là những câu chuyện, mà chúng tôi sẽ trở lại trong một dịp khác vậy.
Bình luận (0)