Hôm ấy, chiếc UAZ nhà binh chở tôi và vài người nữa vòng vèo gần 6 cây số đường rừng không ít gai gốc mới đến được Bưng Thị. Rừng bao quanh khu Bưng Thị chủ yếu là cây sến tự nhiên, sống khỏe, toàn cảnh khu rừng đẹp như một bức tranh.
Đây đó, mấy chú gà rừng, sóc nâu và một số loài chim lạ bay nhảy. Nhưng anh kiểm lâm đi cùng bảo, chúng tôi không được may mắn ngắm nhìn con công cánh rộng đến cả mét, heo rừng nặng đến 80 kg như một số người đã từng được chiêm ngưỡng.
Bưng Thị hoang sơ thật. Mọi thứ nơi đây như chưa hề có dấu chân người. Đầu nguồn con suối lạ với 2 nguồn nước nóng, lạnh được đánh dấu bằng ống sắt, nghe nói các nhà địa chất đã làm dấu lúc tìm ra nguồn nước kỳ lạ này.
Quanh ống sắt đó, cái ống sắt mà mấy anh kiểm lâm gọi là “ống sắt thần” ấy được đào một cái ao sâu khoảng 30 tấc, đường kính rộng gần 1m chứa nước trong vắt, nóng hơn 800C, người ta thường bỏ trứng gà vào luộc hồng đào thưởng thức rất ngon.
Thưởng thức trứng gà sau khi luộc
Cũng từ đây, nước tràn ra và chảy thành dòng nhỏ xuống nơi thấp nhất của Bưng Thị. Rồi nước chảy liu riu luồn qua những gốc cây, những lá khô đến một điểm tạo thành một con suối to hơn. Con suối to này chính là nơi tồn tại 2 nguồn nước nóng và lạnh. Nước suối ở đây trong vắt, nhìn thấy rõ mọi thứ dưới đáy.
Đặc biệt, dưới đáy có rất nhiều mạch nước nhỏ sôi lên trắng xoá. Đó có lẽ là những mạch nước làm lạnh dòng nước nóng tạo ra độ ấm để người ta có thể ngâm chân được.
Đến đây không chỉ thích thú với suối nước nóng. Mùa xuân này, chúng ta sẽ được tha hồ ăn những loại trái cây rừng như: say, cám, trâm, thị…Không nhiều như cây sến chỉ biết ra hoa nhưng say, thị ở đây cũng đủ để du khách thưởng thức khi vào mùa trái chín. Dễ ăn nhất là thị, thị thấp lè tè, dễ hái.
Chẳng thế mà dân gian gọi khu này là Bưng Thị. Tôi cũng tranh thủ thưởng thức thật nhiều và cảm giác lạ lẫm, thú vị dâng tràn.
Trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, du lịch sinh thái cáp treo lên chùa núi đã hình thành và phát triển mạnh mẽ. Còn lại Bưng Thị, với con suối nước nóng kỳ lạ và sự đa dạng phong phú của động, thực vật nơi đây cũng rất cần được đầu tư để phát triển du lịch. Có như vậy thì Bưng Thị mới được nhiều người biết đến hơn.
Bình luận (0)