Đường đến khoảng 3 km, bắt đầu từ cổng Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc vào khu Nhà máy chè 1/5, phải qua nhiều con đường ngoằn ngoèo mới tới suối Đá Bàn. Nó là dòng chảy nối tiếp của suối Đại Lào, rồi nhập chung với Đại Bình trước khi đổ ra sông La Ngà.
Khi chúng tôi đến (lúc 15 giờ), tại khu vực này có 8 em tuổi từ 12-16, đang dạo chơi, câu cá hoặc khoác tay nhau đứng nhìn dòng chảy của bờ đập tràn. Đi tiếp tục theo con đường mòn nhỏ, gặp những người chạy xe máy chở chè về vội vã, họ nói hằn học: “Bộ mấy người muốn chết hay sao mà mò vào đây!”. Rõ ràng, họ là những người có tâm muốn cảnh báo với những ai mạo hiểm.
Trước mặt chúng tôi là suối Đá Bàn với những phiến đá rộng, trơn láng có thể nằm, ngồi hàng vài chục người một cách thoải mái. Bên cạnh là những con thác nhỏ, nước sủi bọt trắng trải dài gần 100 m vọng lên âm thanh huyền hoặc như “đàn trời”. Xung quanh, nơi chúng tôi đứng, có 3 hồ nước, mỗi hồ khoảng 80 m2 nối tiếp nhau.
Nước từ đáy hồ cuồn cuộn đẩy lên như muốn nhảy chồm lên không trung. Xa hơn nữa, là không gian với những hàng cây xanh hoang dã phủ lên bờ suối như tranh vẽ. Suối Đá Bàn có thể nói là thác Đá Bàn mới đúng nghĩa. Những hình ảnh hoang sơ của núi rừng, thác đổ với những bóng cây cao ngất còn đặc quánh thiên nhiên chưa bị bàn tay con người can thiệp. Đó là lý do làm tăng thêm tính tò mò của độ tuổi mới lớn.
Trên bờ suối khoảng 10 m có một tấm đúc xi măng như bia mộ mang hàng chữ “Cảnh báo suối sâu trơn trợt, coi chừng chết đuối”. Anh Toàn, người chủ vườn cà phê gần khu tử địa, cho chúng tôi biết: “Tấm bia này do cha mẹ của các cháu bị chết đuối làm. Họ đặt lên đồi để cảnh báo, nhắc nhở các cháu khác vào đây chơi!”. Anh Toàn cho biết thêm, gần như năm nào cũng có người chết đuối, chủ yếu là học sinh cấp II, III. Phần đông các cháu chỉ đến chơi là chính. Do nền đá rất trơn, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị trượt chân. Chỉ một em vô ý tuột xuống hồ là cả nhóm ào ra cứu dẫn đến chết chùm.
“Đây anh xem, trơn thế này làm sao không ngã xuống được! Mà nếu sẩy chân sẽ không thể vào bờ được, vì nước sâu đến 3 m và sức nước rất mạnh lại chảy xoáy vòng trong hồ” - Anh Toàn khua chân làm thử. Và, anh lại lắc đầu: “Không hiểu vì sao các em chết đuối ở đây đa số đều ở tư thế ngồi?”.
Lúc chúng tôi đến, ở đây vẫn còn la liệt những lốp xe đã cháy dở, những bó nhang cắm xiêu vẹo, 2 tấm chiếu còn mới nằm vắt vẻo ở gốc cây xoài… Tất cả, những di vật ấy đã gợi lên hình ảnh đau thương của những con người xấu số.
Có lẽ, từ bao năm nay, nước mắt của người thân đã rơi xuống ở khu tử địa này không ít. Không ít người đã khàn tiếng réo gọi tên con mình trong vô vọng, nhưng thác vẫn sùi bọt và nhiều người vẫn đến!
Bà Thiện (60 tuổi) sinh ra và lớn lên tại khu suối Đá Bàn, khi được hỏi có khoảng bao nhiêu người đã rơi xuống hố không có ngày về, bà tần ngần bấm từng đốt ngón tay nhẩm tính từ con số 2 đến 4 đến 10... “ít ra cũng trên 20 người”. Rồi, bà chép miệng: “Tội quá, những đứa học sinh xấu số, bị chết oan uổng!”. Tuy thế, theo sự ước đoán của những cư dân bản địa, tại suối Đá Bàn này đã có tới cả trăm người chết đuối, không chỉ trẻ em mà còn có cả người lớn nữa.
Bình luận (0)