xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Khi sơn nữ vùng cao xem tình yêu hơn cái chết

Theo Thiện Thành (CSTC)

Chuyện đời đẫm nước mắt của cô sơn nữ vùng cao Mạc Thị H. (Nghệ An) khiến ai nghe ra cũng khó cầm lòng

Cả anh và chị đều là những người đang phải mang trong mình căn bệnh thế kỷ, anh vì những nông nổi của tuổi trẻ mà chuốc họa vào thân, còn chị là nạn nhân từ người chồng sa ngã quá cố.

Số phận run rủi sắp xếp cho hai người gặp nhau khi cùng sinh hoạt chung trong CLB "Khát vọng", do chị khởi xướng để tuyên truyền, cảnh báo và trang bị kỹ năng giúp giới trẻ tránh xa căn bệnh AIDS quái ác.

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) nổi tiếng khắp cả nước bởi phong trào đào đá đỏ tìm vận may đổi đời. Hàng trăm bưởng vàng, đại ca giang hồ tứ chiếng kéo đến tranh giành lãnh địa, chém giết lẫn nhau để mong thay đời đổi vận.


Chị Mạc Thị H. với công việc hằng ngày.

Chị Mạc Thị H. với công việc hằng ngày.

Hệ lụy vô cùng khủng khiếp, cơn lốc đá đỏ nhanh chóng đi qua, cuốn theo những người vợ mất chồng, con cái mất cha, bệnh tật lây lan, ma túy, cướp bóc tràn lan và dai dẳng khiến phố huyện hàng chục năm sau còn gồng mình trong tiêu điều, xơ xác.

Một trong những nỗi đau có thật, còn dai dẳng mãi đến tận hôm nay, ấy là căn bệnh thế kỷ AIDS lây truyền từ người này qua người kia, thế hệ này qua thế hệ khác, và chuyện đời đẫm nước mắt của cô sơn nữ vùng cao Mạc Thị H. (SN 1984), trú xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) là một minh chứng điển hình cho hệ lụy từ tệ nạn này.

Bi kịch đời người sơn nữ vùng cao

Trong câu chuyện đời mình bên cửa hàng tạp hóa, cũng là "cần câu cơm" đã cứu rỗi gia đình "rổ rá cạp lại" theo cách nói của chị suốt mấy năm qua, chị Mạc Thị H. tâm sự: Bản thân chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Thái êm đềm.

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, chị được bố mẹ ưu ái, tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ với tâm niệm, sau này thành danh sẽ quay trở về bản để giúp đỡ bà con chống lại đau ốm, bệnh tật. Ước mơ đó cũng đến ngày thỏa nguyện, chị H. sau khi tốt nghiệp đã trở về bản, với chút vốn liếng nho nhỏ do cha mẹ dành dụm được, đã mở quầy thuốc tây đầu bản để phục vụ bà con.

Với một sơn nữ xinh đẹp như H., lại có học thức, công việc đàng hoàng luôn là niềm ước mơ của bao nhiêu chàng trai bản. Thế nhưng, từ khi Vi Văn Thế (39 tuổi), người con của núi rừng ở bản bên xuất hiện thì trái tim H. đã biết thổn thức.

Một năm sau ngày ra trường, H. đã lên xe hoa về nhà chồng, trở thành vợ người ta trong sự ngơ ngẩn, tiếc nuối của bao nhiêu chàng trai bản.

Ấy là thời điểm cuối năm 2007, đám cưới giản dị nhưng ấm cúng được tổ chức theo phong tục người Thái ở vùng cao xứ Nghệ đã khiến chị H. ngất ngây trong hạnh phúc.

Càng viên mãn hơn nữa khi chỉ một năm sau đó, một bé gái bụ bẫm chào đời càng làm cho tổ ấm ấy thêm mật ngọt. Ngày ngày, chị H. ở nhà chăm con, bán thuốc mưu sinh, còn anh Thế búa rìu theo từng tốp thanh niên trai tráng trong bản vào rừng kiếm kế sinh nhai.

"Gia đình tôi ngày ấy ai nhìn vào cũng thầm ghen tỵ, và đã có lúc tôi cũng ngộ nhận với hạnh phúc lớn lao ấy, nhưng rồi ngày vui ngắn chẳng tày gang. Sau 4 năm chung sống, thấy sức khỏe của chồng tôi giảm sút rất nhanh. Trực giác của một người đã từng học qua ngành y cho tôi dự cảm xấu về sức khỏe của chồng nên đã đưa anh đi khám tại bệnh viện.

Khi cầm kết quả xét nghiệm của anh Thế dương tính với virus HIV trên tay, tôi choáng váng, ngất tại chỗ vì không tin vào mắt mình", chị H. nhớ lại chuyện ngày xưa cũ, ngân ngấn nước mắt vì không làm chủ được cảm xúc. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất mà chị phải đón nhận, bởi sau khi tự mình đi xét nghiệm, chị cũng có kết quả dương tính với căn bệnh thế kỷ này.

Không còn nghi ngờ gì nữa, chị đã bị lây nhiễm từ chồng. Lúc này, Thế mới thú nhận, trong những lần anh đi rừng với bạn bè, đã không thể vượt qua được ma lực và cám dỗ của nàng tiên nâu, thậm chí là cả với gái mại dâm. Tất cả đều bừa bãi, chung chạ.

Hơn một lần, chị H. cầm kết quả xét nghiệm của chồng và bản thân, đi dọc con sông Hiếu cuồn cuộn nước từ thượng nguồn đang chảy về xuôi. Nhưng rồi may mắn đã không hoàn toàn quay lưng với chị, khi đứa con chị dứt ruột sinh ra khỏe mạnh, không có mầm bệnh của HIV và đó chính là động lực duy nhất níu giữ chị ở lại.

Chia sẻ ngày dại dột khi có ý định tìm đến cái chết, chị H. cười hiền, nếu ngày đó không chín chắn, chẳng biết con gái bây giờ sẽ ra sao nữa. Quan trọng hơn, với những gì chị đã mẫn cán làm trong suốt 6 năm qua, đặc biệt là với gia đình nhỏ mà hiện tại chị đang có được, có lẽ là món quà mà tạo hóa đã ban tặng sau những gì bầm dập cuộc đời mà chị phải hứng chịu.

Hành trình xây đắp tổ ấm trong hao khuyết

Tháng 7-2011, sau 4 tháng phát hiện "án tử" ập đến với hai vợ chồng, anh Vi Văn Thế vĩnh viễn rời xa hai mẹ con, để lại cho chị khoảng trống vời vợi không dễ gì khỏa lấp. Chị bảo, thời gian sau khi chồng mất, chị dựa vào con mà sống.

Cũng vì con, với kiến thức có được trong những năm tháng thoát ly bản làng lên thành phố trọ học, chị đã tự mình dũng cảm đến Trung tâm phòng chống HIV của huyện Quỳ Châu, rồi khăn gói lên tỉnh để nhờ tư vấn cách hỗ trợ, điều trị nhằm chống chọi với căn bệnh quái ác này.

Từ đó đến nay, nhờ tuân thủ phác đồ điều trị và uống ARV đều đặn nên chị đã chiến thắng được sự thâm nhập của virus HIV. Bằng chứng là sau 6 năm kể từ khi phát hiện bị lây nhiễm HIV từ chồng, chị vẫn giữ được dáng vóc, không bị sụt cân và diện mạo bên ngoài cơ thể cũng không có dấu hiệu tàn phá của căn bệnh này.

Không những thế, từ bản thân mình, cùng với việc chị phát hiện ra trên địa bàn ngày càng có thêm nhiều nam thanh nữ tú tự treo mình vào gông "án tử" lơ lửng từ HIV do thiếu kiến thức phòng tránh, chị H. đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Hy vọng" với mong muốn kết nối những người cùng cảnh ngộ để họ sống tốt hơn, và kéo dài phần đời còn lại của mình một khi chẳng may lâm vào cảnh ngộ giống mình.

Công việc hằng ngày của chị là đến các thôn bản từng là "điểm nóng" về các loại tệ nạn xã hội để tuyên truyền bằng cách nói chuyện, rải tờ rơi, thậm chí đến từng nhà để truyền đạt kinh nghiệm cách phòng, tránh lây nhiễm HIV. Ban đầu, nhiều người dị nghị, cho rằng chị thần kinh không bình thường, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng.

Nhiều ông bố, bà mẹ thấy chị lỉnh kỉnh tập tài liệu phổ biến kiến thức phòng lây nhiễm HIV trên tay đến cổng nhà đã thẳng thừng đuổi cổ. Buồn, nhưng chị không chùn chân. Cứ như vậy, chị kiên nhẫn thi gan với thời gian, mưa dầm thấm lâu, dần dà nhiều người hiểu ra, từ chỗ quay lưng đã cùng chị đồng hành.

Đến nay, CLB "Hy vọng" của chị H. đã quy tụ được trên 15 thành viên, là những người có H+, nhưng vẫn có niềm tin và nghị lực sống, hằng tháng đều đặn sinh hoạt theo định kỳ, trở thành lá chắn vững chãi cho những người cùng có chung cảnh ngộ.

Không những thế, nơi đây còn ươm mầm, tạo dựng hạnh phúc lứa đôi cho những mảnh đời hao khuyết, mà câu chuyện tình của chính chủ nhiệm Câu lạc bộ là một trong những điều kỳ diệu ấy.

Chả là, trong số những thành viên tham gia CLB "Hy vọng" của chị H., anh Lương Văn Th. (35 tuổi), trú tại bản Bon, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, cũng là một hoàn cảnh rất đáng thương. Sau khi kết hôn và có với nhau một đứa con gái, vì cuộc sống quá túng bấn, vợ Th. đã bỏ xứ đi biệt, để lại hai cha con trong căn nhà dột nát.

Hận vợ, thương con, anh Th. từ một người siêng năng, hiền lành đã bỏ bê, sinh ra nát rượu, rồi bạn bè rủ rê bập vào ma túy lúc nào không hay. Sau những lần chích choác chung chạ kim tiêm, anh đã bị nhiễm HIV. Biết hoàn cảnh và số phận của anh, chị H. đã chủ động kéo anh về với CLB "Hy vọng", vận động anh cai nghiện thành công, trở thành thành viên đắc lực từ những ngày đầu thành lập.

Anh chị sinh hoạt cùng nhau, trái tim dần sẻ chia, đồng cảm rồi cùng chung nhịp đập. Nhưng phải đến hơn 4 năm sau kể từ ngày chồng mất, chị H. mới mở lòng, thương hai đứa trẻ thiếu cha, thiếu mẹ, chị H. và anh Th. đã quyết định về sống với nhau dưới một mái nhà để chăm lo tương lai cho hai cháu.

Vậy mà cũng đã hơn một năm, hai anh chị chính thức xây lại tổ ấm sau bao vụn vỡ. Anh Th. cũng dần tìm lại được chính mình, ngày ngày chăm chỉ cùng vợ tảo tần nuôi hai đứa con ăn học. Năm nay, đứa lớn bước vào lớp 8, còn đứa nhỏ cũng đã học lớp 4, hai vợ chồng dồn cả tình thương cho hai đứa nhỏ.

Chị H. không chỉ trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả gia đình, bây giờ, chị còn coi việc chăm sóc con riêng của chồng như con đẻ của mình. Với các thành viên trong CLB "Hy vọng" nói riêng cũng như bà con dân bản ở huyện Quỳ Châu nói chung, từ nhiều năm qua, vợ chồng chị H., anh Th. đã trở thành những người giữ và truyền lửa cho những số phận cùng cảnh ngộ, để giúp họ vượt qua bi kịch nghiệt ngã của số phận, để từ đó vươn lên trong cuộc sống.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo