Anh Sự và cây thuốc quý chữa rắn cắn.
Sống ở thung lũng rắn độc
Từ thị trấn Phố Ràng theo đường bộ, rồi đi đò qua sông Chảy đến xã Xuân Hòa, núi Đại Thần hùng vĩ hiện ra như bức tường thành che chở cho dân làng. Theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa: Núi Đại Thần là nơi linh thiêng với nhiều truyền thuyết bí ẩn. Đối diện đó là đồi Khuẩy Chắn uốn lượn như hình con rắn lớn bao bọc lấy xã Xuân Hòa.
Các bậc cao niên ở địa phương cho rằng, chính đồi Khuẩy Chắn và núi Đại Thần là những bức tường của thần linh, biến Xuân Hòa thành một “lòng chảo” của núi, thung lũng của rắn độc.
Xưa kia, khi những cánh rừng già còn nguyên vẹn, đó là nơi sinh sống của những loài rắn độc và hung dữ nhất. Các bậc cao niên còn cho hay, núi Đại Thần là nơi trú ẩn của những loài rắn khổng lồ được gọi là rắn mây. Bây giờ, hầu như không ai còn nhìn thấy nữa, chứ trước đây, đó là cả một vùng hoang sơ, rộng lớn.
Ông Nguyễn Xuân Thanh cho biết thêm: “Ở vùng núi này có đủ loại rắn, từ hổ mang, đến rắn lửa, rắn lục… Có nhiều người bị rắn cắn rồi. Bây giờ, chủ yếu là rừng trồng, không phải rừng nguyên sinh, nên rắn lớn cũng ít xuất hiện”.
“Anh Sự là lang y có phương thuốc gia truyền để chữa rắn. Tuy không có bằng cấp, nhưng hơn 20 năm qua, anh đã chữa trị cho nhiều người thoát khỏi cái chết. Quê tôi có nhiều người bị rắn độc cắn, nhưng anh Sự đều chữa được”- ông Nguyễn Xuân Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa cho biết.
|
Một trong những thợ bắt rắn ở địa phương đã từng nhìn thấy rắn khổng lồ ở núi Đại Thần là ông Hoàng Bích. Gặp chúng tôi ở trụ sở Ủy ban nhân dân xã Xuân Hòa, ông Bích kể lại: “Trước năm 2000, khi tôi đi săn rắn thì bất ngờ thấy trong hang đá có tiếng động lạ. Tôi đốt lửa đi vào thì thấy con rắn hổ mây lớn như con trăn. Vì sợ quá, tôi chỉ còn biết đứng chôn chân. Thấy ánh lửa, con rắn khựng lại, đứng thẳng lên, mắt đỏ như lửa, phùng mang to như cái quạt mo”.
Sau thời gian đó, ít ai thấy ông Bích lên núi Đại Thần săn rắn. Người ta chỉ còn thấy ông quanh quẩn bắt rắn ở những cánh rừng phía đồi Khuẩy Chắn hoặc ở các con suối dưới chân núi. Và cũng không biết từ bao giờ, vùng đất dưới chân núi Đại Thần lại trở thành thung lũng rắn độc. Vùng đất này cũng xuất hiện nhiều “thần y” chữa, trị rắn cắn và cũng nhiều người hành nghề bắt rắn siêu tài.
Kỳ tài bắt rắn
Một trong những người được mệnh danh là “thần bắt rắn” là anh Châu Văn Sự, sinh năm 1970, dân tộc Tày. Chúng tôi tìm đến, nhưng ngôi nhà sàn không bóng người. Một người hàng xóm cho biết, anh đi vào rừng bắt rắn. Phải chờ đến gần tối, anh Sự mới trở về nhà. Anh bảo: “Hôm nay, tôi bắt được con rắn hổ mang, ra đến cửa rừng gặp khách mua nên bán luôn. Dạo này rắn ít, khó tìm và cũng khó bắt hơn trước”.
Theo lời anh Sự, ngay từ nhỏ anh đã được theo cha vào rừng bắt rắn. Cha anh là ông Châu Văn Thường từng là một thợ bắt rắn nổi tiếng ở Bảo Yên. Anh sống được, lớn lên được cũng là nhờ con rắn. Vì hằng ngày, cha con anh đều lên rừng bắt những con rắn to nhất, dài nhất và độc nhất để về bán lấy tiền đong gạo.
Anh Sự bảo: “Nghề bắt rắn chẳng biết sống chết lúc nào. Nhìn thấy con rắn là thích, nhưng cũng đồng nghĩa đối mặt với tử thần”.
Bỏ qua những âu lo về nghề, anh Sự bật mí cho chúng tôi cách bắt rắn khác thường: Không dùng gậy cũng không dùng móc câu mà dùng một sợi dây dài buộc kiểu thòng lọng. Khi nhìn thấy rắn thì đuổi theo rồi quăng dây thắt nút con rắn lại. Tuy nhiên, theo anh Sự, cách bắt này không đơn giản. Người thợ phải biết cách và được thực hành nhiều lần.
Nếu không sẽ khó bắt được rắn, ngược lại còn bị rắn quay lại trả thù. Để đề phòng, ngoài các phương thuốc bí truyền mang trong người, anh Sự còn mang theo một thân cây khoai. Lý giải điều này, anh Sự cho biết: “Nếu rắn quay lại cắn, dùng gậy đánh sẽ là vô ích, chỉ dùng cây khoai mà quật xuống thì con rắn sẽ bị gẫy khúc và nằm yên”.
43 tuổi đời thì đã có hơn 30 năm làm nghề bắt rắn, nhưng anh Sự bảo, làm nghề này không giàu được, chỉ đủ ăn mà thôi. Với lại, bắt rắn cũng phải chờ mùa chứ không phải lúc nào cũng làm được.
Chữa rắn cắn bằng phương thuốc gia truyền
Từ lúc anh Sự theo cha đi bắt rắn cũng là lúc được thừa hưởng phương thuốc gia truyền mà dòng họ để lại để chữa trị khi bị rắn cắn. Nhưng mãi đến năm 18 tuổi, anh Sự mới đủ tự tin để chữa cho bệnh nhân.
Anh Sự kể: “Ca đầu tiên là chữa cho ông Hoàng Văn Đạt ở thôn Mai Thượng. Khi ấy, ông Đạt bị rắn hổ mang cắn vào tay, độc tố đã phát tác khiến bệnh nhân kiệt sức, tay sưng phù. Tôi vào rừng lấy lá thuốc, giã ra cho uống, chỉ một lúc sau, tay trở lại bình thường, sức khỏe phục hồi”.
Thậm chí, có những trường hợp bị rắn cắn, bệnh viện trả về mà anh Sự vẫn chữa được. Như trường hợp ông Bính, Trưởng thôn Chuân bị rắn cắn, gia đình đã đóng quan tài, căng phông bạt lo hậu sự. Được anh Sự cho uống thuốc, vì độc tố đã ngấm sâu trong cơ thể, nên anh Sự phải pha chế thuốc mạnh hơn. Chỉ vài tiếng sau, bệnh nhân tỉnh lại và 3 ngày sau sức khỏe đã gần trở lại bình thường.
Nhiều người không tin vào phương thuốc của anh nên đã có người thách đố: Nếu chữa khỏi cho bệnh nhân thì anh Sự sẽ được xe máy và tiền? Anh Sự chữa khỏi nhưng không lấy tiền. Anh bảo: “Tôi chữa bệnh cứu người chứ không phải vì tiền. Nếu vì lời thách đố mà chữa thì tôi không bằng con rắn độc. Hơn 20 năm nay, tôi đã chữa cho nhiều người bị rắn cắn ở khắp nơi, nhưng tôi không đòi ai phải trả tiền bao giờ”.
Theo anh Sự, phương thuốc gia truyền mà anh thừa hưởng là một loại cây trong rừng có chất kịch độc, thậm chí còn gấp chục lần độc lá ngón. Anh đã nhiều lần đem loại cây này về vườn nhà để trồng nhưng không thành công. Nếu đây là cây thuốc quý, bài thuốc tốt thì rất cần ngành chức năng vào cuộc nghiên cứu, thẩm định… để phát huy, nhân rộng.
Bình luận (0)