Thầy Ba Kình
Đời ông cố của Ba Kình có gốc gác ở Cái Tàu, đến Rạch Trại thuộc xã Khánh Lâm (nay là xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) phá rừng trồng lúa lúc ông Ba Kình chưa sinh ra. Năm 1998, khi tôi gặp ông thì ông đã 64 tuổi. Xin nói về địa danh Rạch Trại. Thuở trước, tại con rạch này, dân khai phá cùng nhau cất một cái trại lớn để người đi rừng có chỗ trú mưa nắng, sau này thành tên.
Hồi đó ở vùng này còn nhiều cọp, cá sấu, còn rắn thì nhiều không kể xiết. Độc nhất là rắn hổ. Có rất nhiều loại: hổ mây, hổ đước, hổ đất, hổ đòn cân, hổ điểm, hổ lông, hổ mủ… Rắn hổ mây có hai loại: hổ mây vàng và hổ mây mốc. Hổ mây vàng thường sống ở trên cây, vảy màu vàng điểm nhiều đốm trắng tựa bông trái mây dóc, ngay đỉnh đầu có hình mặt trăng. Hổ mây mốc thường sống ở dưới đất, vảy màu xám. Đây là loại hung dữ nhất, to lớn nhất và độc nhất trong các loại rắn hổ. Người nào vô phước bị nó đớp phải thì chỉ có thầy rắn hổ vào hàng sư tổ mới có thể “đem hồn về nhập xác”!
Vùng U Minh ngày nay vẫn còn truyền tụng nhiều câu chuyện về những cặp rắn hổ mây đã thành tinh. Rằng có những con mình dài cỡ mười mét (?) móc đầu và đuôi vào thân hai cây tràm… tát đìa bắt cá. Chuyện này không ai ký tên! (Theo tài liệu về rắn của Harry Greene - giáo sư sinh vật người Mỹ, Trường Đại học California, trên thế giới chỉ có loài trăn Anaconda Nam Mỹ là loài lớn nhất nhưng chỉ dài không đến bảy mét).
Ông Ba Kình kể: Hồi còn nhỏ, một hôm thấy có chiếc xuồng từ Khánh Hội chở một người đi phát cỏ bị rắn cắn tìm thầy rắn là ông Tư Chức. Không may ông Tư lại đi vắng. Chập sau, chiếc xuồng bơi ngược trở về thì người ấy đã chết. Thấy người thân nạn nhân khóc than thảm thiết, ông mủi lòng khóc theo. Từ đó ông nuôi ý nguyện sẽ đi tầm sư học đạo. Người thầy đầu tiên của ông là ông Hai Mùa, học trò ruột của ông Năm Ngọc - một ông thầy của các thầy ở vùng U Minh. Học đến khi ông Hai Mùa đã “hết sách”, ông tìm đến ông Năm Ngọc thọ giáo.
Gần 40 năm, ông Ba Kình đã cứu sống hơn 200 nạn nhân bị rắn độc cắn, trong đó có nhiều trường hợp chết lâm sàng. “Mấy tình huống mà những thầy rắn non tay nghề phải chịu thua là gặp phải thủ phạm “có thù oán” với nạn nhân (chẳng hạn phát cỏ lỡ tay chém nhằm rắn). Lúc cắn được, con rắn ngậm luôn không nhả. Hoặc nạn nhân gặp phải rắn hổ đòn cân mặt võng, rất độc vì lai với các loại rắn hổ khác”.
Thầy Năm Ngọc
Ông nhớ lại cách đây có đến 30 năm, anh Tư Tấn bữa đó đi thăm ruộng, bị rắn hổ đòn cân mặt võng cắn ngay phía trên bắp đùi. Lần lượt nhiều thầy trong vùng thay nhau trị suốt hai, ba ngày nhưng rồi đều bó tay. Mỗi lần kéo đờm, con bệnh nằm trên bộ ván ngựa bật người, nhảy dựng lên trần nhà. Sau khi xem vết cắn, bắt mạch, ông Năm Ngọc bảo: “Đừng dựng rạp, đóng hòm làm chi”. Tư Tấn sau đó đã có cháu nội, ngoại lủ khủ.
Một lần khác, lúc vợ chồng ông chèo xuồng đi bán mắm trên sông Biện Nhị, gặp chiếc xuồng bốn chèo mũi, lái rẽ nước ồ ồ, bảo đi tìm ông thầy rắn Năm Ngọc. Ông vội la lớn: “Năm Ngọc đây nè, bà con ơi! Quay lại đi!”. Người bị rắn cắn đó ở kinh Khánh Lâm, sau này thỉnh thoảng bơi xuồng đến thăm ông, lúc đem theo cặp gà giò, lúc thì một quày chuối xiêm chín bói.
Năm 1978, ông được một gia đình ở Lung Vườn, xã Khánh Tiến rước về trị cho đứa con gái mới 13 tuổi bị rắn đòn cân mặt võng 24 khoang bò vào cắn ngay “trái chanh” của bàn tay. Đây là chỗ huyệt (nghịch) nhất của con người. Lúc ông đến thì toàn thân cô gái đã lạnh, chỉ ở vùng ngực còn nóng, tim đập rất yếu. Gia đình đã che rạp, đóng quách. Sau khi cô gái được cứu sống, cha mẹ cô đền ơn bằng cách hứa gả cho ông. “Nhưng sau đó do nhiều trắc trở nên duyên nợ không thành” - ông Năm xa xôi nhớ lại.
“Thuốc của qua dùng cây lá ít nhưng ngải nhiều”. Ông cho biết vậy thôi, còn việc dùng tay vuốt ngực bệnh nhân cho hạ đờm, ông không nói ra. Thế nhưng có rất nhiều người trong vùng - kể cả ông Ba Kình, ông Sáu Anh (lúc đó là chủ tịch Hội Y học dân tộc huyện U Minh) đều khẳng định nhiều lần chứng kiến ông Năm Ngọc trị bằng cách dùng tay vuốt: “Mỗi lần như vậy, nghe đờm kéo xuống cái rột”.
Bí mật hay huyền thoại?
Còn chuyện dùng bùa, ông Ba Kình giải thích: có thể do nhìn thấy những cách trị “khó hiểu” như trên, cộng thêm cách hiểu nôm na của từ “bùa ngải” (nếu dụng ngải ắt có dụng bùa?), hoặc chữ Lỗ Ban thì đi đôi với “bùa Lỗ Ban” nên nhiều người ngộ nhận rồi đồn thổi mà ra.
“Nếu một người thầy rắn thiệt thọ, có y đức thì không được đòi hỏi gia chủ sau khi ra tay cứu nạn, nếu họ đền ơn thì nhận, mà chỉ là con gà để cúng tổ hoặc cây trái, khi thì bó rau, con cá… Nghề này là nghề cứu nhân độ thế” - ông Ba Kình tâm sự. “Khi nhập môn thọ giáo, người thầy rắn tương lai phải quỳ lạy, thề trước bàn thờ tổ: Thứ nhất, gặp người bị nạn phải ra tay cứu giúp, cho dù người đó trước đây có hiềm khích, thù oán với mình. Thứ hai, không màng đến danh lợi và thứ ba là không làm những chuyện xằng bậy, hoen ố như dâm ô, trộm cắp…”.
Trong chuyến đi ấy, tôi đã gặp gỡ, trò chuyện với ít nhất bảy ông thầy rắn vào hạng giỏi nhất ở vùng U Minh. Lạ một điều là hầu như ông thầy nào cũng không truyền nghề lại cho con cháu. Hỏi thì được trả lời “rủi lớp con cháu có đứa vì danh lợi mà làm những việc thất đức thì trước tiên là nghiệp tổ rồi đến dòng họ sẽ bị hoen ố, thanh danh lụn bại”. Những người tôi đã gặp gỡ đó, “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.
Bình luận (0)