Tuy nhiên, do nạn săn bắt cá hô tràn lan khiến cá hô ngày càng khan hiếm. Để bảo vệ loài cá này, năm 2001 UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra Quyết định số 19 cấm khai thác cá hô ngoài tự nhiên. Chấp hành theo quy định, nhiều ngư dân săn cá hô đã bỏ nghề. Để biết về quá khứ, chúng tôi đã tìm đến những lão ngư săn cá hô nổi tiếng.
Ngư dân đánh bắt được cá hô nặng gần 100kg (ảnh từ Internet)
Vua của các loài cá ở Miền Tây
Được sự hướng dẫn của một cán bộ Chi Cục thủy sản tỉnh, chúng tôi tìm về khóm 6, phường 6, thành phố Cao Lãnh để tìm gặp chú Tư Đuột (Lê Văn Đuột, 58 tuổi), một ngư dân lão luyện trong nghề săn cá hô ở đất Cao Lãnh để tìm hiểu về loài cá được cho là vua của các loài cá ở miền Tây. Gặp người khách trẻ muốn tìm hiểu về loài cá hô, chú Tư Đuột rất ngạc nhiên nhưng rồi cũng vui vẻ tiếp chuyện.
Chú Tư Đuột nói, chuyện săn cá hô của chú đã là chuyện của quá khứ nhưng ký ức về cá hô và nghề săn cá hô thì vẫn còn mãi trong tâm trí. “Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20 là thời cá hô có rất nhiều. Trong ba mùa từ năm 1991 đến 1993, tôi bắt được 42 con, trong đó con lớn nhất là 137kg. Có ngày, trong 1 tiếng đồng hồ mà tôi dính được đến ba con. Lúc đó, cá hô rẻ lắm giá chỉ khoảng 10 đến 15 ngàn đồng/kg nên bắt xong tôi buộc dây neo trên bến sông chờ bạn hàng đến cân, trong một tuần mà tôi neo lại gần chục con”, chú Tư Đuột hào hứng kể cho tôi nghe.
Theo lão ngư này thì, cá hô có hai loại: cá hô trắng (cá hô hoa cà) và loại cá hô đen. Cá hô đen mạnh và thịt ngon hơn cá hô trắng. Ông cũng không biết cá hô từ đâu đến nhưng theo những người làm nghề săn cá hô như ông kể lại thì cá hô có thể từ trên Biển Hồ đổ xuống sông Tiền, sông Hậu trong mùa lũ để kiếm ăn, sinh sản.
Tập tính của cá hô thường thích sống ở vùng nước êm, sâu và xoáy, khu vực Vàm Hổ Cứ và gần bến phà Cao Lãnh là nơi được cá hô chọn trú ngụ. Vì thế, nơi này, cách đây vài chục năm dân săn cá hô đã bắt rất nhiều cá hô có trọng lượng từ 70 đến 180kg. Khi nước lũ rút, nước bắt đầu trong trở lại, độ từ khoảng tháng giêng đến giữa tháng 5 (âm lịch) là mùa đánh bắt cá hô.
Cá hô tuy là loài cá lớn nhưng nó rất hiền, chủ yếu là ăn rong rêu, ốc... ở đáy bùn nên cá hô không bao giờ ăn mồi nhử của người đi câu. Do muốn phô diễn sức mạnh của mình nên cá hô thường thích đâm đầu vào lưới để chứng tỏ mình. Người săn cá hô chỉ việc dùng lưới giăng bẫy.
Để bắt được cá hô, người săn phải dùng loại lưới quàng dài khoảng 100m trở lên, bề rộng từ 10 đến 15m và mắt lưới từ 3 tấc đến 6 tấc giăng ngang sông Tiền. Loại lưới quàng này do những người săn cá tự đan, muốn cá không thoát thân được, lưới phải đan bằng loại dây có kích thước lớn hơn đầu đũa ăn một tí. Một giàn lưới quàng như thế phải tốn vài triệu đồng.
Ông Tư Đuột và bộ lưới quàng săn cá hô còn lưu giữ
Ngoài chú Tư Đuột, ở Cao Lãnh còn có những tay săn cá hô nổi tiếng như ông Hai Hoanh (ấp Tân Tịch, xã Tịnh Thới), Năm Mách (xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò), ông Tám Trạng (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò), trong đó kỳ cựu nhất và được xem là người khởi xướng cho nghề săn cá hô nơi đây là lão ngư Tám Trạng.
Người khởi nghiệp nghề săn cá hô
Lão ngư Tám Trạng tên thật là Nguyễn Văn Khai, năm nay đã 82 tuổi. Dù đã bước qua cái tuổi xưa nay hiếm nhưng sức khỏe ông vẫn tốt và còn minh mẫn. Kể về chuyện săn cá hô xưa kia, ông Tám Trạng hồ hởi cho biết: “Cách đây khoảng 50 năm, vùng này chưa có nhiều người săn cá hô đâu. Khi đó, tôi thấy những người Chăm miệt Châu Đốc An Giang xuống đây thả lưới săn cá hô dính nhiều quá, tôi lân la theo họ học nghề. Thấy tôi nhiệt tình, những người này chỉ cách bắt và sang lại cho tôi bộ lưới của họ. Lúc đó, bộ lưới đánh bắt trị giá cũng vài chỉ vàng chứ không hề rẻ. Gia đình cản nhưng tôi quyết định theo nghề săn cá hô từ đó”.
Lúc đầu bộ lưới của ông Tám Trạng chỉ bắt toàn cá hô nhỏ loại 30-40kg. Cá lớn 80-90kg đâm vào lưới là bị rách và thoát thân. Tức mình, gần nữa tháng liền ông mày mò nghiên cứu tháo ra và đan lại mắc lưới có kích thước 6 tấc. Từ đó, ông bắt được nhiều con cá hô có trọng lượng từ 100kg đến 150kg. Cá biệt có lúc ông dính cá hô nặng đến 180kg.
Từ lúc vào nghề săn cá hô cho đến lúc bỏ nghề theo lệnh cấm đánh bắt cá hô của UBND tỉnh Đồng Tháp vào năm 2001, ông Tám Trạng không nhớ nỗi mình bắt được tổng cộng bao nhiêu con cá hô. Ông chỉ nhớ, những con cá hô của ông bắt được gọi bạn hàng đến đem xe lôi về bến phà Cao Lãnh xẻ thịt cân, có những con có trứng nặng vài ký lô. Người ta tò mò đến xem đông như hội.
Tuy thời điểm đó, giá cá hô chỉ khoảng 10 đến 20 ngàn đồng/kg, thế nhưng mỗi lần bắt được cá hô là vợ ông lại sắm thêm được vài chỉ vàng, gia đình ông lại có cuộc sống “phây phây”.
Là người có nhiều kinh nghiệm săn cá hô nên ông Tám Trạng biết rất rành về loại cá này. Ông mô tả, muốn đánh bắt cá hô, người bắt phải biết quy luật kiếm ăn của chúng. Trong một tháng cá sẽ đi kiếm ăn khoảng 3-5 ngày theo con nước ròng. Thường là vào các ngày 17, 18, 25, 27 cá hô đi kiếm ăn nhiều, canh mà bủa lưới bắt.
Ông Tám Trạng kể: “Thời trước có những con cá hô lớn, phóng lên mặt nước và buông mình xuống giống như bom dội vậy đó. Loại cá này ngu lắm, thấy nó quậy như thế, về nhà lấy bộ lưới quàng ra giăng khoảng 1 giờ là dính. Thấy tôi “làm ăn” được mấy người khác bắt chước làm theo rần rần. Tôi đã kịp truyền nghề lại cho con trai và nó cũng theo nghề cho đến khi Nhà nước cấm đánh bắt”.
Nghe kể về chuyện xem tivi thấy ở miệt Mỹ Thuận ngư dân bắt được cá hô trên 100kg gần đây, ông Tám Trạng nói. “Nếu Nhà nước không cấm đánh bắt, còn sức khỏe tôi sẽ tham gia. Săn cá hô mê lắm”.
Bình luận (0)