xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm cá quý dưới sông sâu

Theo NGÔ CHUẨN (An Giang Online)

Là một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang được hưởng lợi thế lớn khi có nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào. Trong đó, có những loài cá quý thuộc loại đặc sản mà vùng khác ít có được, như: Bông lau, cá sửu, cá tra dầu, cá cóc, cá sọc dưa, mè hôi, cá kết... Những con cá to ngon, có giá trị cao thường tập trung ở sông Vàm Nao, vị trí kết nối lớn nhất giữa sông Tiền và sông Hậu.

Nguồn thủy sản dần cạn kiệt
 
Mỗi chú cá to dính lưới có khi bán được tiền triệu nhưng cuộc sống của ngư dân Vàm Nao vẫn nghèo bởi lâu lâu họ mới “trúng” cá được một lần. Trong khi đó, lượng cá tự nhiên cũng ngày càng sụt giảm. Gần chục năm theo nghề bủa lưới ở sông Vàm Nao, chưa khi nào ông Huỳnh Văn Đựng (ba Đựng), ấp Bình Quới 2 (xã Bình Thạnh Đông, Phú Tân), lại thất thu như mùa này.
 
Những năm trước, việc thường xuyên bắt được cá ngon nặng từ vài ký đến cả chục ký là chuyện bình thường. Tuy nhiên, suốt từ đầu mùa đánh bắt cho đến nay, lưới của ba Đựng chỉ dính được 5 con cá sửu nhỏ với trọng lượng từ 1 – 2kg, 1 con cá sọc dưa nặng 3kg cùng vài con cá cóc nặng từ 2,5 – 3kg/con.
 
"Năm nay, cá được thương lái mua có giá cao hơn năm ngoái. Cụ thể, cá sửu nhỏ bán được 85.000 đồng/kg, cá sọc dưa 70.000 đồng/kg, còn cá cóc lớn lên đến 120.000 đồng/kg nhưng không có để bán. Tính ra năm nay lượng cá bắt được chưa bằng 1/4 năm trước”, bà Lê Thị Hóa, vợ ba Đựng, than vãn.

img
Đánh lưới đèn trên sông Vàm Nao.
 
Khi chúng tôi ghé thăm, ba Đựng cho biết, hơn 1 tuần nay, ông không bắt được con cá nào dù mỗi ngày đều đi thả lưới 3 lần trên sông Vàm Nao vào sáng sớm, trưa và tối (canh lúc nước ròng). “Chưa kể công sức bỏ ra, chỉ tính tiền xăng thôi cũng đã tốn vài trăm ngàn đồng nhưng lưới thì vẫn trống không. Vợ tôi nản chí quá nên không theo bủa lưới nữa mà đi phụ tiếp may bao cho một người bà con trong xóm, kiếm tiền gạo và thức ăn. Mùa này thất thu quá nên phần lớn ngư dân đã gác lưới chờ đến mùa nước đi bắt cá linh, chỉ còn rất ít hộ đeo theo nghề thả lưới lết ở Vàm Nao”, ba Đựng thông tin.
 
Vẫn bám theo sông nước
 
Theo ông Phan Văn Hổ (tám Hổ), ngư dân ấp Vàm Nao (xã Tân Hòa, Phú Tân), ba Đựng được biết đến là một tay săn cá giỏi trong vùng, nhất là với những loại cá ngon như cá sửu, cá cóc. Do vậy, đến cả ba Đựng còn chịu thua không bắt được chúng, chứng tỏ lượng cá tự nhiên này hiện không có nhiều.
 
“Sở dĩ cá sửu, cá cóc, bông lau và một số loài cá ngon khác thường tập trung về sông Vàm Nao, bởi đặc tính con nước nơi đây khá sâu và luôn chảy mạnh (do sự chênh lệch mực nước giữa sông Tiền và sông Hậu tạo ra). Riêng loài cá sửu thì ẩn nấp theo các mô đất dưới đáy sông để chống chọi lại dòng nước luôn chảy xiết. Muốn bắt được chúng phải chọn loại lưới lết có dạo sâu 11 – 12m, độ dài từ 400 – 500m, thả phao nổi lên mặt nước còn lưới thì rà sát đáy sông, phủ lên các mô đất lồi lõm nơi cá sửu ẩn nấp. Đặc tính của loài cá này là vừa kéo lên khỏi mặt nước sẽ bị lòi bong bóng chết ngay. Tuy nhiên, chúng vẫn bán được giá cao. Ngoài cá sửu, lưới lết cũng có thể bắt được cá cóc, mè hôi, mè vinh, thác lác...”, tám Hổ giải thích.
 
img
Tranh thủ vá lại lưới chuẩn bị mẻ đánh mới.
 
Cũng theo tám Hổ, đối với những loài sống từ giữa lưng chừng nước đến gần đáy sông như bông lau, cá tra dầu, cá kết... ngư dân thường dùng loại lưới đèn để bắt. Đây là loại lưới có dạo sâu 15m nhưng chiều dài ngắn hơn lưới lết, chỉ khoảng 300m. Loại lưới này thường được bủa vào ban đêm.
 
Ngư dân thường đặt những chiếc đèn dầu có kính chắn gió nổi trên mặt nước dọc theo tay lưới để báo cho tàu bè biết khu vực săn bắt cá. Đồng thời, hệ thống đèn cũng nhằm phân biệt vị trí lưới của mỗi người và báo hiệu cho ngư dân biết chỗ nào vừa dính cá.
 
“Ở ấp Vàm Nao này, mỗi hộ thường có vài loại lưới khác nhau để khai thác cá theo mùa. Đến mùa lũ, họ tổ chức thành đoàn đi bủa lưới cá linh ở đồng xa. Hết mùa lũ lại quay về sông Vàm Nao chuẩn bị tập trung mùa săn cá bông lau (từ Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 3 âm lịch). Đây cũng là mùa làm ăn xôm tụ nhất, mang lại nguồn thu nhập cao nhất cho ngư dân Vàm Nao. Hết mùa bông lau, họ lại tiếp tục khai thác những loài cá khác cho đến mùa nước nổi lại chuyển sang cá linh...”, tám Hổ chia sẻ.
 
Theo lời ngư dân ở khu vực sông Vàm Nao, tuy mùa này bủa lưới hơi thất thu nhưng không vì thế mà họ bỏ nghề. “Mùa này ít thì mùa sau có thể nhiều hơn. Dân ở đây không có ruộng đất, vốn liếng thì đã đầu tư mua sắm lưới, trang bị ghe và máy để đi bắt cá. Dù khó khăn cũng phải bám nghề bởi nếu bỏ lưới cũng chẳng biết làm gì để sống”, ông Nguyễn Văn Để, ngư dân ấp Vàm Nao, bộc bạch.
 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo