Ở cái tuổi bên kia sườn dốc cuộc đời nhưng anh Thành vẫn còn lạc quan, nhanh nhẹn, yêu đời. Anh tình nguyện tham gia vào CLB phòng chống tội phạm phường Lái Thiêu từ những ngày CLB mới thành lập. Anh nói: “Thời trẻ mình đã làm nhiều điều sai trái, giờ muốn góp sức làm việc có ích cho đời”. Tuổi trẻ của anh háo thắng và rồi chính ma túy, rượu đã khiến cho con người anh mất lý trí mà làm việc phạm pháp.
“Hiệp sĩ” Lê Công Thành (bìa phải) cùng đồng đội khống chế tên cướp taxi Nguyễn Văn Còn
Năm 15 tuổi, Lê Công Thành làm quen với bồ đà, một loại ma túy rẻ tiền. Khi đó anh không có khái niệm về nghiện ngập mà chỉ “chơi” để tỏ ra sành điệu cùng với đám bạn trang lứa ở Lái Thiêu. Khi kinh tế gia đình nhiều đổi thay, anh cùng cha mẹ chuyển về sống ở quê ngoại (thị trấn Năm Căn, tỉnh Cà Mau). Lúc này, không còn gặp đám bạn xấu nữa nên anh từ bỏ được bồ đà. Tuy nhiên vào một ngày nọ, khi người ta vớt được một chiếc thuyền bị đắm ở gần thị trấn và phát hiện trên đó có nhiều bồ đà thì anh lại lao vào tiếp tục chơi.
Năm 1990, khi thị trấn Năm Căn bừng tỉnh và trở thành điểm giao thương của các tàu thuyền thì dịch vụ ở đây phát triển mạnh, trong các loại dịch vụ đó không thể thiếu nhu cầu bia ôm. Nắm bắt thị hiếu, Thành mở quán bia ôm để tính chuyện làm ăn. Nhờ có thân hình vạm vỡ nên Thành được nhiều chủ quán khác vị nể, vì vậy khi có khách nào vào quán mà “ba trợn” là họ nhờ anh đến giải quyết.
Dần dà, thấy việc bảo kê này giúp cho việc làm ăn thuận lợi, lại “có uy” nên Thành tụ tập một số thanh niên liều mạng về dưới trướng nhận bảo kê cho các quán bia ôm, cà phê ôm. Tiếng tăm của Thành lúc ấy nổi như cồn. Mặc dù làm cái việc chẳng hay ho gì nhưng anh rất căm ghét các đối tượng trộm, cướp. Vì thế, trong thời gian này anh cung cấp một số thông tin có giá trị giúp ngành chức năng ở địa phương kịp thời làm rõ các vụ việc hình sự trên địa bàn như: vụ đánh vào hang ổ của bọn chuyên cướp ngư cụ của bà con ngư dân vùng thị trấn Năm Căn; triệt phá băng chuyên trộm cắp đồng hồ…
Tuổi trẻ, háo thắng, làm ra nhiều tiền nên đám đàn em vây quanh tung hê tán tụng, suốt ngày Thành mê mải thú vui cần sa, rượu khiến đầu óc không tỉnh táo ra và nghĩ cuộc đời mình như vậy là quá đủ, không hướng thiện. Rồi trong một lần cùng đám đàn em kéo nhau đi “lấy số”, “Thành 999” (biệt danh mà giới giang hồ đặt cho anh lúc này) bị công an tóm.
Ngày 22-2-1993, Thành bị nhập trại và nếm mùi vị cơm tù. Anh suy sụp hẳn vì từ cương vị của một “đại ca” lúc nào cũng có đông đàn em xung quanh, nay cô độc lặng lẽ giữa 4 bức tường lạnh lẽo của nhà giam. Đám đàn em cũng không đứa nào tìm đến thăm nữa. Anh suy nghĩ nhiều và nhận ra những việc mình làm vừa qua là sai lầm trong cuộc đời. Cái ngày 22-2-1993 được anh chăm chút xăm vào bên chân trái để nhắc mình luôn nhớ mà hoàn lương.
Nhớ lại lúc bị tòa án tuyên phạt 36 tháng tù giam, tinh thần của anh suy sụp thật sự. Khi thụ án tù được 8 tháng, Thành đã trốn khỏi nơi giam giữ và đón xe đến tá túc tại nhà người quen ở TP.Hồ Chí Minh.
Cuộc trốn chạy bất thành!
Sau khi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ rồi sống lang thang ở TP.Hồ Chí Minh một thời gian, Thành tìm về Vĩnh Phú, Thuận An sống và quyết tâm làm người tốt. Tuy nhiên, vì nỗi lo canh cánh trong lòng nên lúc nào Thành cũng có cảm giác bất an, nhiều đêm anh không ngủ được vì nghĩ đến nhà tù. Thay vì tìm đến cơ quan công an tự thú thì Thành lại chọn cách lẩn trốn thực tế bằng cách tiêu cực là quay về với món bồ đà.
Thành đã lôi kéo đám đàn em trung thành tìm đến nơi ở của mình để tổ chức chơi và đám này đi mua hàng về, xem ai có nhu cầu thì bán lại kiếm lời. Lúc này ma túy và rượu lại tiếp tục làm cho lý trí của Thành bị đánh gục. Những hoài bão “làm lại cuộc đời” của anh đã rơi vào quên lãng. Cuối cùng thì cái gì đến cũng đến, trong một lần vận chuyển ma túy, hai gã đàn em của Thành bị bắt quả tang. Tháng 5-1997, Thành bị bắt ngay trước nhà.
Ra tòa lần hai, Thành bị tuyên phạt tổng cộng 13 năm 9 tháng 7 ngày tù cho các hành vi mua bán trái phép ma túy, tổ chức sử dụng ma túy trái phép và trốn khỏi nơi giam giữ. Sau khi tòa tuyên án, Thành được đưa thẳng đến trại giam Thanh Hòa ở Long An thụ án.
Trong suốt thời gian Thành sống quậy phá và nghiện ngập, người vợ của anh vẫn lặng lẽ lo cho chồng, cho con. Đến lúc anh thụ án tù, cứ đến kỳ thăm nuôi là chị dẫn theo 3 đứa con nhỏ đến thăm và động viên anh cố gắng cải tạo tốt, mong anh được giảm án về với gia đình. Chính hình ảnh đó đã thôi thúc Thành quyết tâm vượt qua những khó khăn trước mắt để trở về với gia đình, xã hội và làm lại cuộc đời. Anh tự nhủ: hướng thiện không bao giờ muộn. Vì thế, trong thời gian cải tạo Thành đã cố gắng thực hiện tốt công việc và được bố trí vào đội chăm sóc cây kiểng của trại. Những cố gắng, tiến bộ của anh đã được ghi nhận và ngày 31-8-2005, Thành được đặc xá trước thời hạn gần 4 năm tù.
Ngày Thành bước ra khỏi trại giam, có vợ của anh tìm đến đón chồng. Trước đó, khi biết tin anh được đặc xá, chị tất tả đón xe đi từ sáng sớm đến trại Thanh Hòa đón anh về. Từ nay “Thành 999” lại được trở về với gia đình; trước mắt anh là một thử thách cần phải vượt qua, đó là chứng tỏ để những người xung quanh biết rằng anh đã cải tà quy chánh!
Nay người thanh niên có biệt hiệu “Thành 999” đã ở vào tuổi 50 nhưng xem ra vẫn còn rắn chắc, nhanh nhẹn lắm. Anh nói: “Sau thời gian làm nhiều việc phi pháp bị pháp luật trừng trị và được trở về đoàn tụ với gia đình, điều anh lo sợ nhất là mấy đứa con lại đi theo vết xe đổ của cha”. Đứa con trai lớn của anh hiện đã có gia đình và có công việc đàng hoàng. Hai đứa con gái hiện đều đang học đại học. Đó là cái kết mà anh không dám nghĩ là mình có được.
Để “trả nợ đời”, anh hăng hái tham gia vào CLB phòng chống tội phạm phường Lái Thiêu. Từ khi tham gia đến nay, anh cùng các đồng đội bắt giữ hàng trăm vụ việc và được người dân hoan nghênh. Để có được lòng tin từ những đồng đội chủ nhiệm CLB, ngay từ những ngày đầu anh đã phải cố gắng chứng minh. Anh nói: “Mình phải thể hiện thiện chí, sự quyết tâm để mọi người hiểu. Khi tham gia là xác định góp một phần công sức để giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn mình đang sống”.
Với quãng thời gian gần 3 năm tham gia CLB, có lẽ vụ việc mà anh nhớ nhất là cùng đồng đội bắt tên cướp taxi vào ngày 29-12-2011, đó cũng là chiến công đầu tiên của anh. Trưa hôm đó, khi anh Phan Tiến Anh, tài xế taxi nhận được điện thoại của tổng đài báo đến xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng chở khách lên biên giới Campuchia. Đến nơi, Anh vào nhà phụ vác đồ ra xe cho khách thì bất ngờ bị Nguyễn Văn Còn, 33 tuổi tấn công cướp xe taxi chạy thẳng. Lập tức, bị hại gọi điện về tổng đài thông báo cho tài xế ở các khu vực chặn đường.
Tên Còn lái xe chạy từ Dầu Tiếng hướng về TP.Hồ Chí Minh. Trên đường đi, hắn nhiều lần thản nhiên dừng xe bắt khách. Đến xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, Còn nhận chở hai mẹ con chị Mai Thị Bích Diêu đến bến xe miền Đông với giá chỉ 150.000 đồng. Khi Còn chạy đến khu vực phường Lái Thiêu thì bị tài xế Mai Hải Chiến (cùng hãng taxi Mai Linh) phát hiện và đuổi theo; đồng thời gọi điện báo tin cho các “hiệp sĩ” phường Lái Thiêu hỗ trợ.
Nhận được tin báo, anh Thành cùng đồng đội ngay lập tức phóng xe máy bám theo xe taxi bị cướp. Khi bị chặn ngang đầu xe, Còn dừng lại định chống cự thì bị anh Thành dũng cảm lao đến khống chế và cùng đồng đội hỗ trợ đưa hắn về Công an phường Lái Thiêu. Tại cơ quan công an, Còn thừa nhận đã cướp taxi và bắt khách dọc đường để lấy tiền trả nợ.
Bình luận (0)