xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lên thượng nguồn ngóng... nước lũ

Theo TRẦN PHƯỚC- HOÀNG MINH (Vĩnh Long Online)

Tháng 8 âm lịch, vừa qua Tết Trung thu, chúng tôi vác ba lô ngược dòng nước son ngầu đỏ lên thượng nguồn sông Cửu Long tìm nước lũ. Từ nơi “bắt gặp lũ” ven dòng sông Hậu thuộc huyện Chợ Mới (An Giang), theo Đường tỉnh 954 qua phà Thuận Giang lên huyện Phú Tân, Tân Châu nước lũ đã le lé ngoài xa những con đê cao…

img
Xuồng câu lưới đã sẵn sàng, nhưng nước chưa chịu… nổi…

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người, đến thời điểm này nước lũ “chưa chịu lên” khiến nhiều người mưu sinh bằng nghề hạ bạc phải chịu thất thu. Và, dường như mùa lũ đối với người dân đã bớt háo hức.

Lũ “nghèo” nước
 
Trước hôm lên đầu nguồn mùa lũ, anh bạn ở An Giang cho hay: “Lũ ở đây chưa lên đâu, nước trên đồng còn khô queo, đừng đi mất công!” Thật đúng vậy, gần 1 ngày rong ruổi qua các huyện Chợ Mới, Phú Tân rồi đến vùng giáp ranh với huyện Châu Phú- nơi mà những hàng năm “đón” nước lũ từ Campuchia đổ về, thì năm nay nước lại… không tràn đồng. Những cánh đồng xả lũ rộng mênh mông, nhưng nước chỉ mấp mé, nhiều chỗ chưa ngập hết gốc rạ.
 
Ông Nguyễn Tự Điển- Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh (huyện Phú Tân)- cho hay: Theo điều tiết thì 3 năm xả lũ một lần và năm nay lại đúng vào năm xả lũ nhưng đến tuần trước nước lũ vẫn chưa lên. Trước đó hơn 2 tuần, chúng tôi đã cho mở nắp cống xả lũ để lấy phù sa bổ sung cho ruộng đồng, diệt trừ sâu bọ, nhưng đến giờ nước vẫn lên không nổi”.
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, nước lũ tại các huyện đầu nguồn đang lên nhanh. Ngày 21-9 mực nước thực đo tại Tân Châu, Châu Đốc cao hơn cùng kỳ từ 0,09- 0,22m. Tại Vĩnh Long mực nước đạt đỉnh triều báo động 1 nhưng vẫn còn thấp hơn từ 0,04- 0,19m so cùng kỳ.
 
Đi tìm nước nổi theo cầu K16 rồi men theo ngôi chợ cùng tên nằm dưới chân cầu để ra cánh đồng lũ. Thế nhưng, trên cánh đồng bạt ngàn, xa xa mới thấy một vài người dân lúi húi bên giàn dớn bắt cá. Mùa nước nổi là mùa đánh bắt thủy sản của người dân và nhiều làng nghề làm ăn phát triển nhờ “ăn theo” mùa nước.
 
Nhưng mùa này, những chợ cá đồng bày bán khá ít ỏi, chỉ mớ ếch, mớ cá rô, sặt nhỏ... Chưa kịp thích thú khi nhìn thấy thau cá lóc đen bóng theo “cửa hàng di động” của chị Bảy Hồng, đã phải thất vọng vì “toàn cá nuôi hết à”.
 
Một thực tế cho thấy, những năm gần đây, cá tự nhiên ở miền Tây không ngừng suy giảm do con người ra sức đánh bắt, khai thác kiểu tận diệt bằng đủ thứ phương tiện, từ đóng đáy, chặn đăng, đặt dớn... thì bảo sao không cạn kiệt?
 
Việc đắp đê bao cấy lúa 2- 3 vụ cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của cá, bức xúc nhất là tình trạng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho lượng cá ngày càng giảm đi nhiều, đặc biệt là cá linh mùa lũ.
 
Chính vì cá linh “lên đời” khan hiếm, nên nhiều bà con ngư dân phải thuê mặt nước đánh bắt bằng đú, nhưng sản lượng mỗi năm mỗi giảm.
 
Nước nổi đang về
 
Thời gian này nước thượng nguồn đang lên nhanh. Theo anh Nguyễn Văn Duy ở Thoại Sơn, do ảnh hưởng đợt mưa liên tiếp kéo dài những ngày qua, lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh. So với thứ năm tuần rồi, mực nước đã cao hơn chừng 4 tấc. Ruộng lúa vụ ba của anh gieo sạ hơn 1 tháng phải đặt máy bơm liên tục.
 
Cánh đồng xã Phú Thạnh rộng mát mắt, được chia thành 4 tiểu vùng sản xuất mà theo giải thích của ông Nguyễn Tự Điển nhằm để dễ điều tiết xả lũ và phân vùng cho từng cây trồng.
 
Nhờ hệ thống đê bao kiên cố, nên ngoài tiểu vùng xả lũ bà con đang trông nước lên, thì diện tích không xả lũ lúa xanh rì. Tuy nhiên, theo ông Điển dù nước thấp vẫn không chủ quan và thường xuyên theo dõi diễn biến để kịp thời cảnh báo người dân.
 
Dù vậy, những cánh đồng “mẫn cảm” với lũ như ở huyện Chợ Mới, Phú Tân dường như “kháng” lũ nhờ hệ thống đê bao khép kín. Những ruộng bắp, ruộng rau màu xanh bạt ngàn mới được tưới mát bằng cơn mưa ướt áo.

img
Hành lá làm sạch là một trong những chủng loại chính của vùng màu Kiến An.
 
Ngoài cây lúa, gần đây Chợ Mới được biết đến là vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh An Giang. Trong đó, Kiến An là một xã đất chật người đông với khoảng 32.000 dân, nói như anh Nguyễn Văn Minh- Tổ trưởng Tổ hợp tác Sản xuất rau dưa Kiến An: “Làm lúa không đủ sống, người dân chuyển làm màu vòng quay đất nhanh hơn. Cùng một diện tích làm 2- 3 vụ lúa, nhưng có thể làm đến 8- 9 vụ màu. Hơn nữa, người dân đi xâm canh sản xuất các nơi khác còn nhiều hơn diện tích đất của xã”.
 
Những ruộng rau màu ở Kiến An cũng “công nghiệp” hơn, khi hệ thống nước tưới tiêu tự động, điện được đầu tư bài bản và cả “công nghệ” tiêu thụ hàng hóa nông sản với hơn 100 thương lái thu mua từng cọng hành, cọng hẹ sơ chế, đóng gói...
 
“Năm nay nước về chậm chắc cũng không có cá mắm gì nhiều đâu”- anh Năm chuyên làm giàn đáy trên sông Hậu ở ấp Hòa Hiệp (Phú Hiệp, Phú Tân) nói vậy. Những năm trước, thời điểm này anh đã có cá linh bán, còn nay cá không chạy đáy.
 
Những hộ dân sống ven sông bằng nghề hạ bạc, lũ về là mùa “thu nhập” của họ nhưng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Theo những lão ngư đóng đáy ở đây, năm nào nước lớn, lượng cá về nhiều, những giàn đáy trên đầu nguồn chặn không xuể nên tràn xuống đáy phía sau, đổ vào đồng, ai cũng có phần.
 
Trong khi đó, ở đồng Phú Thạnh người dân không quá háo hức chờ đón lũ, mà chăm chăm nuôi trâu, vỗ béo bò. Vỗ béo bò giúp người dân tăng thu nhập, tận dụng cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp, một con bò chừng 8 tháng vỗ béo có thể đem về chục triệu đồng.
 
Dường như đời sống vùng lũ thượng nguồn đang có một sự “chuyển dịch” đáng kể, đã chủ động và điều tiết được mùa nước nổi theo ý mình. Nhưng nhiều cánh đồng đang khao khát “lũ lý tưởng” để được ngâm mình trong phù sa dòng Mekong!
 
Ông Lê Nghĩa Thuấn- Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chợ Mới: Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, địa phương mạnh dân chia 81 tiểu vùng đê bao, trồng trên 29.000ha rau màu. Ước tính trồng màu có thể thu được hơn 300 triệu đồng/ha/năm, đã đưa Chợ Mới vượt qua ngưỡng 70 triệu/ha, trở thành huyện trọng điểm rau màu lớn nhất của tỉnh.


 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo