Điều đặc biệt là chiếc máy này có thể được điều khiển bằng một thiết bị cầm tay do anh tự thiết kế.
Anh Tuấn cho hay, anh nảy sinh ý tưởng và quyết tâm thực hiện sáng chế này cũng từ thực tế đồng ruộng. Có những lần mang bình phun thuốc trừ sâu đi làm, anh bị ngất giữa đồng vì hít phải chất độc từ thuốc. Từ đó, anh tự hỏi, "tại sao lại không chế tạo một chiếc máy hỗ trợ con người, vừa năng suất vừa giúp bà con mình không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại?".
Sản phẩm máy phun thuốc trừ sâu tự động của anh Trần Thanh Tuấn tại một hội chợ công nghệ
Nghĩ là làm, năm 2010, anh chăm chỉ lên xem các chương trình tivi về khoa học công nghệ. Rồi anh “bén duyên” với một chương trình sáng tạo robot. Với những kiến thức có được trong 2 tháng học nghề sửa chữa điện tử, cùng với 2 năm vừa học vừa làm tại một tiệm sửa chữa điện tử, Trần Thanh Tuấn bắt tay vào thực hiện ý tưởng.
Anh tìm mua những vật liệu như bộ phận điều khiển từ xa, hệ thống phát điện, động cơ máy, bình ắc quy, máy hút nước pha thuốc… Những tháng ngày chạy tới chạy lui giữa các tiệm sửa chữa điện tử ở địa phương khiến nhiều ông bà chủ “nhẵn mặt” anh. Có những bộ phận cấu tạo máy anh phải chạy xe cả trăm cây số lên thành phố mới tìm được bộ phận ưng ý.
“Có hôm tôi lên thành phố tìm mua bộ phận làm máy, chạy tới chạy lui cả chục tiệm mới có được sản phẩm ưng ý. Mua được sản phẩm thì trời cũng gần khuya, nhà lại xa nên tôi nửa muốn về nửa lại muốn ở lại sáng mai về cho an tâm. Như hiểu được tâm sự của tôi, ông bà chủ hỏi tôi mua bộ phận này làm gì? Tôi kể là mua về làm sáng chế, ông và chủ rất vui và mời tôi ở lại nhà họ. Tối đó tôi ngồi nói chuyện với ông chủ đến khuya về công trình nghiên cứu của mình”- anh Tuấn kể lại.
Nhà sáng chế Trần Thanh Tuấn
Mua được nguyên vật liệu về là anh bắt tay vào lắp ráp, hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm, bấm nút điều khiển thì máy bị đổ do đất sình lầy, tưởng chừng như số tiền cả chục triệu đồng đầu tư vào máy móc của anh mất trắng.
Tuy nhiên, không nản lòng, anh tiếp tục cải tiến bộ phận di chuyển của máy để phù hợp với địa hình hiện tại. Không phụ lòng anh, “đứa con tinh thần” đã vận hành rất vững chãi trên ruộng lầy.
Máy phun thuốc điều khiển từ xa có trọng lượng khoảng 130kg, sử dụng bánh xích nên có thể di chuyển được trên nền đất lún 15cm. Máy được trang bị bộ phận phát điện, bơm phun và bình chứa thuốc có thể tích 120 lít. Hệ thống cần phun được gắn cố định theo thân máy có độ dài 12m chứa 48 béc phun thuốc. Máy có thể đạt công suất phun 480 lít thuốc/1 giờ, tiêu hao lượng nhiên liệu khoảng 0,5 lít xăng.
So với lao động thủ công, năng suất phun thuốc của máy cao gấp 7 lần. Một ưu điểm khác, trên máy được trang bị một hệ thống điều khiển tử xa chạy bằng ắc quy. Từ đó, người điều khiển không cần tiếp xúc với máy mà vẫn có thể điều khiển máy di chuyển dễ dàng trên mặt ruộng, tránh nguy cơ tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại từ thuốc trừ sâu.
Sản phẩm của đã giành được nhiều giải thưởng về khoa học kỹ thuật
Hiện tại một vài chiếc máy phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa của anh Trần Thanh Tuấn đã được bán ra thị trường với giá thành khoảng 30 triệu đồng.
Anh Tuấn cho biết, sắp đến sẽ tiếp tục nghiên cứu bộ phận bánh xích của máy có độ bền cao hơn và tìm kiếm vật liệu rẻ và bền để giảm giá thành sả sản phẩm, đưa máy đến được với nhiều đối tượng nông dân sử dụng.
Bình luận (0)