Chỉ có trong mùa mưa
Bánh ương được người dân xứ đảo đặc biệt ưa thích. “Bánh ương” Phú Quý, con lớn nhất cỡ 3 ngón tay, thân hình có màu nâu, bụng màu trắng và có bốn chân. Đây là loài động vật cùng họ với loài cóc, nhái… xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa. Thịt bánh ương giàu chất đạm, có vị ngọt, béo, xương giòn chế biến được nhiều món ăn ngon bổ dưỡng.
Người dân Phú Quý bán “bánh ương” tại chợ. Ảnh: C.Thọ
Khi trời đổ mưa mùa hoặc những cơn mưa bất chợt khoảng 1 giờ đồng hồ rồi trời nắng trở lại bình thường, đó cũng là dấu hiệu để những người chuyên bắt bánh ương chuẩn bị đèn soi để đi ra đồng, những nơi có bánh ương xuất hiện.
Ở Phú Quý có nhiều cách soi bánh ương như: soi bánh ương mắt, soi bánh ương nhảy ( soi lúc trời đang đổ mưa to) và soi sau khi trời mưa, trong đó cách soi mắt là đặc biệt nhất mang lại hiệu quả cao nhưng không phải ai cũng làm được.
Người soi dùng một cái đèn pin đội trên đầu hoặc cầm đèn dơ cao ngang tầm nhìn của mắt, nhờ ánh đèn pin phát ra, người soi quan sát sẽ không để thoát một con bánh ương nào dù là nhỏ nhất.
Một người dân chuyên bắt bánh ương tại thôn Phú An, xã Ngũ phụng kể rằng: “Khi soi, mắt của con vật này nó sẽ phát ra một ánh sáng màu đỏ, người soi chỉ việc bước tới, bắt bỏ vào thùng”, tuy nhiên cách soi này cũng chưa đạt hiệu quả cao nhất, người dân Phú Quý còn có cách thục bánh ương, nghĩa là người ta đào những dãy hào sâu độ chừng nửa mét dọc theo các bìa hàng rào có cây cối um tùm, lúc trời mưa bánh ương từ hàng rào nhảy ra sẽ lọt ngay xuống hào và không lên được, lúc đó người soi chỉ việc đến thả sức mà bắt.
Tạo thêm nguồn thu nhập
Bánh ương không phải có quanh năm mà thuờng có ở những cơn mưa đầu mùa. Nhiều người đã tranh thủ mưa đầu mùa để kiếm thêm thu nhập bằng việc bán bánh ương. Lúc khan hàng, có khi 20.000 đồng/chục con, lúc trời mưa to, giá mềm hơn, khoảng 8.000 – 10.000 đồng/chục con.
Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ tại huyện, đã có một số người thu mua lại để đưa vào đất liền. Bánh ương là sản vật thiên nhiên nhưng bây giờ ở Phú Quý có người dùng lu, khạp, mái… đổ đất vào rồi thả bánh ương đùn trong đó chờ những lúc chợ búa khó khăn thì đưa bánh ương ra bán, lúc ấy rất có giá.
Bình luận (0)