Mua thực phẩm qua mạng là hình thức được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hiện nay. Bên cạnh sự tiện lợi, các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khuyến cáo việc mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực phẩm bán qua mạng được chào mời hấp dẫn
Nhiều mặt hàng
Mới đầu hè nhưng từ vài tuần nay trên các trang mạng xã hội đã có nhiều người rao bán các loại đồ ăn, đồ uống giải nhiệt như trà sữa Thái, thạch dừa, sữa đậu nành, sinh tố hoa quả... Với trang Facebook cá nhân và chiếc điện thoại có kết nối mạng, người mua chỉ cần vào một số hội, nhóm và gõ tên món ăn sẽ cho ra ngay hàng trăm kết quả rao bán. Tất cả đều được quảng cáo là đồ homemade, handmade (do nhà làm, làm bằng tay).
Chị Nguyễn Thị Hải ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) đang nuôi con nhỏ cho biết: “Con gái lớn đang học lớp 2 của tôi rất thích ăn các loại thạch dừa, thạch hoa quả. Do bận công việc, con ăn cũng không nhiều nên tôi thường đặt hàng qua Facebook để họ giao hàng đến tận nhà. Dù chỉ đặt 1-2 hộp nhưng chỉ vài phút là họ đã giao đến ngay”.
Có thể nói, những người kinh doanh qua mạng cũng “nhạy bén” không kém những người chuyên kinh doanh ở các cửa hàng lớn. Với phương châm mùa nào thức ấy, đánh vào tâm lý người tiêu dùng thích lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng chất bảo quản... nhiều người buôn bán đã quảng cáo sản phẩm với những lời lẽ “có cánh”. Chẳng hạn như: nickname M.B.B quảng cáo về mặt hàng bơ sáp: Bơ sáp Đắk Lắk sạch chuẩn 100%, chuyến nào hàng về khách buôn, khách lẻ cũng đến lấy hết. Các mẹ ủng hộ nhé vì nhà bác trồng nên hàng bảo đảm, giá rẻ nhất Facebook, hàng 4-5 quả/kg, giá 35.000 đồng/kg, ship (giao hàng) từ 2 kg, freeship (miễn phí giao hàng) trong nội thành Hải Dương. Không chỉ quảng cáo bằng lời, theo đó là những hình ảnh quả bơ to hấp dẫn kèm theo những phản hồi của khách hàng hay cảnh người bán hàng sử dụng chính thực phẩm đó.
Bên cạnh đó, nhiều người kinh doanh qua mạng còn rao bán những mặt hàng “hiếm” và là đặc sản ở một số vùng miền khác để thu hút khách hàng như cơm cháy Quảng Nam, bánh tro Bắc Giang, bánh giò Hà Nội... Không phủ nhận, việc mua thực phẩm qua mạng là một giải pháp thuận tiện và hiện được nhiều người lựa chọn nhưng giá của các mặt hàng này lại khá thất thường, có loại giá cao hơn ngoài thị trường, có loại thấp hơn nhưng có khi cùng mua trên mạng nhưng giá cũng khác nhau. Chị Hải cho biết thêm: “Thạch dừa mua ở ngoài chỉ 7.000 đồng/cốc nhưng mua trên mạng là 10.000 đồng, có người lại bán 12.000 đồng. Mít cũng đắt hơn khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg nhưng nho xanh Ninh Thuận lại có giá thấp hơn 20.000 - 35.000 đồng/kg...”.
Nhiều mối lo
Nhiều người tiêu dùng chia sẻ trên các trang mạng xã hội, dù đã bỏ ra một số tiền cao hơn so với ở ngoài chợ nhưng họ vẫn lo lắng về chất lượng, nguồn gốc, mặt hàng có thực sự “sạch” như lời quảng cáo hay không.
Chị Vũ Thị Tuyền ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) chia sẻ: “Khi đặt mua hàng qua mạng, tôi chủ yếu dựa vào lời giới thiệu, hình ảnh sản phẩm và những phản hồi của những người mua trước đó. Vì không trực tiếp cầm và chọn như đi chợ nên tôi cũng không biết sản phẩm có bảo đảm hay không?”.
Cũng có không ít người tiêu dùng tỏ ra bức xúc vì mua phải hàng kém chất lượng. Nickname R.C bày tỏ bức xúc trên Facebook Hội bố mẹ và các bé ở Hải Dương: Mình đặt mua 4 kg mít và 1 kg bơ (người rao bán 26.000 đồng/kg mít, 35.000 đồng/kg bơ) nhưng khi bạn ấy mang hàng đến thì chồng mình thanh toán. Mình thấy nhiều nên hỏi chồng thì hóa ra bạn ấy bán cho mình 28.000 đồng/kg mít. Còn bơ thì non choẹt. Mình mua bơ để xay cho con ăn mà cuối cùng không ăn được.
Một nickname khác lại chia sẻ: Mình mua mít của một bạn bán hàng có tiếng trên mạng. Bạn ấy quảng cáo mít không tiêm thuốc nhưng không hiểu sao con mình sau khi ăn mít xong thì nôn, đi ngoài như bị ngộ độc...
Theo ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, mua thực phẩm qua mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người tiêu dùng. Nguồn gốc nguyên liệu đầu vào thường không được kiểm soát, phương tiện chế biến thủ công, loại bao bì sử dụng có thể là loại tái chế hoặc hàng trôi nổi trên thị trường không rõ xuất xứ, không được các cơ quan chức năng thẩm định. Bản thân những người chế biến thực phẩm không được học qua các lớp bổ sung kiến thức về thực phẩm dẫn đến quy trình chế biến thực phẩm không an toàn. Họ cũng không được khám sức khỏe nên có thể đưa nguồn lây bệnh của bản thân vào trong thực phẩm trong quá trình chế biến. Các loại thực phẩm dùng để ăn ngay từ khi chế biến xong đến tay người tiêu dùng trong quá trình vận chuyển có thể bị biến chất. Vì vậy, người tiêu dùng không nên sử dụng các loại thực phẩm này.
Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, việc kinh doanh thực phẩm phải có các điều kiện bảo đảm về cơ sở, con người và cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Việc tự ý in nhãn mác lưu hành là trái với quy định. Chi cục ATVSTP sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề về loại hình kinh doanh này. Để tránh tình trạng mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần chọn những cửa hàng có uy tín, thương hiệu cũng như có sự kiểm nghiệm rõ ràng.
Bình luận (0)