Những nẹp câu kiều đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một đêm mưu sinh.
Nghề câu kiều bắt cá đuối ở đây có từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nghề này trước đây khá phổ biến với cư dân miền biển nhưng hiện nay không còn thu hút được nhiều người dân tham gia nữa. Hiện ở Núi Thành chỉ còn khoảng trên 50 hộ tham gia, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Phước Lộc và An Thuận, xã Tam Tiến. Sở dĩ nghề này không còn thu hút nhiều người tham gia bởi làm nghề câu kiều lắm gian nan, vất vả.
Câu kiều là một loại câu khá đặc biệt, câu không cần dùng đến mồi, lưỡi câu hình chữ U rộng chừng 5cm, sắc nhọn, được xếp thành hàng ngang trên các nẹp tre, mỗi lưỡi câu được bố trí trên dây (dây dù) cách đều nhau chừng 20cm, trên dây dù được gắn phao xốp, mỗi nẹp câu kiều khi phăng ra dài khoảng 50m…
Theo anh Trần Văn Sáu (thôn Phước Lộc, Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam)– một người có thâm niên 15 năm đi biển đánh bắt cá đuối thì nghề câu kiều (còn gọi là câu giương) lắm gian nan, vất vả và không phải ai cũng làm được. Làm nghề câu kiều đòi hỏi phải có sức khỏe, kinh nghiệm và tinh thần kiên trì.
Vất vả, gian nan ngay từ khâu chuẩn bị để ra khơi. Trước khi ra khơi thả câu, cần phải mài giũa cho lưỡi câu thật bén, gỡ câu mắc vào nẹp tre gọn gàng để khi thả câu không bị vướng.Việc thả câu kiều bắt cá đuối chỉ hiệu quả vào những ngày tối trời từ tháng 4 đến tháng 8. Thông thường đi thả câu cần ít nhất 2 người, địa điểm để thả câu cách bờ từ 2 đến 4 hải lý. 13 giờ chiều là thời điểm người dân bắt đầu ra khơi.
Việc thả câu cũng rất mất thời gian, để thả xong 20 nẹp câu (tương đương 1.000m) mất ít nhất 2 giờ. Trên tàu, một người luôn chịu trách nhiệm lái tàu còn một người thả. Tuy nhiên, việc thả câu luôn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro. Khi thả câu phải có sẵn dao bên cạnh để khi lưới câu không may mắc vào tay thì lập tức cắt bỏ lưỡi đó, nếu không các lưỡi khác có thể đồng loạt móc vào tay và như vậy rất nguy hiểm. Sau khi thả câu xong thì neo thuyền ngay trên biển để canh câu chờ tới trời gần sáng thì thu câu mang về.
Những ngày biển lặng thì việc thả câu được dễ dàng, còn những ngày biển động thì công việc càng trở nên khó khăn bởi sóng biển luôn làm thuyền chao đảo.
Tàu câu kiều đánh bắt cá đuối, cá ngát ở biển Tây Nam. Ảnh: INTERNET
Anh Sáu cho biết thêm, nghề câu kiều cũng rất thất thường. Những hôm trúng luồng cá đi có thể thu hoạch được cả tạ nhưng có hôm lại về không. Nhưng những người đã gắn bó với nghề thì không dễ gì bỏ được bởi sự hấp dẫn khó tả của nó.
Cách bố trí và thả câu kiều là một sự sáng tạo và nhiều kinh nghiệm đúc kết của người dân nơi đây. Khi thả dây câu xuống biển, cần phải tính toán làm sao cho dây câu nằm lơ lửng trong làn nước biển. Cá đuối có tập tính thích tìm mồi thường bò sát các cồn cát khi vô tình vướng phải sẽ bị mắc vào dây câu. Do cấu tạo có nhiều lưỡi câu được mắc gần nhau nên khi vùng vẫy cá đuối càng bị nhiều dây câu khác mắc vào hết đường trốn thoát… Biển cả mênh mông nên cách một khoảng cách nhất định lại phải làm cờ phao buộc vào dây câu để đánh dấu vị trí thả.
Dùng câu kiều có thể bắt được nhiều loại cá đuối khác nhau như: cá đuối dơi, cá đuối ó, cá đuối mềm, cá đuối lạng,... Các loại cá đuối bắt được cũng có trọng lượng rất khác nhau từ 5kg đến 40- 50kg nhưng câu kiều đánh bắt được chủ yếu là cá đuối ó khoảng 5kg.
Nghề câu kiều nơi đây chủ yếu chỉ thu hút cánh đàn ông, bởi nghề đòi hỏi phải có sức khỏe vì thường phải thức đêm trên biển và đặc biệt phải chịu được sóng biển, những ai say sóng thì không thể làm được nghề này. Tuy nghề câu kiều lắm gian nan, vất vả, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhưng mang lại thu nhập khá cao. Với giá 45– 50 ngàn/kg như hiện nay, những hôm trúng đậm người dân thu nhập cả triệu đồng.
Bình luận (0)