Thuyền đánh bắt cá ngừ đại dương tất bật chuẩn bị ra khơi.
Thuyền khẳm nhờ “câu đèn”
Bến cá Tam Quan Bắc những ngày này nhộn nhịp chưa từng có. Hàng trăm chiếc thuyền chen chúc đậu, chiếc thì dỡ cá lên bờ, chiếc chờ “lấy tổn” để ra khơi. Những xe đá nườm nượp ra vào, trong đó không ít những chiếc chở đá từ nơi khác tới. Nhiều người sẵn sàng hối rút đá, chấp nhận lấy đá non. Và, một hình ảnh dễ nhận thấy là các thuyền đều có trang bị dàn đèn cao áp. Đèn, máy phát điện ùn ùn chuyển về cho kịp chuyến ghe…
Theo anh Nguyễn Tám, cán bộ khuyến ngư của xã Tam Quan Bắc, hình thức “câu đèn” cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn bắt đầu xuất hiện từ cuối năm 2011, khi các thuyền câu mực của ngư dân Hoài Hương, Hoài Hải phát hiện cá ngừ đại dương tập trung đến để ăn mực. Ngư dân đã dùng những con mực mới câu lên còn sống làm mồi câu cá ngừ đại dương. Cách làm này mang lại hiệu quả rất cao, nên phổ biến với tốc độ chóng mặt trong ngư dân.
Ông Phùng Ngọc Thanh, chủ thuyền BĐ-95471TS, cho biết: “Trước đây, thuyền của tôi câu cá ngừ đại dương bằng giàn câu. Vừa rồi, tôi đầu tư 75 triệu đồng lắp dàn đèn 18 bóng 1.000W. Mới chuyển sang câu đèn được một chuyến, chỉ mất 14 ngày đã đạt 2,9 tấn cá, mỗi “bạn” được chia đến 14 triệu đồng. Ít tốn công mà được nhiều tiền nên anh em phấn khởi lắm”.
Thực tế, sản lượng của các tàu áp dụng hình thức đánh bắt cá ngừ đại dương mới này đạt 2 - 4 tấn/chuyến, có những tàu sản lượng cao đến 5 tấn/chuyến. Từ đó, nâng sản lượng khai thác cá ngừ đại dương của huyện Hoài Nhơn tăng vọt, trong 5 tháng đầu năm đạt trên 4.700 tấn, tăng 2.100 tấn so với cùng kỳ.
“Ngoài sản lượng tăng, hình thức câu cá ngừ đại dương kiểu mới còn có nhiều ưu điểm hơn hình thức câu truyền thống. Chi phí cho mỗi chuyến biển giờ chỉ khoảng 70-80 triệu đồng, giảm gần phân nửa so với trước. Đi câu đèn, số “bạn” chỉ cần khoảng 5 người, trong khi trước đó phải có ít nhất 9 người. Thứ ba, thời gian cho một chuyến biển chỉ từ 15-20 ngày, trong khi đó mỗi chuyến biển trước kia kéo dài cả tháng” - anh Tám phân tích.
Lợi có “bất cập hại”?
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Nhơn, hiện nay toàn huyện đã có 700 tàu thuyền làm nghề câu mực, chụp mực chuyển sang nghề “câu đèn” cá ngừ đại dương. Trong khi đó, ông Đào Duy Hội, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “100% đội thuyền đánh bắt xa bờ của xã đã chuyển sang câu cá ngừ đại dương hình thức mới. Kể cả những thuyền dưới 90CV (công suất tối thiểu để đánh bắt xa bờ) cũng ào ạt sắm đèn đi câu. Đây là một hiện tượng đáng báo động. Sẽ rất nguy hiểm khi số thuyền công suất nhỏ này gặp thời tiết bất lợi. Bên cạnh đó, về lâu dài, nguồn lợi cá ngừ đại dương sẽ bị ảnh hưởng”.
Trong khi đó, theo nhiều ngư dân, “câu đèn” không ảnh hưởng lớn đến nguồn cá ngừ đại dương. “Cá ngừ đại dương không chỉ có ở vùng biển Việt Nam, mà chúng ở nhiều vùng biển khác nhau và di chuyển liên tục theo luồng nước. Câu từng con cá bằng tay thì không thể ảnh hưởng ngay đến số lượng đàn cá. Chỉ có bắt cá bằng cách vây lưới mới “vơ vét” bất kể cá lớn nhỏ”- lão ngư Nguyễn Được, ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, khẳng định.
Có một thực tế là, giá bán cá ngừ đại dương được câu bằng hình thức mới rất thấp, chỉ dao động ở mức 100 ngàn đồng/kg, trong khi đó, giá cá ngừ đại dương câu bằng hình thức truyền thống có giá đến 170-190 ngàn đồng/kg. Theo các thương lái, cá câu đèn có chất lượng thịt kém hơn cá câu giàn, cụ thể là màu thịt cá không được tươi đỏ, độ dẻo của thịt cũng không bằng.
Tuy giá bán cá thấp, nhưng sản lượng cao gần gấp đôi, cộng với phí tổn thấp, nên nghề câu mới vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Vì thế, thời gian tới sẽ có nhiều thuyền chuyển sang sử dụng hình thức câu này. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, số lượng thuyền câu nhiều, khai thác cá ngừ đại dương số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó sử dụng các bóng đèn điện cao áp sẽ ảnh hưởng sức khỏe thuyền viên về lâu dài. Trước tình hình đó, UBND huyện Hoài Nhơn đã đề nghị Sở NN & PTNT, Sở KH&CN nghiên cứu để có khuyến cáo ngư dân biết nên hay không nên áp dụng hình thức câu mới này, đồng thời hướng dẫn ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ đại dương tỉnh: “Hình thức câu cá ngừ đại dương mới cho sản lượng lớn, nhưng chất lượng cá lại thấp, giảm gần 1/3 so với con cá câu bằng cách truyền thống, cụ thể là cá bị biến màu, nghi là do bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao của đèn cao áp. Nếu tình hình khai thác lãng phí kéo dài thì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi cá ngừ đại dương. Hiện nay, Sở đang có đề tài nghiên cứu tìm biện pháp đảm bảo chất lượng của cá sau khi đánh bắt bằng phương pháp mới”.
Bình luận (0)