Người dân thu hoạch Hồng
Cô Phạm Thị Cúc (52 tuổi), một người dân trồng hồng ở khu vực đèo Mimoza, TP. Đà Lạt cho biết: hồng có hai loại khác nhau là hồng đầu bằng và hồng trứng lốc. Mặc dù có những đặc điểm khác nhau nhưng về cơ bản có hương vị giống nhau.
Hồng giòn Đà Lạt có vị ngọt ngọt, thơm thơm, khi chẻ ra những miếng vừa ăn, cho vào miệng nhai nghe dòn rôm rốp.
Khách du lịch mua hồng
Trời đất không những ưu ái cho Đà Lạt một khí hậu đặc biệt mà còn ban tặng cho nơi đây những sản vật tuyệt vời. Không kì công chăm sóc, không kén chọn nơi trồng, không ngại gió sợ mưa, cây hồng lớn lên như một sự dĩ nhiên của tạo hóa. Chỉ là loại cây trồng xen nhưng mỗi năm cứ vào tháng 7 cho tới tháng 11 khắp các chợ lớn nhỏ trong thành phố nơi đâu cũng ngập tràn hồng. Hồng có trên gánh hàng rong của bà mẹ Đà Lạt, trên sạp trái cây của chị em tiểu thương, trên những con đường tới chùa Tàu hay các villa nghỉ dưỡng.
Ngày nay khi diện tích hồng đang dần bị thu hẹp do hiệu quả kinh tế không cao bằng những loại cây trồng khác nhưng nếu muốn tận mắt chứng kiến những vườn hồng mà không phải đi quá xa nội thành, khách du lịch có thể tới thăm những khu vườn ở khu vự gần Dinh III Bảo Đại, hay chạy xe khoảng 5km theo hướng Đông Nam tới đèo mang tên loài hoa Mimosa. Tuy quy mô không lớn lắm, nhưng những vườn hồng ở đây cũng đủ để du khách ngắm nghía những cây hồng trĩu quả, chụp hình kỷ niệm, ăn thử và mua về làm quà.
Mùa thu, những vườn hồng nhuốm trọn một màu vàng. Phải tới tận nơi, tiếp xúc với những chủ vườn thân thiện, chứng kiến quy trình hái hồng mới cảm nhận hết tinh tuý của loại quà dân dã này.
Thường thì hồng được người dân hái thủ công từ trên cây, sau đó các mẹ các chị cẩn thận lựa từng trái hồng, những quả bị trầy xước sẽ được bán cho các cơ sở làm hồng khô, còn những quả lành lặn sẽ được đem ủ làm hồng giòn.
Không cần phải dùng nước vôi để ủ hồng như trước đây, cũng không sử dụng tới máy móc hay bất cứ một loại chất bảo quản nào, hồng sau khi hái xuống, chỉ cần cho vào túi ni lông trắng, sạch rồi cột chặt để khoảng 10 ngày là sẽ mất hẳn vị chát chỉ còn lại vị giòn ngọt vừa ăn. Hồng giòn được đóng gói cẩn thận có thể lấy ra ăn dần hay vận chuyển đi xa mà không sợ hư hỏng.
Bạn Hoàng Nguyễn Minh Thi, khách du lịch chia sẻ: Mình cũng vừa mua được rất nhiều hồng giòn trong chợ Đà lạt đem về làm quà cho gia đình và bạn bè. Tùy vào loại hồng có hạt hay không hạt mà giá bán mỗi ký hồng dao động từ 10.000 tới 20.000đ/kg. Giá cũng khá rẻ nên mình “lượm” luôn hai bịch gần 10 ký, tha hồ làm quà lại đáp ứng đủ các tiêu chí tươi, ngon, bổ, rẻ.
Không chỉ là một thức quà ăn vặt hấp dẫn, trái hồng giòn còn có rất nhiều giá trị. Phấn hồng, cuống hồng, vỏ hồng và thịt trái hồng đều là những vị thuốc. Trái hồng có thể trị được nhiều loại bệnh như: chữa nấc, chữa viêm ruột, kiết lị, chữa lở môi và lưỡi, dị ứng da… Hồng giòn từ lâu đã trở thành vị khá quen thuộc trong các bài thuốc Đông y.
Chị Thúy Anh một tiểu thương bán trái cây ở chợ Đà Lạt vừa gói hồng cho khách vừa vui vẻ nói: “Mùa này ở Đà Lạt là mùa hồng nên loại quả này được tiêu thụ rất mạnh. Không chỉ có người Đà lạt mua thôi đâu mà khách du lịch cũng mua rất nhiều, mua ăn cũng có, mua về làm quà cũng có, khách nước ngoài cũng rất thích ăn hồng giòn. Ở đây cửa hàng nào cũng có bán, người ta bán rong trên đường cũng nhiều. Mùa này, mỗi ngày cửa hàng tôi tiêu thụ gần một tạ cơ đấy”.
Mùa thu, đến thành phố Đà Lạt, lãng đãng bước chân dạo quanh chợ Đà Lạt, cái cảm giác gió se lạnh phảng phất trên vai, dư vị của cơn mưa ngọt lành đêm qua như còn đọng lại đôi chút. Nhấm nháp miếng hồng giòn, mọi điều như tan biến, chỉ còn vị ngọt ngào của Đà Lạt mùa thu.
Khách du lịch có thể lựa mua hồng giòn ở ngay trong các gian hàng đặc sản của chợ Đà Lạt với giá từ 10.000đ - 20.000đ/kg, hay mua trực tiếp tại các cửa hàng di động dọc theo đèo Prenn, dưới chân đèo Mimosa, trước Khu du lịch thác Prenn. |
Bình luận (0)